30. 000 đồng/ xe máy, cò chặn ngay lối đi
Không ngoài dự đoán của PV PLVN, giá gửi xe máy vào đền Bà Chúa Kho là 20.000 đồng/xe. Từ đường vào đền khoảng 1km, đã xuất hiện một nhóm cò bán vé gửi xe ô tô với mức 50.000 đồng/chiếc ra chặn đầu xe mời mọc khách hàng.
Đi sâu vào đền lại xuất hiện hàng loạt điểm giữ xe máy chèo kéo khách với giá 20.000 - 30.000 đồng/xe. Nhưng vì lượng khách đổ về quá lớn, không thể dịch chuyển sâu vào phía bên trong nên nhiều người đã buộc phải gửi xe tại những địa điểm này để vào đền.
"Hai vợ chồng tôi có mặt từ 7h sáng nhưng do đông quá nên không thể dịch chuyển để vào bãi đỗ xe của đền nên chúng tôi phải gửi ngoài, với giá 20.000 đồng/ xe. Đấy là còn vào gần phía trong, còn phía ngoài lúc đầu bị hét giá 30.000 đồng nhưng chúng tôi không gửi" - Bác Trần Trọng Linh (Đội Cấn, Ba Đình, Hà Nội) bức xúc.
Hàng nghìn người dân đành chấp nhận gửi xe giá cao... |
Tại khu vực bãi giữ xe của đền cũng đông nghịt xe, không đáp ứng được nhu cầu của hành khách. Bên cạnh đó những người trông xe tại khu vực đền cũng tăng giá vé so với giá ghi trên vé. Trên vé có dấu của đền Bà Chúa Kho và ghi rõ giá vé xe máy là 2.000 đồng/xe, nhưng những người trông xe đòi 5.000 đồng.
Nhiều dịch vụ ăn tiền lộng hành trong đền
Hai bên lối vào đền là dãy hàng quán bán đồ lễ và ăn uống, những người chủ của các cửa hàng ở nơi đây không ngừng chèo kéo khách hàng. Nhiều người dân không mang lễ ở nhà đi nên đã đành phải mua cành vàng, hương, bánh kẹo để làm đồ lễ với giá cắt cổ. Một cành vàng ở đây được bán với giá 100.000 - 200.000 đồng.
Bác Bùi Thị Hoa (Đống Đa, Hà Nội) chỉ cành vàng trên tay nói: "Sáng nay đi sớm nên tôi chưa mua được cành vàng, hôm qua tôi chỉ chuẩn bị được xôi và gà luộc để làm đồ lễ vì thế mà lên đây phải mua một cành vàng với giá 150.000 đồng. Nhiều loại giá lắm,100.000 cũng có, mà 200.000 cũng có. Giá như thế là quá cao, ngày thường tôi đi chùa ở nhà thì cũng chỉ mua với giá 30.000 - 50.000 là đắt rồi".
Hai bên đường vào đền đồ lễ tràn lan, mời mọc và "hét" giá với khách hàng. |
Mặc dù Ban tổ chức đã có các biển thông báo du khách không nên nhờ khấn thuê, nhưng trước điện chính và cả trong các điện thờ ở đền xuất hiện hàng chục người phụ nữ mời mọc khấn thuê. Chiêu trò của những người này là khi thấy du khách bước vào là họ hồ hởi bảo khách bỏ tiền vào hòm công đức sẽ khấn hộ cho, sau khi khấn xong thì họ bắt đầu vòi tiền khách.
Một lần khấn thuê có giá từ 20.000 đồng đến 50.000 đồng, nhưng nhiều người không biết có thể bị "cò" khấn thuê đòi cả trăm nghìn đồng.
Một người phụ nữ đang mời mọc khấn thuê, giơ tay che mặt khi thấy máy ảnh của PV. |
"Tôi bắt đầu vào đền, chưa định hình được thì một người phụ nữ tới bảo "em ơi, bỏ tiền vào hòm công đức đi, rồi lại đây đứng khấn". Tôi cứ tưởng là một hành khách đi cùng hướng dẫn mình, nhưng sau khi đứng khấn xong, chị ấy đọc lẩm bẩm gì đấy bên cạnh mình, rồi đòi tôi trả 50.000 đồng. Lúc đấy tôi mới biết chị ấy là người khấn thuê" - chị Trần Thu Hà (Thanh Xuân, Hà Nội) giải bày.
Dịch vụ đổi tiền lẻ ngồi ngay trong đền. |
Bên cạnh đó còn xuất hiện cả dịch vụ sắp đồ lễ thuê, đổi tiền lẻ cũng xuất hiện ngay trong đền. Dịch vụ sắp đồ lễ một lần với phí 10.000 đồng. Mặc lệnh cấm, dịch vụ đổi tiền lẻ được dịp "lộng hành" với tỷ lệ đổi 2 "ăn" 1.
Bác Vũ Thị Ngọc (Bắc Giang) cho biết: "Từ trước tới giờ tôi vẫn đổi tiền lẽ để bỏ vào hôm công đức, hoặc làm đồ lễ để dâng. Tuy nhiên năm nay không nhờ đổi tiền được ở nhà nên khi đến đây tôi đổi 100.000 đồng thì được 50.000 đồng tờ 1.000 và 2.000 đồng".
Những người ăn xin ngồi dọc lối đi vào đền |
Người ăn xin xuất hiện nhiều tại lối vào đền, đủ mọi tư thế ngồi lăn lê, bò trườn để xin tiền hành khách đi qua. Việc người ăn xin ngồi nhiều trước đền, liên tục xin tiền hành khách bằng lời lẽ khổ sở làm mất mỹ quan của khu di tích lịch sử.
Trước đó, trao đổi với PLVN, ông Nguyễn Văn Huynh, Trưởng Ban an ninh di tích lịch sử bà Chúa Kho, cho biết: “ Để tránh tình trạng lộn xộn tại khu vực đển, chúng tôi đã bắt những chủ hàng quán ở khu vực đền ký vào giấy cam kết không được "chặt chém", chèo kéo khách đến dâng lễ. Bên cạnh đó, chúng tôi ghi những dòng chữ cảnh báo người dân từ ngoài bãi gửi xe đến bên trong đền và thường xuyên dùng loa tuyên truyền, cảnh báo, nhắc nhở người dân không thuê các dịch vụ viết sớ, sắm lễ, khấn thuê".