30 tuổi, mẹ tôi lấy bố tôi. Đám cưới của bố mẹ tôi không có hoa, không có váy cô dâu như những đám cưới khác. “Gái lỡ thì và một thằng đã có vợ”, mợ tôi thường mỉa mai nói về sự đặc biệt ấy mỗi khi kể với chúng tôi về đám cưới buồn chán của bố mẹ mình.
Hình chỉ có tính minh họa. |
Rồi chúng tôi chào đời. 3 thằng con trai liên tiếp mỗi đứa một năm khiến cho gia đình “chỉ có cái xác nhà không” được dựng tạm trong góc vườn nhà bà ngoại càng ngày càng tiêu điều xơ xác.
Tôi là đứa lớn. 3 tuổi đã phải trông em. 5 tuổi đã phải tha em nheo nhóc đi khắp xóm trong xóm ngoài để mẹ đi làm. Thằng cu nheo nhóc trên lưng đứa trẻ trẻ gầy còm khiến người làng nhìn chúng tôi bằng con mắt thương hại, xót xa, và dường như là cả chút khinh bỉ. Người ta mỉa mai mẹ tôi: Đã nghèo hèn, lại còn đẻ lắm.
Vậy nhưng, điều khủng khiếp nhất với chúng tôi không phải là sự thương hại đó. Tôi thà tha em đi lang thang còn hơn phải về nhà, rúc vào căn nhà ngày lúc nào cũng tối om om, vo ve tiếng muỗi và nồng nặc mùi rượu.
Tôi cũng không nhớ từ bao giờ bố tôi không đi làm. Bố mượn bố là người “đất khách quê người”, là cảnh “chó chui gậm chạn” nên không dám ra ngoài đường sợ người ta khinh.
Bố để mặc cho mẹ tôi đôn đáo khắp nơi làm thuê làm mướn, rồi mò cua bắt ốc để có cái bỏ vào mồm cả lũ chúng tôi và cả bố.
Không những thế, mẹ còn phải đi làm để lấy tiền cho bố tôi uống rượu. Ngày nào cũng như ngày nào, tôi phải vác chai đi mua rượu cho bố. 5 nghìn, 10 nghìn là bữa cơm của mẹ con tôi đã có miếng đậu rán, hay mấy con tép kho. Nhưng số tiền đó mua rượu đổ vào miệng bố chẳng thấm thía gì. Không có đủ rượu uống cho đã, bố cũng chửi tôi. Có những hôm bố kiếm được rượu ở đâu, uống say mềm, bố cũng chửi tôi. Tôi không thể nhớ nổi đã bao nhiêu lần tôi hứng trọn cả bàn chân của bố vào ngực, vào bụng. Không biết bao nhiêu lần mắt tôi nổ đom đóm vì những cái tát của kẻ say.
Tôi muốn đưa em tôi đi lang thang. Gầm cầu quán chợ còn cho chúng tôi chỗ ngủ rộng rãi hơn túp lều 5 con người nhà tôi đang phải chui rúc. Và quan trọng nhất là ở những nơi ấy, tôi không phải hứng chịu những trận đòn thừa sống thiếu chết, chỉ vì bố không có rượu uống, hoặc rượu làm bố thấy tôi như kẻ thù của ông.
Tôi vẫn thường nghêu ngao hát mấy bài nhạc sến của xe bán dạo vẫn đi qua làng tôi: “Nhiều khi tôi muốn bỏ đi thật xa…”. Nghe tôi hát, bố tôi cười lơ ngơ. Còn mẹ tôi ngân ngấn nước mắt. Chắc mẹ hiểu tôi chứ không giống bố cho rằng tôi đang thích làm ca sỹ...
Nhật Thanh