Sau khi phản ánh về việc UBND xã Xuân Đỉnh thu hồi 150m2 của gia đình ông Nguyễn Văn Tuệ không có quyết định thu hồi, không đền bù, tòa soạn PLVN nhận được ý kiến của các luật gia, luật sư mổ xẻ những việc làm trái qui định của UBND xã Xuân Đỉnh trong thu hồi đất và giải quyết khiếu nại.
Thu hồi và giải quyết khiếu nại có vấn đề
Như chúng tôi đã nêu, Thông báo 262 là văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thường trực Huyện ủy Từ Liêm về công tác quản lý đất đai tại xã Xuân Đỉnh, trong đó có đoạn: “Thời gian qua, Đảng ủy, UBND xã Xuân Đỉnh chưa thực hiện tốt công tác lãnh đạo, quản lý đất đai, trật tự xây dựng để vi phạm ở một số khu vực trên địa bàn. Việc xác nhận nhà đất đối với một số hộ gia đình chưa đúng qui định..”. Thông báo chỉ nêu chung chung như vậy nhưng đã có 41 hộ (trong đó có hộ ông Tuệ) bị UBND xã thu hồi đất và không được bồi thường.
Về việc này, TS Trần Quang Huy - Trường Đại học Luật Hà Nội phân tích, bất luận là đất lấn chiếm hay không thì Luật Đất đai quy định trước khi giao đất cho người khác sử dụng, cơ quan có thẩm quyền phải thu hồi bằng một quyết định hành chính. “Ở vụ việc này không có quyết định thu hồi đất của UBND huyện Từ Liêm là trái quy định. Thông báo 262 ngày 28/7/2009 của Huyện ủy Từ Liêm không thể coi là căn cứ thu hồi vì Huyện ủy là cơ quan đảng không phải là cơ quan chỉ đạo việc thu hồi đất”, TS Huy khẳng định.
Đồng quan điểm, Luật sư Nguyễn Thị Phượng, Cty Luật Đại Việt khẳng định: “UBND xã Xuân Đỉnh “vin” vào Thông báo 262 để thu hồi là không “chuẩn". Tại Điều 38 Luật Đất đai quy định rõ trường hợp thu hồi đất bị lấn chiếm phải có quyết định thu hồi. Nếu cho rằng đây là đất lấn chiếm, UBND huyện Từ Liêm phải có quyết định thu hồi chứ không phải UBND xã tự ra quyết định cưỡng chế là được”.
Đáng nói là không chỉ vi phạm về việc thu hồi đất, mà theo gia đình ông Tuệ thì gia đình ông liên tục có đơn khiếu nại tới UBND xã Xuân Đỉnh và UBND huyện Từ Liêm về việc đất khai hoang từ năm 1990 nhưng bị thu hồi không được đền bù, hỗ trợ gì, nhưng đều không nhận được sự trả lời nào.
Chỉ sau khi PLVN có bài phản ánh, ngày 6/12/2012, ông Trần Ngọc Huân, Phó chủ tịch UBND xã Xuân Đỉnh mới có buổi làm việc với gia đình ông Tuệ; tại đây ông Huân khẳng định đây là đất công do UBND xã quản lý, gia đình lấn chiếm nên không được đền bù, hỗ trợ. “Đây là buổi trả lời cuối cùng cho gia đình ông Tuệ, nếu không đồng ý, ông Tuệ có quyền đến các cấp cao hơn để kiện”, ông Huân kết luận.
Nhiều luật sư cho rằng, việc trả lời khiếu nại bằng miệng như ông Phó Chủ tịch Huân là sai bởi theo Luật Khiếu nại, người giải quyết khiếu nại lần đầu phải ra quyết định giải quyết khiếu nại. Mặt khác, Chủ tịch UBND xã mới là người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu.
Vì sao bản đồ quan trọng bị giấu?
Theo ông Huân, bản đồ địa chính qua các thời kỳ như 1960, 1987 và 1994 đều thể hiện đất ông Tuệ sử dụng là đất công, thuộc UBND xã quản lý. Tuy nhiên, gia đình ông Tuệ nhiều lần đề nghị chính quyền công bố các bản đồ đó nhưng không hiểu sao không được đáp ứng.
“UBND xã cho rằng đây là đất công, do xã quản lý qua các thời kỳ để bác bỏ sự thật tôi khai hoang năm từ năm 1990 nhưng chỉ nói suông như vậy mà không không hề có căn cứ, chẳng hạn như các bản đồ, sổ mục kê thì cần phải có bản đồ chứng minh nhưng chính quyền cố tình không xuất trình thì làm sao thuyết phục được người dân?”, ông Tuệ băn khoăn.
Sau khi tiếp nhận khiếu nại của ông Tuệ, Chánh văn phòng UBND huyện Từ Liêm Nguyễn Hữu Tuyên cho biết sẽ giao UBND xã Xuân Đỉnh cùng ban Bồi thường GPMB huyện xem xét lại. |
Một chi tiết khác cũng cần làm rõ, đó là ông Tuệ cho rằng ông khai hoang, san lấp ao của HTX Tân Trào để tăng gia chăn nuôi và trồng cây. Tại một tài liệu mà phóng viên được tiếp cận là sổ mục kê có ghi nhận thửa đất nói trên thuộc thửa 53, diện tích 657m2, tên chủ sử dụng là “ao TT” và phần ký nhận là “TT”.
Có thể “TT” là HTX Tân Trào như ông Tuệ nói. Nhưng theo giải thích của ông Huân thì “TT” là tập thể tức là UBND xã. Tuy nhiên, tại trích sao sổ mục kê vẫn số thửa, diện tích ấy nhưng phần chủ sử dụng lại bị đổi thành “Ao Thanh niên”. Bất nhất nêu trên cần được làm rõ bằng việc cung cấp đầy đủ bản đồ địa chính và sổ mục kê, tránh suy luận gây bất lợi cho người bị thu hồi đất.
Theo Tiến sỹ Huy, chữ “TT” không thể là tập thể vì bất kỳ một tập thể nào đó đều phải có tên cụ thể, càng không thể nói “TT” là UBND xã.
"Mấu chốt của việc này, tôi cho rằng cần xác định nguồn gốc của đất trước năm 1990 (là thời điểm trước khi gia đình ông Tuệ sử dụng) bằng bản đồ và sổ mục kê để biết ai là chủ sử dụng và chứng minh cho quá trình sử dụng đất của ông Tuệ cũng như quá trình quản lý của chính quyền cho rõ ràng.
Tôi khẳng định, trong qui định của luật Đất đai không có khái niệm nào là đất công cả. Đất bao giờ cũng phải có chủ và thông thường chính quyền không phải là người sử dụng mà chỉ là người quản lý về mặt địa giới hành chính. Nếu san lấp ao hồ mà chính quyền không có động thái gì , không có xử lý hành vi vi phạm lấn chiếm thì họ mặc nhiên được sử dụng và phải thừa nhận cho họ. “Với những bất ổn như báo chí đã nêu, theo tôi UBND huyện Từ Liêm cần rà soát lại toàn bộ quá trình thu hồi đất của xã Xuân Đỉnh, tránh thiệt hại cho người dân”, TS Huy nói.
P.V.