Theo đánh giá của một số người dự khán, cơ quan công tố càng cố buộc tội, lập luận tỏ ra càng “teo tóp”, bất hợp lý. Nhiều lần cơ quan công tố không trả lời được những vấn đề luật sư, chủ tọa phiên tòa đưa ra.
Lập luận lạ lùng không có hàng giả vẫn… “gây thiệt hại”
Trước đây, trong cáo trạng lần 1 vào ngày 28/12/2018 (bị toà tuyên trả hồ sơ bổ sung - NV), cáo buộc hai bị cáo vì động cơ cá nhân thực hiện hành vi trái luật là đưa phân bón đi giám định lần 3, từ đó giải phóng phân bón giả gây thiệt hại vật chất 1,8 tỷ đồng và thiệt hại phi vật chất. Từ đó cơ quan công tố lập luận “đủ các yếu tố buộc tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn khi thi hành công vụ”. Hành vi trái công vụ làm “phân giả” lưu thông trên thị trường, tức trái Thông tư 26 của Bộ Khoa học và Công nghệ. Có động cơ cá nhân khác là củng cố uy tín cá nhân. Có thiệt hại về vật chất và phi vật chất”.
Cáo trạng lần 2 này, VKS thay thiệt hại vật chất 1,8 tỷ đồng bằng việc đưa vào lập luận buộc tội là “thất thu ngân sách 120 triệu đồng”.
Trong quá trình tranh luận tại toà, các luật sư bóc tách và cho rằng cho đến nay, chưa có một kết luận của cơ quan đúng chuyên môn về việc phân bón các bị cáo giải phóng là giả hay thật. “Bởi lẽ, hai lần kiểm nghiệm đầu tiên mâu thuẫn với lần kiểm nghiệm thứ 3. Lần kiểm nghiệm lần 3 có thể chưa đúng về hình thức nhưng nó thể hiện là phân bón thật”, LS Nguyễn Văn Đức (Đoàn LS TP Cần Thơ) nói.
Các LS còn đưa ra bằng chứng những giám định viên không có chuyên môn, không khách quan; Sở Công Thương tỉnh Sóc Trăng có dấu hiệu “vừa đá bóng, vừa thổi còi”.
Tranh luận lại, kiểm sát viên (KSV) Trầm Minh Khang cho rằng trong vụ án này, VKS không đề cập đến phân bón là giả hay thật vì không truy tố các bị cáo về tội “Buôn bán, sản xuất phân bón giả”. “Hành vi của các bị cáo đưa phân bón đi giám định lần thứ 3 là trái Thông tư 26 của Bộ KH&CN nên trái công vụ”, KSV Khang đối đáp.
Đối với các thiệt hại vật chất, phi vật chất, VKS cho rằng “dùng để làm rõ, chứng minh hành vi trái công vụ của các bị cáo dẫn đến bức xúc cho nhân dân, thiệt hại cho người sử dụng và làm ảnh hưởng đến uy tín của Cục QLTT”.
Phản bác lập luận của VKS, LS Đức nói: “Lập luận đó là rất đáng lạ và ngạc nhiên. Từ thời điểm khởi tố đến nay, Cơ quan ANĐT luôn khẳng định là phân bón giả, gây thiệt hại. Nói như VKS là không đề cập đến phân bón là thật hay giả thì làm sao có căn cứ dẫn đến thiệt hại vật chất, phi vật chất? Ai cũng phải hiểu rõ nếu phân bón được sản xuất hợp quy, có nhà sản xuất rõ ràng, được phép lưu thông ở ngoài thị trường. Nếu phân bón đó không bị kết luận bởi cơ quan có chức năng, đủ thẩm quyền là giả, thì mặc nhiên phân bón đó là thật. Là thật thì không hề gây ra thiệt hại. Không có thiệt hại thì không thể buộc tội hai bị cáo được”.
Các LS cũng đưa ra các báo cáo của các cơ quan chức năng tỉnh Sóc Trăng. Vào thời điểm 2016, thiệt hại lúa là do nhiễm mặn. Độ mặn ở TX Ngã Năm được kết luận cao kỷ lục. Chưa có kết luận nào nói thiệt hại lúa là do phân bón mà các bị cáo giải niêm phong gây ra.
KSV Trầm Minh Khang tranh luận lại rằng thiệt hại lúa do nhiễm mặn là thật, và có thêm phân bón giả làm thiệt hại hơn nữa. “Bón phải phân bón giả, người ta thấy lúa phát triển không bình thường thì cứu lúa bằng cách bón thêm phân. Chi phí đó là thiệt hại chứ gì nữa”, KSV nói. Các LS đề nghị VKS đưa ra bằng chứng về vấn đề vừa tranh luận để chứng mình rằng thiệt hại do phân bón giả gây ra, tuy nhiên yêu cầu này không được hồi đáp.
