Tại đây, tôi mới phần nào hiểu được khó khăn hòa nhập mà các cô gái Việt Nam phải trải qua khi làm dâu tại Hàn Quốc. Một trong những rào cản lớn nhất đến từ sự khác biệt trong văn hóa gia đình.
Có vô số lý do để các cô gái Việt lấy chồng Hàn Quốc. Tưởng rằng, xứ sở kim chi sẽ giống như tưởng tượng và hình dung trên phim ảnh nhưng thực tế dù là cô dâu Việt ở thành phố phồn hoa hay ở vùng quê xa xôi hẻo lánh, khi đặt chân tới Hàn Quốc, họ đều phải trải qua muôn điều gian nan, như phải học ngôn ngữ, văn hóa, ẩm thực, tín ngưỡng, phong tục tập quán… Nói cách khác, bởi tất cả mọi thứ đều lạ lẫm, các cô gái phải bắt đầu từ những điều cơ bản nhất như học ăn, học nói, học ứng xử…
Được hướng dẫn viên đưa thăm quan một vòng đời của người Hàn Quốc từ khi sinh ra cho đến lúc chết đi tại Bảo tàng, người viết mới thấy được, người Hàn Quốc có nhiều quan niệm tín ngưỡng và cách sống khác hẳn so với người Việt Nam.
Đơn cử, người Hàn Quốc thường làm lễ mừng thọ cho cha mẹ rất linh đình. Khác với người Việt, đám tang của người đã khuất được tổ chức tương đối đơn giản, phần lớn xác chết đều được hỏa táng. Người con trai trưởng, theo tục lệ từ xa xưa, phải để tang cha mẹ khoảng hai năm, tức là ngoài công việc, họ sẽ phải về nhà, túc trực bên linh cữu cha mẹ đến hết hai năm.
Đây là cách người con trưởng, thay mặt toàn bộ gia đình, bày tỏ sự hiếu kính, biết ơn đối với công lao sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ.
Anh Khoa, hướng dẫn viên của đoàn cho biết: “Hầu hết đàn ông Hàn Quốc đều bị ảnh hưởng bởi quan niệm Nho giáo, ấy là người chồng chủ lực đi kiếm tiền nuôi sống gia đình, người vợ chăm sóc con cái, nội trợ. Nhưng chính vì thế, các cô dâu Việt bị phụ thuộc về mọi mặt, không hề có tiếng nói trong gia đình”.
Sang làm dâu xứ Hàn, có những cô dâu Việt bị bạo hành mà không biết than vãn cùng ai, phần là do mặc cảm, là phái yếu, ở phía thiệt thòi, nên phải cố nhịn nhục sống vì con cái. Nhưng cũng có những người không chịu được áp lực và phải tìm đến cái chết để giải thoát. Sau vụ bạo hành của một người chồng Hàn với vợ Việt, dư luận mới chú ý nhiều hơn về cuộc sống của những cô gái Việt làm dâu xứ sở kim chi, dù cho những vấn đề này đã tồn tại từ rất lâu.
Theo thống kê của hãng thông tấn BBC, số lượng cô dâu Việt Nam ở Hàn chiếm tới 27% số lượng cô dâu ở Hàn Quốc. Được hướng dẫn viên cho biết thêm, cộng đồng các cô dâu Việt tại Seoul lên tới 50 - 60 ngàn người.
Một nguyên nhân lớn là bởi, đầu những năm 1990, Chính phủ Hàn Quốc bắt đầu khuyến khích hôn nhân quốc tế với chương trình tìm vợ cho những người đàn ông độc thân ở nông thôn. Đến nay, các dịch vụ môi giới hôn nhân quốc tế đã phát triển mạnh mẽ và không bất ngờ khi phần lớn các cô dâu Việt Nam cưới chồng Hàn Quốc đều thông qua môi giới.
Các nhà phê bình cho rằng, các nhà môi giới hôn nhân thường chỉ quan tâm tới kết quả cuối cùng là có đám cưới hay không; vì thế, họ thường cắt xén và đôi khi làm sai lệch thông tin về lịch sử hôn nhân, tình trạng nghề nghiệp và tình trạng sức khỏe của các “cô dâu” nước ngoài cho phù hợp với yêu cầu của đàn ông độc thân Hàn Quốc – người đã bỏ ra một khoản tiền lớn cho công ty môi giới tìm kiếm đối tượng kết hôn.
Theo một cuộc khảo sát thực tế về môi giới hôn nhân quốc tế do Bộ Bình đẳng giới và Gia đình Hàn Quốc thực hiện năm 2017 (trên khoảng 1.010 người dùng Hàn Quốc và 514 người di cư thông qua kết hôn), khoảng thời gian trung bình từ cuộc gặp đầu tiên của các “đối tượng tiềm năng” cho tới hôn nhân thực tế chỉ là 4,4 ngày.
Trong đó, 29,2% tổ chức hôn nhân ngay sau khi gặp nhau từ một đến hai ngày. Một số người chồng Hàn Quốc thực hiện hành vi lạm dụng thể xác và tinh thần vợ, theo các nhà phê bình, bởi vì thất vọng người phụ nữ họ đã dùng số tiền lớn để “mua lại” không đáp ứng được kỳ vọng của mình.