Mang lại lợi ích cho các bên
Nắm bắt được những bất cập của BHYT giấy đối với người sử dụng, cũng như những khó khăn trong vấn đề quản lý, kiểm tra tại các cơ sở y tế, ngày 8/5/2018, Văn phòng Chính phủ đã có Văn bản số 4173/VPCP-KSTT giao cho BHXH Việt Nam chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan liên quan xây dựng dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về cấp, quản lý và sử dụng thẻ BHYT điện tử. Và theo quy định tại Nghị định số 146/2018/NĐ-CP của Chính phủ, từ ngày 1/1/2020, cơ quan BHXH phải thực hiện phát hành thẻ BHYT điện tử cho người tham gia.
Việc triển khai thẻ BHYT điện tử được xem là bước tiến mới của ngành BHXH trong hiện đại hóa hành chính, nâng cao chất lượng phục vụ người dân khám, chữa bệnh bằng BHYT.
Theo ông Võ Khánh Bình, Trưởng ban Sổ - Thẻ, BHXH Việt Nam, việc chuyển đổi sang thẻ BHYT điện tử trong tương lai sẽ mang lại lợi ích lớn cho tất cả các bên liên quan, như người tham gia BHYT, cơ sở khám chữa bệnh (KCB), cơ quan BHXH. Những người tham gia BHYT đã có thẻ giấy sẽ được cơ quan BHXH chủ động chuyển đổi sang thẻ điện tử và không yêu cầu phải lập bổ sung hồ sơ. Quan trọng nhất là người dân có thẻ BHYT khi đi KCB không cần mang giấy tờ tùy thân mà có thể thực hiện xác thực nhân thân bằng thông tin sinh trắc học như vân tay, khuôn mặt..., giúp thuận tiện và giảm các thủ tục. Bên cạnh đó, toàn bộ lịch sử bệnh tật của người tham gia cũng được lưu trữ trên thẻ sẽ giúp cơ sở KCB thuận lợi hơn cho quá trình theo dõi và điều trị.
Đối với cơ sở KCB, việc chuyển đổi sang sử dụng thẻ điện tử để xác thực người sử dụng thẻ tại khâu tiếp đón bệnh nhân sẽ tiết kiệm được chi phí và giảm thời gian kiểm tra thủ tục, bảo đảm nhanh gọn, chính xác do thông tin lưu giữ trong thẻ điện tử được dùng để nhận dạng, xác thực nhân thân bệnh nhân, thay vì phải kiểm tra giấy tờ tùy thân có ảnh. Thẻ BHYT điện tử sẽ giúp cơ sở y tế kiểm tra thông tin các lần KCB BHYT gần nhất để tránh việc sử dụng các dịch vụ cận lâm sàng với tần suất có thể gây ra những tác dụng phụ ảnh hưởng đến sức khỏe người bệnh hay việc cấp các loại thuốc điều trị phù hợp, tránh tình trạng kháng thuốc do sử dụng không hợp lý….
Người dân hào hứng
Sau khi được nghe thông tin về việc cơ quan BHXH Việt Nam sẽ đổi BHYT giấy bằng BHYT điện tử vào đầu năm 2020, phần lớn người được phỏng vấn đều tỏ thái độ rất tích cực.
Theo anh Nguyễn Mạnh Cao (Đống Đa, Hà Nội) cho biết: “Bình thường mỗi lần tôi vào viện, ngoài chuẩn bị tiền nong, giấy tờ tuỳ thân, lại còn phải tìm cả sổ khám chữa bệnh, thẻ bảo hiểm y tế,... thực sự rất mất thời gian. Tôi nghe nói BHYT điện tử mới này có thể lưu lại lịch sử bệnh tật của người dùng. Như thường lệ mỗi lần đi bệnh viện, bác sĩ sẽ hỏi tôi mấy câu như: lần khám chữa bệnh trước đã khám những gì, biểu hiện, tình trạng, mức độ thế nào, điều trị như thế nào,... nếu không giữ sổ khám chữa bệnh thì chả ai nhớ được hết cả. Vì vậy việc thay đổi sang dùng thẻ điện tử này, tôi thấy sẽ thuận lợi hơn cho cả bệnh nhân và bác sĩ trong quá trình theo dõi và điều trị của mỗi người bệnh”.
Chị Hoàng Thị Ngân - một bệnh nhân tới khám tại Bệnh viện mắt Hà Nội chia sẻ: “Có lần mình đi khám bệnh nhưng quên không mang chứng minh nhân dân, nhà thì xa nên ngại quay về lấy. Vì vậy mình không thể khám bằng BHYT mà phải chuyển sang khám dịch vụ và mất khá nhiều tiền. Đọc trên báo thấy thẻ BHYT điện tử thì không cần mang giấy tờ tùy thân mà vẫn có thể thực hiện xác thực bằng vân tay, khuôn mặt..., do đó mình rất tán thành và hài lòng với kế hoạch thay đổi này của các cơ quan chức năng. Nó thực sự giúp mọi người thuận tiện và giảm phiền hà khi làm thủ tục khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế”.
“Tôi là giáo viên, hàng năm khi trường tôi đứng ra đại diện để mua thẻ bảo hiểm y tế cho học sinh, hầu như lần nào tôi cũng nghe phụ huynh học sinh phản ánh về việc in sai thông tin của con họ trên thẻ, yêu cầu sửa và in lại. Việc thay thế thẻ giấy bằng thẻ điện tử theo tôi là rất hợp lý! Với dữ liệu được lưu trữ trực tiếp trên hệ thống, nếu gặp vấn đề sai thông tin có thể sửa chữa trực tiếp được mà không cần phải làm quá nhiều thủ tục rườm rà, rồi mất thời gian đợi sửa chữa, in lại” - cô T.N.N giáo viên tiểu học cho hay.