Thời gian qua, UBND tỉnh Kiên Giang đã kịp thời ban hành các văn bản chỉ đạo, điều hành nhằm đẩy mạnh CĐS, nâng cao hiệu quả quản lý của các cơ quan nhà nước và chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Ngoài một số chương trình, kế hoạch Chuyển đổi số trên địa bàn, tỉnh Kiên Giang còn tập trung vào việc: Tập huấn, hướng dẫn sử dụng các hệ thống thông tin dùng chung; tuyên truyền; tăng cường công tác chỉ đạo, điều hành việc triển khai các nhiệm vụ về CĐS.
Bám sát vào mục tiêu của Ủy ban Quốc gia về CĐS, Thủ tướng Chính phủ đã giao cho các bộ, ngành, địa phương 33 nhiệm vụ. Đến nay, tỉnh Kiên Giang cơ bản đã hoàn thành 17 nhiệm vụ, còn 16 nhiệm vụ đang triển khai. Về Chính quyền số, hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh Kiên Giang cung cấp là 1.904 thủ tục hành chính và đã được công khai đầy đủ các nội dung theo quy định và kết nối liên thông, tích hợp với Cổng dịch vụ công Quốc gia đạt tỷ lệ 100%, trong đó, có 898 dịch vụ công trực tuyến toàn trình. Đã hoàn thành tích hợp 25 thủ tục hành chính thiết yếu ưu tiên tích hợp, chia sẻ dữ liệu cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư theo Đề án 06 trên Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh.
Về Kinh tế số, tỉnh hoàn thành đưa vào vận hành Cổng thông tin hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh Kiên Giang tại địa chỉ: https://hotrodoanhnghiep.kiengiang.gov.vn. Đưa sản phẩm nông nghiệp của tỉnh lên sàn giao dịch thương mại điện tử POSTMART để giới thiệu và giao dịch trên sàn thương mại điện tử, đến nay đã có 999 sản phẩm được đưa lên sàn, trong đó có 34 sản phẩm OCOP, với tổng số 14.281 giao dịch, tổng giá trị giao dịch là 2,35 tỷ đồng.
Kiên Giang đã thực hiện nhiều hoạt động nhằm đẩy mạnh chuyển đổi số trên địa bàn |
Về Xã hội số, ngành giáo dục – đào tạo đã triển khai nền tảng số Sổ Liên lạc điện tử của các đơn vị VNEdu của VNPT và edu.one của Viettel đã cung cấp cho 125 trường học trên địa bàn tỉnh Kiên Giang với tổng số tài khoản sử dụng là 132.639 tài khoản, 100% trường học ứng dụng các nền tảng dạy, học trực tuyến… Người dân sử dụng và có tài khoản zalo là 1,5 triệu tài khoản; Số người từ 15 tuổi trở lên có tài khoản giao dịch đang còn hoạt động tại ngân hàng đạt 66%. Tỷ lệ hộ gia đình có kết nối Internet băng rộng (có dây và không dây) là 75,5%; Tỷ lệ dân số trưởng thành sử dụng smartphone đạt 85%. Ứng dụng xem truyền hình trực tuyến của người dân trên địa bàn tỉnh với tổng số thuê bao là 150.629 thuê bao…
Để có thể đạt được những kết quả khả thi hơn, UBND tỉnh Kiên Giang cũng đề ra một số nhiệm vụ trọng tâm triển khai trong Quý IV. Theo đó, địa phương sẽ ban hành các văn bản chỉ đạo, điều hành tạo hành lang pháp lý triển khai thực hiện như: Nghị quyết về chính sách, khuyến khích người dân, doanh nghiệp nộp hồ sơ trực tuyến; chế độ, chính sách cho cán bộ, công chức chuyên trách về CNTT trong các cơ quan nhà nước; Quyết định ban hành danh mục cơ sở dữ liệu dùng chung tỉnh Kiên Giang…;
Triển khai tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày CĐS quốc gia và Ngày CĐS tỉnh Kiên Giang năm 2023. Xây dựng các cơ sở dữ liệu dùng chung và chuẩn hóa, công khai, cung cấp thông tin, dữ liệu mở trên Cổng dữ liệu số của các cơ quan nhà nước tỉnh Kiên Giang. Đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền cho người dân và doanh nghiệp thực hiện dịch vụ công trực tuyến, thanh toán trực tuyến. Tiếp tục tổ chức các đợt tập huấn, hướng dẫn cho cán bộ, công chức, viên chức thực hiện tiếp nhận, số hóa hồ sơ và trả kết quả điện tử trên Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh. Tăng cường ứng dụng, tích hợp chữ ký số chuyên dùng trên hệ thống Văn phòng điện tử và Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính trong gửi nhận văn bản điện tử và tiếp nhận. Từng bước đầu tư thiết bị chuyên dùng phục vụ công tác số hóa hồ sơ, kết quả thủ tục hành chính tại các địa phương trên địa bàn tỉnh Kiên Giang.