Khác với những năm trước, vào tháng 3, thị trường hàng hóa thường ổn định về giá. Tuy nhiên năm nay, ảnh hưởng của việc tăng giá xăng, điện đã kéo theo việc tăng giá sớm và lan ra ở hầu hết các nhóm hàng từ sản xuất đến tiêu dùng.
Nhà bán lẻ Big C đang triển khai nhiều chương trình khuyến mãi có lợi cho khách hàng. |
Hai tháng trước Tết, các mặt hàng tiêu dùng đã có hai lần biến động về giá với chiều hướng tăng lên đáng kể. Nhiều người dân đã tỏ ra lo lắng khi vừa Tết xong, lại một đợt giá mới bắt đầu hình thành đối với cả thị trường hàng hóa và dịch vụ. Cụ thể, từ cuối tháng 2-2010 tới đầu tháng 3 này, hàng loạt các nhóm hàng đua nhau rượt đuổi về giá.
Có thể thấy, dường như nhiều mặt hàng đã không còn kiên nhẫn để chờ nhau. Cái tăng giá ngày hôm trước, hôm sau cái khác lại vượt mặt giá cũ, tạo nên một mặt bằng giá mới định hình. Bắt đầu từ ngày 1-3-2010, giá gas bán lẻ của các hãng gas tăng lên trung bình từ 4.000 - 8.000 đồng/bình 12kg. Lý do được các hãng đưa ra cho việc tăng giá lần này là do giá gas trên thế giới tuy có giảm, nhưng tỷ giá ngân hàng điều chỉnh tăng so với tháng trước thêm 600 đồng/USD khiến giá bán lẻ phải điều chỉnh tăng.
Cùng với giá điện được điều chỉnh tăng, ngay lập tức nhiều mặt hàng ảnh hưởng trực tiếp hoặc không trực tiếp cũng bắt đầu tăng giá. Tại các cửa hàng kim khí, giá thép bán lẻ đã được DN điều chỉnh tăng thêm 200.000 đồng/tấn, hiện dao động ở mức 12,1 triệu đồng đến 12,2 triệu đồng/tấn (chưa gồm VAT). Hiện phân bón cũng đang dự kiến tăng giá từ 3 - 5%.
Với đà tăng giá như hiện nay, người tiêu dùng phải khắc phục khó khăn bằng mua sắm tiết kiệm. |
Cũng trong ngày 1-3, tất cả các hãng sữa chính thức áp dụng giá mới tăng từ 5% - 10%, riêng nhãn hàng Vinamilk đã tăng giá ở mức tương đương vào những ngày trong Tết Nguyên đán. Riêng giá lương thực và một số mặt hàng thực phẩm khô, thực phẩm gia vị vẫn đang ở mức ổn định, nhưng với tình hình tăng giá đồng loạt của các mặt hàng nhạy cảm như xăng, điện, gas… chắc chắn sẽ có những tác động không lâu nữa tới mặt bằng giá cả hàng hóa chung.
Những ngày đầu tháng 3, nhiều tiểu thương không khỏi lo lắng cho việc buôn bán ngày một ế ẩm hơn. Một mặt tâm lý sắm sửa sau Tết hạn chế; mặt khác giá cả tăng một lúc như vậy, sẽ khiến nhiều người tiêu dùng càng siết chặt hầu bao hơn. Đặt nhiều câu hỏi với người mua và người bán, chúng tôi được nhận câu trả lời hầu hết là “thôi đành phải chấp nhận chứ biết làm sao?”. Chị Ba, tiểu thương ngành hàng nhôm - nhựa ở chợ Đống Đa cho rằng: “Tăng giá chung thì cả người mua và người bán đều chịu khổ vì phải chi tiêu nhiều hơn chứ đâu riêng khách hàng. Do vậy, người dân chỉ còn biết trông chờ vào sự quản lý giá tăng giảm có lợi cho đa số người dân của cơ quan chức năng mà thôi”.
Những diễn biến giá cả trên thị trường sẽ có sự dịch chuyển liên hoàn từ khâu sản xuất, lưu thông đến phân phối hàng hóa. Bởi vì sản phẩm hàng hóa không thể không tăng giá trong bối cảnh các ngành sản xuất chịu sức ép từ các yếu tố như: sự biến động tỷ giá USD, giá nguyên liệu thế giới, giá nhân công và nhiều nguyên nhân khách quan khác.
Mặc dù chưa có thông báo chính thức tăng, nhưng một số siêu thị lớn trên địa bàn như Big C, Intimex... cho biết: Đang tiếp tục thương thượng với nhà cung cấp để giảm bớt gánh nặng chi tiêu đối với người tiêu dùng và duy trì doanh thu tăng trưởng ổn định. Đặc biệt, nếu nhà cung cấp buộc tăng giá là bất khả kháng, siêu thị sẽ cố gắng đẩy mạnh nhiều chương trình khuyến mãi, hạn chế tăng giá đồng loạt cùng một lúc nhiều nhóm hàng, nhằm giữ chân người mua.
Bài và ảnh: DUYÊN ANH