Nhiều kết quả nổi bật.
Sau gần 1 năm triển khai Đề án 06 trên địa bàn tỉnh Quảng Bình, ngành Tư pháp đã hoàn thành việc tái cấu trúc, kết nối và đưa vào cung cấp 04 dịch vụ công trực tuyến thiết yếu đó là; cấp Phiếu lý lý lịch tư pháp; đăng ký khai sinh; đăng ký khai tử và đăng ký kết hôn, với trên 3.500 hồ sơ trực tuyến được giải quyết đúng quy định. Hiện tỷ lệ người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến lĩnh vực tư pháp ngày càng tăng. Đây là kết quả nổi bật của ngành tư pháp, góp phần hoàn thành Đề án 06 trên địa bàn tỉnh Quảng Bình.
Cục Bổ trợ tư pháp (Bộ Tư pháp) phối hợp với Sở Tư pháp Quảng Bình tổ chức buổi làm việc, trao đổi, nắm tình hình về công tác đấu giá tài sản tại tỉnh Quảng Bình. |
Theo đánh giá năm 2022, nhu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp (LLTP) trên địa bàn tăng đột biến (tăng 131,1% so với năm 2021). Để nâng cao chất lượng phục vụ, Sở đã áp dụng nhiều giải pháp như làm thêm ngoài giờ, mở các lớp bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ trực tuyến cho đội ngũ công chức, viên chức trực tiếp thực hiện việc cấp Phiếu LLTP, đồng thời phối hợp với Bưu điện tỉnh để đa dạng các hình thức tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả qua bưu chính… Nhờ thế, đã giải quyết sớm và đúng hạn 24.000 hồ sơ cấp Phiếu LLTP, chiếm tỷ lệ 99,47% hồ sơ thụ lý; số lượng giải quyết quá hạn chỉ có 129 hồ sơ, chiếm tỷ lệ 0,53%.
Quảng Bình tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ tuyên truyền PBGDPL. |
Với mục tiêu, lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số là khâu đột phá. Theo đó, Sở đã công khai, đơn giản hóa thủ tục các dịch vụ công trực tuyến thuộc lĩnh vực quản lý. Đồng thời hoàn thiện cơ sở dữ liệu (CSDL) chuyên ngành, góp phần hình thành CSDL dùng chung của tỉnh. Xây dựng Phần mềm tự động quản lý, vận hành, khai thác CSDL lý lịch tư pháp để cấp phiếu lý lịch tư pháp… số hóa dữ liệu hộ tịch điện tử trên địa bàn giai đoạn 2.
Hội nghị triển khai công tác Tư pháp 6 tháng cuối năm 2022. |
Việc triển khai công tác quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật được chú trọng, Sở lựa chọn lĩnh vực được dư luận quan tâm để tiến hành theo dõi, đánh giá. Đồng thời phối hợp với các đơn vị liên quan hoàn thành việc tích hợp trên cổng Dịch vụ công Quốc gia các TTHC thuộc lĩnh tư pháp, nhằm tích hợp, kết nối Cổng dịch vụ công với phần mềm Lý lịch tư pháp của Bộ Tư pháp. Hiện 100% cơ quan đăng ký hộ tịch ở cấp huyện và cấp xã ứng dụng phần mềm công nghệ thông tin trong đăng ký và quản lý hộ tịch theo quy định.
Sở Tư pháp Quảng Bình tổ chức tập huấn nghiệp vụ và bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho các chức danh bổ trợ tư pháp năm 2022. |
Hoàn thiện thể chế trong tổ chức thi hành pháp luật.
Công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, thẩm định dự thảo văn bản QPPL đã được thực hiện kịp thời, chuyên sâu, toàn diện. Quá trình thẩm định luôn chú trọng đến việc thể chế hóa những chủ trương, định hướng chính sách, các quy định nhằm phát hiện, ngăn chặn “từ sớm, từ xa” các quy định không đúng thẩm quyền, nhất là đối với các văn bản QPPL liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Sở Tư pháp Quảng Bình tổ chức các hoạt động tri ân đón Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022. |
Cùng với đó là đẩy mạnh truyền thông chính sách trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật thông qua nhiều hình thức phong phú, đa dạng như: Triển khai Đề án “Củng cố, kiện toàn và nâng cao năng lực đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở trên địa bàn tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2021-2025”, với điểm nhấn là phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức 10 lớp tập huấn, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức pháp luật chuyên sâu cho toàn bộ tổ trưởng Tổ hòa giải trên địa bàn; trong nội dung tập huấn đã lồng ghép tuyên truyền những khó khăn, bất cập của Luật Đất đai, Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn; Luật Phòng, chống bạo lực gia đình; Luật Công chứng… Trong đó chú trọng những vấn đề dư luận xã hội quan tâm hoặc cần định hướng dư luận xã hội, cũng như ý thức tôn trọng, tuân thủ pháp luật của người dân, doanh nghiệp.
Sôi nổi các hoạt động chào mừng kỷ niệm 77 năm ngày truyền thống ngành Tư pháp Việt Nam. |
Để tăng cường công tác quản lý hoạt động trong lĩnh vực luật sư, công chứng, giám định tư pháp, thừa phát lại, đấu giá tài sản,... Sở đã tham mưu Ban thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo bảo đảm minh bạch và an toàn pháp lý cho các giao dịch dân sự, nhằm tạo điều kiện cho các tổ chức bổ trợ tư pháp hoạt động ổn định và phát triển, góp phần tăng nguồn thu, nộp ngân sách nhà nước hơn 3 tỷ đồng.
Các tổ chức, đơn vị thuộc và trực thuộc Sở ký kết giao ước thi đua năm 2022. |
Với nhiều kết quả quan trọng cùng các giải pháp linh hoạt phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương, Sở tư pháp được Ban Chỉ đạo Cải cách Tư pháp tỉnh, UBND tỉnh tin tưởng và các ngành, địa phương ghi nhận, đồng thuận, đánh giá cao, từng bước khẳng định vị thế và nâng tầm vai trò tham mưu hoàn thiện hệ thống pháp luật của ngành tư pháp Quảng Bình trong tình hình mới.