Cảng Chân Mây được Hiệp hội Du thuyền châu Á lựa chọn là một trong 46 cảng biển đẹp để xây dựng điểm dừng chân cho các du thuyền ở khu vực Đông Nam Á. Tỉnh Thừa Thiên Huế đang đầu tư dịch vụ đồng bộ để địa điểm này trở thành điểm đến hấp dẫn, thu hút lượng khách du lịch tàu biển đầy tiềm năng, góp phần tăng nguồn thu cho ngành du lịch địa phương.
Mới đây, vào sáng 16/2 (tức mùng 7 Tết Giáp Thìn), chuyến tàu du lịch Celebrity Solstice chở theo 2.816 khách du lịch đến từ nhiều quốc gia cùng 1.188 thuyền viên cập cảng Chân Mây. Trong đó, có hơn 1.100 khách mua tour du lịch qua Cty TNHH MTV dịch vụ lữ hành Saigontourist, rời cảng và tham quan các địa điểm du lịch và thưởng thức ẩm thực ở Thừa Thiên Huế và Đà Nẵng, Quảng Nam trong 1 ngày.
Trời nắng đẹp, cùng với sự đón tiếp chu đáo của Sở Du lịch, Cty CP Cảng Chân Mây và đơn vị lữ hành khiến lĩnh vực du lịch tàu biển thêm sôi động. Ông Simon, du khách Anh chia sẻ: “Tôi thấy ấn tượng với tình cảm và sự mến khách của người dân Huế. Qua tìm hiểu, tôi biết Huế là điểm du lịch không thể bỏ qua trong hành trình đi du lịch với nhiều trải nghiệm văn hóa, các di sản, ẩm thực. Mặc dù thời gian tàu cập cảng ngắn ngủi, nhưng tôi sẽ cố gắng tham quan, tìm hiểu và tận hưởng khoảng thời gian ở Huế”.
Đại diện Cty CP Cảng Chân Mây cho biết, sau thời gian dịch bệnh, hiện các hãng tàu du lịch biển quốc tế đã bắt đầu phục hồi mạnh mẽ trở lại với việc nhiều Cty du lịch đăng ký đưa khách cập cảng Chân Mây. Đây là chuyến tàu thứ 9 chở khách du lịch quốc tế đến Huế kể từ đầu năm 2024. Trong năm 2023, cảng Chân Mây đã có 25 chuyến tàu du lịch cập cảng đưa khoảng hơn 50.000 khách du lịch quốc tế và thành viên thủy thủ tàu đến với tỉnh. Tính đến thời điểm hiện tại, số lượng các đại lý đăng ký tàu du lịch sẽ cập cảng Chân Mây vào năm 2024 đã có khoảng 40 lượt tàu, mỗi chuyến có hàng ngàn hành khách và thuyền viên.
Ông Nguyễn Văn Phúc, Giám đốc Sở Du lịch cho biết, năm 2023, địa phương đã đón 3,2 triệu lượt khách (tăng 56% so với 2022), trong đó lượng khách quốc tế tăng mạnh với 1,2 triệu lượt (tăng 361% so với 2022, khách quốc tế chiếm tỷ lệ 36,8%, cao hơn dự kiến ban đầu khoảng 25 - 30%). Doanh thu từ du lịch ước đạt 6.606 tỷ đồng, đạt mục tiêu năm 2023 đề ra. Top 10 thị trường khách đến Huế trong năm 2023 là Đài Loan (Trung Quốc), Thái Lan, Mỹ, Malaysia, Pháp, Anh, Úc, Đức, Tây Ban Nha, Hàn Quốc. Năm 2024, ngành du lịch tỉnh phấn đấu đón khoảng 3,5 - 4 triệu lượt khách, trong đó khách nội địa chiếm khoảng 60 - 70%, tổng thu từ du lịch khoảng 7.000 - 8.000 tỷ đồng.
Trong năm 2024, dự kiến số lượng tàu biển du lịch cập cảng Chân Mây sẽ tăng gấp đôi hoặc hơn so với 2023. Cùng với đó là lượng du khách quốc tế đến Huế sẽ tăng mạnh. Tỉnh sẽ khai thác thêm các tour, tuyến nhằm đáp ứng yêu cầu cao của dòng khách này, qua đó nâng tỷ lệ thời gian lưu trú, khả năng chi tiêu của du khách.
Ngành du lịch Huế cũng đang chủ động kết nối, làm việc với các hãng tàu, các Cty lữ hành để Huế là sự lựa chọn trong kế hoạch xây dựng điểm đến trên cung đường du lịch tàu biển quốc tế; quan tâm khâu thủ tục cấp phép thông quan phải nhanh gọn, tránh tình trạng chồng chéo gây phiền hà cho khách. “Sắp tới, ngay trong tháng 2/2024, lãnh đạo tỉnh và ngành du lịch tỉnh cùng các đơn vị liên quan sẽ có chương trình làm việc với một hãng tàu biển lớn của quốc tế để trao đổi về các cơ hội hợp tác, bàn về đầu tư hạ tầng, phát triển du lịch tàu biển và các cơ chế, thủ tục để phát triển du lịch tàu biển, thu hút khách đến Huế”, ông Phúc cho hay.
Ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cho biết, năm 2024, tỉnh thể hiện tinh thần quyết tâm cao nhất của cả hệ thống chính trị các cấp để tập trung nguồn lực xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương và ngành du lịch cần tiếp tục phát triển vượt bậc hơn nữa.