Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, mặc dù Thông tư số 37 ngày 29 tháng 12 năm 2005 đã yêu cầu các doanh nghiệp, tổ chức tuân thủ đầy đủ các quy định đảm bảo an toàn và bảo hộ lao động cho người lao động nhưng thực tế cho thấy nhiều doanh nghiệp, đơn vị đang phớt lờ quy định này.
Cố tình bỏ qua quy định
Theo số liệu thống kê của Cục ATLĐ từ đầu năm tới nay, những lĩnh vực xảy ra nhiều tai nạn lao động nghiêm trọng vẫn là khai thác mỏ, xây dựng và sử dụng điện. Trong đó, Thợ khai thác mỏ và xây dựng chiếm tỷ lệ 20,3% trên tổng số người chết vì TNLĐ.
Ảnh minh họa |
Lao động giản đơn (tập trung trong khai thác mỏ, xây dựng, công nghiệp...) chiếm tỷ lệ 14,7% trên tổng số người chết vì TNLĐ. Thợ cơ khí, và các thợ có liên quan chiếm tỷ lệ 8,27% trên tổng số người chết vì TNLĐ. Và thợ lắp ráp, vận hành máy chiếm tỷ lệ 8,27% trên tổng số người chết vì TNLĐ.
Thực tế cho thấy trong nhiều nguyên nhân gây TNLĐ thì có một nguyên nhân cơ bản lặp đi lặp lại là việc không tuân thủ các quy trình bảo hộ lao động và không trang bị đồ bảo hộ cho người lao động. Khảo sát của cơ quan chức năng cho thấy nhiều doanh nghiệp không trang bị các thiết bị cần thiết bảo hộ cho người lao động và không có bộ máy giám sát người lao động thực hiện nghiêm ngặt các yêu cầu về bảo hộ lao động. Không chấp hành đầy đủ các quy định pháp luật về ATVSLĐ.
Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội cho biết mặc dù Thông tư số 37 ngày 29 tháng 12 năm 2005 đã yêu cầu các doanh nghiệp, tổ chức tuân thủ đầy đủ các quy định đảm bảo an toàn và bảo hộ lao động cho người lao động nhưng thực tế cho thấy nhiều doanh nghiệp, đơn vị đang phớt lờ quy định này. Nhiều quy định đặt ra nhưng do thiếu chế tài xử phạt hoặc chế tài chưa đủ mạnh nên dẫn đến tình trạng người sử dụng lao động và người lao động cố ý không chấp hành.
Trong khi đó, các văn bản quy phạm pháp luật về lĩnh vực Bảo hộ lao động hiện nay là khá đầy đủ. Tuy nhiên, nhiều quy định đặt ra nhưng không có chế tài ràng buộc, xử lý hoặc chế tài chưa đủ mạnh dẫn đến tình trạng người sử dụng lao động, người lao động cố ý không chấp hành. Lực lượng cán bộ thanh tra Nhà nước về lao động hiện nay còn thiếu.
Trong những năm gần đây, lực lượng thanh tra được bổ sung không đáng kể, không tuơng xứng với tốc độ phát triển của các doanh nghiệp cả về số lượng lẫn quy mô sản xuất, kinh doanh, do vậy không thể thanh tra việc chấp hành pháp luật về An toàn - Vệ sinh lao động ở nhiều cơ sở nên chưa kịp thời phát hiện và ngăn chặn các vụ TNLĐ nghiêm trọng đã xảy ra
Giải pháp khắc phục: quá chung chung
Nhằm khắc phục tình trạng các DN cố tình bỏ qua các quy định về bảo họ lao động, thời gian qua, cơ quan chức năng đã đề ra nhiều giải pháp. Chủ yếu “kêu gọi” sự tự ý thức của DN cùng với việc tăng cường việc thanh kiểm tra.
Một báo cáo gần đây của Cục ATLĐ khuyến cao người sử dụng lao động trong các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh phải thường xuyên tổ chức kiểm tra máy, thiết bị và cải thiện điều kiện làm việc để đảm bảo cho người lao động được làm việc trong môi trường an toàn; xây dựng đầy đủ các quy trình, biện pháp làm việc an toàn, vệ sinh lao động theo hướng dẫn tại các Tiêu chuẩn, Quy chuẩn kỹ thuật an toàn lao động và hướng dẫn cho người lao động trước khi làm việc; tổ chức huấn luyện về an toàn lao động, vệ sinh lao động cho người lao động; tổ chức tốt việc điều tra các vụ TNLĐ, kịp thời rút kinh nghiệm và thực hiện việc thống kê, báo cáo TNLĐ theo đúng quy định; tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục cho người lao động tự giác chấp hành các quy định về an toàn, vệ sinh lao động.
Đặc biệt chú ý đối với những người lao động làm các công việc nặng nhọc, nguy hiểm, độc hại hoặc tiếp xúc với các loại máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động, vệ sinh lao động.
Tuy nhiên, thực tế thì một số lĩnh vực sản xuất, kinh doanh trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ, hợp tác xã, các hộ kinh doanh cá thể, các làng nghề chưa được các cơ quan quản lý Nhà nước hướng dẫn đầy đủ các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật an toàn lao động; chưa được thanh tra, kiểm tra thường xuyên, kịp thời nên việc vi phạm các quy định về An toàn - Vệ sinh lao động và nguy cơ TNLĐ và bệnh nghề nghiệp là rất lớn.
Điều này đòi hỏi khi tiếp tục triển khai thực hiện các mục tiêu của Chương trình Quốc gia về Bảo hộ lao động, An toàn lao động, Vệ sinh lao động đến năm 2010, cũng như việc Xây dựng, trình Chính phủ phê duyệt Chương trình Quốc gia về Bảo hộ lao động, An toàn lao động, Vệ sinh lao động giai đoạn 2011 – 2015 Bộ LĐTBXH cần thực tế hơn và đưa ra các giải pháp cụ thể hơn nữa.
Song song với đó cần đổi mới căn bản công tác tuyên truyền pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động nhằm nâng cao nhận thức và ý thức cảnh giác và phòng ngừa tai nạn lao động của người sử dụng lao động và người lao động./.
Thanh Lương