Theo khoản 1 Điều 47 Luật THADS 2014 thì thứ tự các khoản tiền được ưu tiên thanh toán như sau: Tiền cấp dưỡng, tiền lương, tiền công lao động, trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm, trợ cấp mất sức lao động, tiền bồi thường thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, tổn thất về tinh thần; Án phí, lệ phí Tòa án; Các khoản phải thi hành án (THA) khác theo bản án, quyết định.
Trường hợp trong cùng một hàng ưu tiên có nhiều người được THA thì việc thanh toán được thực hiện theo tỷ lệ số tiền mà họ được THA và sẽ ưu tiên về tiền cấp dưỡng, tiền lương...; án phí, lệ phí Tòa án; cuối cùng là các khoản phải thi hành theo bản án, quyết định.
Số tiền THA thu theo quyết định cưỡng chế THA được thanh toán cho những người được THA tính đến thời điểm có quyết định cưỡng chế đó; số tiền còn lại được thanh toán cho những người được THA theo các quyết định THA khác tính đến thời điểm thanh toán; Trường hợp xử lý tài sản cầm cố, thế chấp mà bên nhận cầm cố, thế chấp là bên được THA hoặc trường hợp bán tài sản mà bản án, quyết định tuyên kê biên để bảo đảm thi hành một nghĩa vụ cụ thể thì số tiền thu được từ việc bán tài sản cầm cố, thế chấp, bị kê biên được ưu tiên thanh toán cho bên nhận cầm cố, thế chấp hoặc bên có nghĩa vụ được bảo đảm sau khi trừ án phí của bản án, quyết định đó, chi phí cưỡng chế và khoản tiền quy định tại khoản 5 Điều 115 của Luật này.
Còn trường hợp xử lý tài sản cầm cố, thế chấp mà bên nhận cầm cố, thế chấp không phải là người được THA thì người nhận cầm cố, thế chấp được ưu tiên thanh toán trước khi thanh toán các khoản theo quy định tại Điều này. Riêng tiền thi hành án về phá sản thực hiện thanh toán theo quy định của pháp luật về phá sản.
Hướng dẫn quy định tại Điều 47 Luật THADS, khoản 6 Điều 24 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP của Chính phủ quy định trường hợp đương sự tự nguyện giao nhà ở là tài sản duy nhất nhưng số tiền thu được không đủ để thanh toán các nghĩa vụ THA mà người phải THA không còn đủ tiền để thuê nhà ở hoặc tạo lập nơi ở mới thì chấp hành viên thực hiện theo quy định tại khoản 5 Điều 115 Luật THADS.
Cụ thể, khoản 5 Điều 115 Luật THADS quy định trường hợp cưỡng chế giao nhà là nhà ở duy nhất của người phải THA cho người mua được tài sản bán đấu giá, nếu xét thấy sau khi thanh toán các khoản nghĩa vụ THA mà người phải THA không còn đủ tiền để thuê nhà hoặc tạo lập nơi ở mới thì trước khi làm thủ tục chi trả cho người được THA, chấp hành viên trích lại từ số tiền bán tài sản một khoản tiền để người phải thi hành án thuê nhà phù hợp với giá thuê nhà trung bình tại địa phương trong thời hạn 1 năm.
Tuy nhiên, theo Cục trưởng Cục THADS tỉnh Gia Lai Đào Trọng Giáp, pháp luật hiện lại chưa quy định rõ việc có trích tiền thuê nhà cho người thứ ba hoặc người có quyền, nghĩa vụ liên quan đã dùng nhà ở duy nhất của mình để đảm bảo cho người phải THA vay tài sản đã được Tòa án tuyên trong bản án, quyết định có được hỗ trợ tiền thuê nhà ở hay không.
Bên cạnh đó, hướng dẫn về thủ tục thanh toán tiền, trả tài sản THA tại khoản 3 Điều 49 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP quy định: “Trường hợp người được THA là doanh nghiệp, cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội, tổ chức kinh tế - xã hội thì việc chi trả tiền THA thực hiện bằng chuyển khoản”.
Khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện là không quy định rõ trường hợp chuyển khoản từ tài khoản gửi tiết kiệm ở ngân hàng sang tài khoản của đương sự. Vì thực tế những vụ việc chưa giao được tài sản phải gửi tiết kiệm ngân hàng, cơ quan THA phải làm thủ tục rút tiền về gửi vào tài khoản tạm giữ, sau đó mới chuyển vào tài khoản cho đương sự. Như vậy mất rất nhiều thời gian, thủ tục rườm rà, ảnh hưởng đến kết quả THA…
Với các quy định trên thì việc thanh toán tiền THA không còn được ưu tiên thanh toán cho người được THA theo quyết định cưỡng chế THA. Chấp hành viên phải rà soát, xác định những bản án, quyết định có liên quan có trước thời điểm có quyết định cưỡng chế để thực hiện các thủ tục chi trả tiền theo quy định. “Việc quy định này về cơ bản đã gây khó khăn cho chấp hành viên khi tiến hành xử lý tiền THA theo quy định, kéo dài thời gian tổ chức THA” – ông Giáp cho hay.