Báo cáo của Cơ quan ANĐT nói rằng không có thẩm quyền điều tra và bút phê của Giám đốc Công an tỉnh |
Chỉ viện dẫn được số văn bản, không nêu ra được nội dung
Cũng trong phần tranh luận, LS Đức viện dẫn hàng loạt quy định về việc Cơ quan ANĐT không có thẩm quyền thụ lý, điều tra.
Đối đáp lại, đại diện VKS đọc các công văn, số công văn để cho rằng “Cơ quan ANĐT đủ thẩm quyền, được phân công”. Tới đây chủ tọa phiên tòa lên tiếng, cho biết những công văn mà VKS vừa nêu ra không có trong hồ sơ vụ án, nên đề nghị KSV cung cấp cho toà và cho LS để đối đáp lại. Một lần nữa, đại diện VKS không cung cấp được.
Nói về thẩm quyền này, Cơ quan ANĐT từng thừa nhận không có thẩm quyền, đúng như các LS tranh luận. Tại báo cáo ngày 29/12/2016, chính ông Dương Việt Hùng – Phó Thủ trưởng Cơ quan ANĐT gửi Giám đốc Công an tỉnh Sóc Trăng xin ý kiến giao thẩm quyền xử lý tin báo và xử lý vụ án. Văn bản này nói rõ “tin báo tội danh “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” không thuộc thẩm quyền của Cơ quan ANĐT”.
Trong văn bản này có bút phê của Giám đốc Công an tỉnh Sóc Trăng: “Giao PA92 (Cơ quan ANĐT) thụ lý điều tra”. Bút phê này, LS Đức cho rằng không hợp quy, không đúng pháp luật. Nếu muốn giao Cơ quan ANĐT thụ lý điều tra, giải quyết vụ án thì phải ra quyết định bằng văn bản. “Áp dụng quy định pháp luật thì Giám đốc Công an tỉnh cũng không có quyền giao cho Cơ quan ANĐT vụ này mà phải là Bộ trưởng Bộ Công an”, LS Đức nói.
Tự bào chữa cho mình, bị cáo Thanh nói: “Trước đây, toà từng có văn bản đề nghị VKS làm rõ căn cứ pháp lý để truy tố bị cáo có vai trò đồng phạm trong vụ án, vì bị cáo cũng như các thành viên khác là người thực hiện chỉ đạo của Đoàn kiểm tra. Việc làm rõ căn cứ này để đảm bảo công bằng cho bị cáo Thanh với các thành viên khác trong Đoàn kiểm tra. VKS trả lời rằng căn cứ pháp lý được nêu trong kết luận điều tra. Đến phiên xử hôm nay, Chủ toạ cũng đề nghị VKS nêu căn cứ pháp lý cáo buộc bị cáo là đồng phạm. Như vậy, từ trước đến nay, chưa có cơ sở để nói bị cáo là đồng phạm với bị cáo Phương. Tại sao VKS cứ cố cáo buộc như vậy? Bị cáo là thành viên của Đoàn. Đoàn quyết định, yêu cầu thì bị cáo làm. Chừng nào Đoàn yêu cầu, mà bị cáo không làm, thì mới là làm trái”, bị cáo Thanh nói.
Bị cáo Thanh cũng cho rằng khi bắt bị cáo, Cơ quan ANĐT tiến hành kiểm tra điện thoại, kiểm tra số tài khoản với ý định cáo buộc mình và bị cáo Phương về tội “nhận hối lộ”. “Bị cáo nghi ngờ vì lỡ bắt giam bị cáo nhưng không buộc được tội “đưa nhận tiền”, không chứng minh được tiêu cực, nên cơ quan tố tụng mới cố tìm một tội danh khác để xử lý”, bị cáo Thanh nói.
Cả hai bị cáo đều kêu oan khi được nói lời nói sau cùng, đề nghị HĐXX chấp nhận lời kêu oan, tuyên bị cáo không phạm tội.
HĐXX tuyên bố phiên nghị án kéo dài. Việc tuyên án dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 9/7 tới.
Tập đoàn Con Cò Vàng tuyên bố sẽ khởi kiện Cơ quan ANĐT tỉnh và VKS TP Sóc Trăng
Trao đổi với PLVN bên ngoài phiên toà, đại diện Tập đoàn Con Cò Vàng, nhà sản xuất phân bón trong vụ án, cho biết: “Có 5 vấn đề mà chúng tôi đưa ra để khẳng định phân bón trong vụ án này là thật. Đến nay chưa có cơ quan nào kết luận phân bón của chúng tôi là giả. Công an quận 7 (TP HCM) cũng đã không khởi tố vụ án “Buôn bán và sản xuất phân bón giả”. Từ ngày vụ án này xảy ra, do những cáo buộc của Cơ quan ANĐT và VKS rằng “phân bón giả”, làm Tập đoàn Con Cò Vàng thiệt hại rất lớn về kinh tế, uy tín. Chúng tôi đang tập hợp hồ sơ để khởi kiện đòi bồi thường thiệt hại. Sắp tới, chúng tôi sẽ khởi kiện với Cơ quan ANĐT tỉnh Sóc Trăng và VKS TP Sóc Trăng”.