Ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 749/QĐ-TTg, ngày 3/6/2020 phê duyệt “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, UBND tỉnh Điện Biên đã ban hành Kế hoạch 1905/KH-UBND ngày 2/7/2020 về triển khai thực hiện Chương trình chuyển đổi số đến năm 2025 và định hướng năm 2030 trên địa bàn tỉnh.
Trên cơ sở đó, tỉnh đã tập trung chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện ứng dụng CNTT, chuyển đổi số và đã đạt được những kết quả nhất định. Các cấp ủy Đảng, chính quyền, cơ quan, đơn vị đã tích cực ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển chính quyền điện tử hướng tới xây dựng chính quyền số, với tỷ lệ văn bản điện tử ký số đạt trên 90%; tỷ lệ cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 đạt 35%; họp trực tuyến ngày càng mở rộng số điểm họp, số lượng cuộc họp trực tuyến ngày càng tăng.
Kinh tế số ngày càng đóng góp quan trọng trong cơ cấu GRDP của tỉnh (năm 2020 chiếm khoảng 6,23%). Các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh từng bước ứng dụng công nghệ số đổi mới phương thức sản xuất, kinh doanh, nâng cao năng suất lao động, giảm chi phí, mở rộng thị trường; nhiều phương thức kinh doanh, dịch vụ, ngành nghề mới xuất hiện góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập, đời sống của nhân dân.
Cùng với đó, hạ tầng mạng băng rộng cố định đã phủ đến 80% khu vực dân cư; 31% hộ gia đình được kết nối internet băng rộng cố định; 68% thuê bao di động sử dụng điện thoại thông minh là nền tảng hình thành môi trường số giúp kết nối, chia sẻ thông tin, tri thức, các giá trị văn hóa và tạo ra môi trường sống, lao động, học tập, sản xuất, kinh doanh mới trên không gian mạng.
Tuy nhiên, hiện nay chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh Điện Biên được đánh giá là vẫn còn khá sơ khai; quá trình ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số của tỉnh bộc lộ một số khó khăn, hạn chế.
Một số lãnh đạo, cán bộ công chức các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp chưa nhận thức đầy đủ về ý nghĩa, tầm quan trọng, tính cấp bách của chuyển đổi số; tư duy trong chuyển đổi số chậm đổi mới, sức ỳ lớn; chuyển đổi số trong các ngành, lĩnh vực còn chậm, đặc biệt đối với các ngành, lĩnh vực tỉnh có lợi thế như nông nghiệp, du lịch, y tế, giáo dục...
Phần lớn các doanh nghiệp chưa quan tâm, tích cực, chủ động tiếp cận, ứng dụng công nghệ số, các nền tảng số phục vụ chuyển đổi số. Phát triển kinh tế số của tỉnh còn mang tính tự phát, quy mô nhỏ, giá trị thấp.
Bên cạnh đó, hạ tầng công nghệ thông tin chưa được đầu tư đồng bộ, dẫn đến khó khăn trong kết nối, liên thông, chia sẻ, khai thác hiệu quả tài nguyên cơ sở dữ liệu của tỉnh. Thiếu nguồn nhân lực nội bộ để ứng dụng công nghệ thông tin trong chuyển đổi số; nguồn kinh phí dành cho ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số còn hạn chế; quản lý Nhà nước về ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số chưa theo kịp thực tiễn…
Những khó khăn trên đặt ra thách thức lớn cho tỉnh về việc cần phải thay đổi về tư duy, nhận thức của mọi tầng lớp xã hội; phải thu hút được nguồn lực; đào tạo nhân lực; xây dựng thể chế, khung pháp lý, hành lang chính sách về công nghệ thông tin và huy động sức mạnh của toàn dân để đạt được mục tiêu trong việc thực hiện chuyển đổi số.
Một trong những giải pháp quan trọng để đẩy nhanh tiến độ thực hiện chuyển đổi số đó là chuyển đổi về nhận thức. Việc nâng cao nhận thức, đổi mới tư duy, nhất là đối với người đứng đầu, đóng vai trò hết sức quan trọng và quyết định; xây dựng, hoàn thiện thể chế và công nghệ là động lực; bảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng là then chốt để chuyển đổi số thành công và bền vững./.