Làm việc online
Có thể thấy, trong bối cảnh hiện nay thì các công ty đã phải thay đổi nhanh chóng phương thức làm việc. Nếu trước đó còn do dự sử dụng các ứng dụng truyền hình trực tuyến thì giờ đây nhiều công ty phải đua nhau nắm bắt công nghệ này
Anh Trung Nghĩa làm việc cho một công ty của Nhật chuyên về lĩnh vực máy văn phòng có trụ sở tại Hà Nội. Vừa qua, công ty đã cho phép nhân viên một số bộ phận (như Admin, Sales, Finance, ITS, MKT) được đăng ký làm việc tại nhà (work from home). Các công việc có thể làm trực tuyến qua phần mềm O365, họp nhóm qua Team hoặc ứng dụng độc quyền của chính công ty.
Anh Nghĩa đánh giá, quy định trên nói chung khá linh hoạt cho các bộ phận không liên quan tới support onsite (làm việc cho khách hàng tại trụ sở của khách). Nghĩa là những bộ phận phải hỗ trợ khách hàng như dịch vụ chăm sóc khách hàng thì cần phải đi làm.
Anh Việt Hoàng làm việc trong một công ty chuyên về sản xuất và xuất nhập khẩu bao bì thì cho biết, mỗi bộ phận bên công ty anh sẽ làm việc nhóm qua Zalo, Facebook. Các mạng xã hội này hiện vẫn đang phát huy hiệu quả, nhưng nếu tình hình dịch bệnh còn kéo dài, phức tạp hơn nữa thì công ty anh sẽ tính tiếp các giải pháp khác.
Họp trực tuyến để hạn chế họp đông người sẽ phát huy hiệu quả trong tình hình dịch bệnh Covid-19 phức tạp. (Ảnh minh họa) |
Trường hợp của công ty anh Hoàng thực ra cũng đã có cách giải quyết khi mới đây Tập đoàn VNPT ra mắt dịch vụ Hội nghị truyền hình trực tuyến (VNPT Meeting), miễn phí trải nghiệm đến hết ngày 31/3/2020 cho khách hàng đăng ký sử dụng dịch vụ với tối đa lên tới 20 điểm cầu.
Với việc sử dụng công nghệ tối ưu băng thông kết nối, VNPT Meeting có thể triển khai ở cả vùng sâu, vùng xa, những nơi có hệ thống mạng Internet hạn chế. Người dùng VNPT Meeting hoàn toàn có thể kết nối bằng các thiết bị di động cá nhân như smartphone, PC, laptop, tablet.
Không chỉ các công ty, doanh nghiệp chuyển hướng hoạt động trực tuyến mà nhiều cơ quan nhà nước cũng “bắt tay” ngay vào xu thế này. Chị Thanh Hải phấn khởi cho hay, cơ quan chị là Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước đã họp trực tuyến từ trước khi có dịch. Vì có một số đơn vị ở xa, nếu cứ ra họp thường xuyên thì quá tốn kém chi phí, thời gian nên cơ quan triển khai trực tuyến sớm và đem lại hiệu quả cao.
Ngoài họp trực tuyến thì hơn một năm qua, Cục đã làm việc theo văn bản điện tử, không trình văn bản giấy và vừa rồi, còn triển khai họp hành không giấy tờ.
Học qua truyền hình
Từ đầu tuần này – ngày 9/3, Hà Nội tổ chức dạy học qua truyền hình (trên kênh 1 của Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội) cho các em học sinh lớp 9 và lớp 12 ôn tập. Chương trình này còn nhiều vấn đề cần phải hoàn thiện nhưng bước đầu nhận được sự hưởng ứng của học sinh, giúp các em duy trì thói quen học tập, không “đánh rơi” kiến thức trong suốt thời gian dài nghỉ học.
Một buổi dạy Toán lớp 9 trên kênh 1 của Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội. |
Có trường học trên địa bàn TP Hà Nội nhận được công văn tặng khóa học trực tuyến trong lúc nghỉ phòng, chống dịch Covid-19 của một công ty chuyên về giáo dục. Công ty này cho rằng các bài giảng trong khóa học đều bám sát chương trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo xuyên suốt từ đầu học kỳ I đến hết học kỳ II, hệ thống toàn bộ kiến thức cho học sinh.
Tuy nhiên, khóa học trực tuyến này cần phải làm đồng bộ trên toàn thành phố mới hữu ích, chứ nếu triển khai một vài trường, một vài quận sẽ không đưa lại kết quả mong muốn.
Các Trung tâm dạy ngoại ngữ, ôn luyện thi cũng nhanh chóng chuyển mình, tổ chức học trực tuyến trên nhóm FB hay qua ứng dụng Zoom. Có điều, theo ghi nhận của một số phụ huynh thì đây vẫn chỉ là giải pháp tình thế vì việc tương tác giữa thầy – trò trên môi trường mạng không thể bằng việc giảng dạy, học tập trực tiếp.
Anh Sang Nguyễn thì vui vẻ nói: “Kể cả chưa có dạy học trên truyền hình hay làm việc trực tuyến thì ngay từ những ngày đầu có dịch, hai vợ chồng anh đã áp dụng trực tuyến để trông con học, bảo con nấu cơm, dọn dẹp nhà cửa, kiểm tra con xem tivi, ipad, chứ không lơi lỏng phút nào rồi”.