Một trong những giải pháp được nhiều địa phương đề cao chính là đẩy mạnh dịch vụ công trực tuyến trong cải cách hành chính. Điển hình là tại Hà Nội, ngành Tư pháp của TP xác định, để đẩy mạnh các nhiệm vụ công tác trong năm 2020, cần tập trung đẩy nhanh tiến độ triển khai các nhiệm vụ xây dựng chính quyền điện tử và thành phố thông minh.
Thời gian qua TP đã đưa vào vận hành chính thức hệ thống phần mềm một cửa điện tử dùng chung 3 cấp của TP đến 22 sở, ban, ngành, 30 quận, huyện, thị xã và 584 xã, phường, thị trấn; tiếp tục duy trì Cổng DVC và triển khai mở rộng các dịch vụ trực tuyến dùng chung mức độ 3, mức độ 4, tích hợp chữ 9 ký số chuyên dùng Chính phủ.
Nhiều mô hình mới, sáng tạo đã được các đơn vị tích cực triển khai, tạo nên hiệu ứng tốt góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 của TP. Chẳng hạn như phổ biến thông qua các cuộc họp, các hoạt động ở tại tổ dân phố, khu dân cư, thông qua các buổi tiếp xúc cử tri tại địa phương (như Thanh Xuân, Bắc Từ Liêm, Long Biên, Ba Đình, Chương Mỹ...); thành lập câu lạc bộ tin học cựu chiến binh và người cao tuổi (khu dân cư Tân xuân - thị trấn Xuân Mai, Chương Mỹ); triển khai các mô hình mới như “Khu dân cư điện tử”, “Tổ dân phố điện tử” (quận Thanh Xuân, quận Bắc Từ Liêm, huyện Phú Xuyên…); tuyên truyền thông qua các bảng quảng cáo lắp đặt trong thang máy tại các tòa nhà chung cư cao tầng... cũng như cử cán bộ, thanh niên tình nguyện tham gia hỗ trợ trực tiếp cho người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến.
Còn TP Nha Trang đã đề ra giải pháp triển khai thí điểm thực hiện trao giấy báo tử, trích lục khai tử tại gia đình của công dân chết. Việc triển khai thí điểm sẽ tiến hành từ ngày 01/9/2019 đến 30/08/2020 trên địa bàn 3 xã, là Vĩnh Thái, Vĩnh Thạnh, Vĩnh Hiệp.
Công chức tư pháp - hộ tịch và đại diện thôn, tổ dân phố đến nhà trao trích lục khai tử hoặc giấy báo tử trong thời gian không quá 1 ngày làm việc kể từ ngày đăng ký đối với gia đình vừa có người chết thực hiện thủ tục đăng ký khai tử tại nhà (đối với công dân đã chết có đăng ký thường trú) hoặc ghi nhận sự kiện chết để cấp giấy báo tử (đối với công dân đã chết có đăng ký tạm trú hoặc đang sinh sống tại địa phương).
Trường hợp công dân yêu cầu đăng ký thêm thủ tục xóa hộ khẩu thường trú thì thời hạn trao trích lục khai tử và sổ hộ khẩu không quá 6 ngày làm việc (nếu hồ sơ không xác minh) hoặc không quá 9 ngày (nếu hồ sơ có xác minh).
Mục tiêu của việc triển khai thí điểm này là tạo điều kiện cho công dân được đăng ký khai tử hoặc cấp giấy báo tử tại nhà gia đình của công dân đã chết, đồng thời tạo điều kiện để cơ quan đăng ký hộ tịch thống kê, cập nhật kịp thời số lượng người chết trên địa bàn.
Nhằm hướng tới xây dựng Chính phủ số, Chính phủ không giấy tờ, Sở Tư pháp tỉnh Đồng Nai đã đề ra và triển khai nhiều sáng kiến hay để giải quyết tình trạng cấp Phiếu lý lịch tư pháp cho người dân theo quy trình thủ công, rườm rà, tốn nhiều thời gian như hiện nay, trong đó có thí điểm cấp Phiếu lý lịch tư pháp điện tử.
Người dân có thể nộp hồ sơ trực tuyến lên hệ thống của Sở Tư pháp và chuyển khoản qua bưu điện để thanh toán phí, hoặc đến các bộ phận một cửa cấp huyện trong tỉnh để nộp hồ sơ. Sở cũng hướng tới việc trả hồ sơ trực tuyến cho người dân qua hộp thư điện tử, Zalo, Viber hoặc Facebook và phải đảm bảo tính bảo mật thông tin, an toàn thông tin, thông tin trong văn bản không bị chỉnh sửa.
Với sáng kiến này, đây sẽ là thủ tục hành chính đầu tiên trong cả nước dành cho cá nhân nộp hồ sơ trực tuyến và nhận hồ sơ trực tuyến, phù hợp với lộ trình ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính như hiện nay. Đồng thời tiết kiệm chi phí, thời gian đi lại cho cơ quan quản lý cũng như người dân, nhất là người dân ở vùng sâu, vùng xa, người Việt Nam ở nước ngoài; rút ngắn thời gian tuyệt đối giữa việc gửi - nhận kết quả trong các cơ quan quản lý nhà nước và người dân.