Nhiều mô hình sáng tạo, tiêu biểu
Việt Nam có 1.109 xã, phường, thị trấn biên giới, hải đảo thuộc 235 quận, huyện, thị xã, 44 tỉnh, thành; với dân số khoảng 8,3 triệu người. Cả nước có 86 cảng cá với khoảng 110.000 tàu cá (đến tháng 6/2019 đã có 31.500 tàu được cấp hạn ngạch đánh bắt tại vùng khơi) với gần 1 triệu ngư dân thường xuyên làm ăn trên biển.
Từ 2017 đến nay, Ban Chỉ đạo Đề án “Tăng cường PBGDPL cho cán bộ, nhân dân vùng BGHĐ giai đoạn 2017-2021” đã phối hợp với các địa phương: Quảng Ngãi, Khánh Hòa, Cà Mau, Bình Định, Quảng Nam, Quảng Bình, An Giang, Bình Thuận, Đắk Lắk, Kiên Giang và Quảng Ninh tổ chức hội nghị rút kinh nghiệm công tác tuyên truyền PBGDPL. Các hội nghị nhằm chỉ ra những ưu, khuyết điểm, tồn tại, hạn chế, rút ra những bài học kinh nghiệm, đề tài các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, PBGDPL.
Ngoài ra, Ban Chỉ đạo còn cử các đoàn đi khảo sát, đánh giá thực trạng đời sống pháp luật của cán bộ, nhân dân trên các tuyến BGHĐ; nghiên cứu, biên soạn, cấp phát hàng nghìn loại tờ rơi, tờ gấp pháp luật, sách pháp luật, băng đĩa DVD tiểu phẩm pháp luật; tổ chức cấp phát trang thiết bị cho 1.109 xã, phường, thị trấn BGHĐ và hơn 500 đơn vị quân đội đóng quân trên địa bàn khu vực biên giới.
Bộ Tư lệnh (BTL) các quân khu, BTL Hải quân, Cảnh sát biển và các đơn vị Công an, Hải quan, Kiểm ngư đã chủ động xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện tuyên truyền PBGDPL theo chức năng, nhiệm vụ. Các đơn vị đã phối hợp chặt chẽ với các đơn vị của Bộ đội Biên phòng (BĐBP) và chính quyền địa phương khu vực biên giới triển khai thực hiện tốt các nội dung của Đề án với nhiều hình thức, chương trình, mô hình, cách làm sáng tạo.
Tiêu biểu như: Chuyên mục “Tìm hiểu pháp luật”, “Câu chuyện pháp luật” và Chương trình “Hải quân Việt Nam làm điểm tựa cho ngư dân vươn khơi, bám biển” của BTL Hải quân. Các chuyên mục, sách, tài liệu về biển đảo Việt Nam và chương trình “Cảnh sát biển đồng hành cùng ngư dân” của BTL Cảnh sát biển.
Chương trình “Tuổi trẻ với pháp luật”, mô hình “Tổ tàu thuyền bến bãi an toàn”… của BTL BĐBP, các chương trình của ngành Hải quan và mô hình “Điểm hẹn pháp luật”, “Quán cà phê pháp luật” của lực lượng Công an…
Ông Uông Ngọc Thuẩn, Phó Vụ trưởng Vụ PBGDPL, Bộ Tư pháp nhận xét, từ hiệu quả các chương trình, mô hình của các đơn vị, cơ quan chức năng cần đúc rút kinh nghiệm, dùng làm mẫu cho các ngành khác trong công tác tuyên truyền PBGDPL cho các đối tượng. Hội đồng Giáo dục pháp luật Trung ương sẽ nghiên cứu và nhân rộng các mô hình của Đề án này.
Hiệu quả công tác phối hợp tuyên truyền
Thiếu tướng Nguyễn Anh Tuấn, Chủ nhiệm Chính trị BĐBP cho biết, việc triển khai Đề án tuyên truyền PBGDPL các cấp đã phát huy tốt vai trò của cả hệ thống chính trị, các lực lượng và toàn dân, tập trung xây dựng và duy trì tốt hoạt động của các mô hình, cách làm hay, sáng tạo, giúp cán bộ, nhân dân vùng BGHĐ hiểu thêm về pháp luật.
Ý thức chấp hành pháp luật của nhân dân được nâng lên, các vụ việc vi phạm giảm, tình hình vi phạm liên quan đến tội phạm buôn lậu, hàng giả, gian lận thương mại, tội phạm về ma túy trên địa bàn đã có nhiều chuyển biến và giảm rõ rệt. Quần chúng nhân dân khu vực BGHĐ luôn tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, công cuộc đổi mới của đất nước, tích cực tham gia, phối hợp với các lực lượng chức năng tham gia, quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia.
Về kết quả công tác phối hợp tuyên truyền PBGDPL phòng chống buôn lậu, hàng giả, gian lận thương mại trên vùng biển các tỉnh phía Bắc, năm 2019, Ban Chỉ đạo đã chỉ đạo các đơn vị quân đội tham mưu, phối hợp với chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể của địa phương tổ chức các hoạt động tuyên truyền, PBGDPL cho ngư dân với nhiều hình thức như tổ chức thi tìm hiểu pháp luật dưới hình thức sân khấu hóa, cấp phát tờ rơi cho ngư dân trước khi tàu thuyền ra khơi đánh bắt thủy sản, đã tổ chức tuyên truyền được 5.766 buổi/371.389 lượt người nghe.
Các đơn vị đã phối hợp xây dựng 3.045 tổ tàu thuyền an toàn/22.408 tàu/105.983 người; 539 bến bãi tự quản/21.168 tàu/79.952 người và thành lập 119 tổ hợp tác xã đoàn kết trên biển/829 tàu/4.861 người.
Các đơn vị BĐBP, Công an, Hải quan, Cảnh sát biển, Quản lý thị trường… đã triển khai có hiệu quả quy chế phối hợp trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, vận động người dân khu vực biên giới, vùng ven biển tích cực tham gia tố giác, cung cấp thông tin đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, không tiếp tay cho hoạt động trái pháp luật. Hàng năm đã phối hợp tuyên truyền trên 1.200 buổi/45.000 người.
Nếu như năm 2019, các lực lượng chức năng phát hiện, bắt giữ, xử lý 122.503 vụ, thu nộp ngân sách nhà nước 20.123,508 tỷ đồng, khởi tố 1.979 vụ/2.339 đối tượng thì các năm tiếp theo có xu hướng giảm dần. Năm 2019, lực lượng chức năng đã phát hiện, bắt giữ, xử lý 85.892 vụ, thu nộp ngân sách nhà nước 6.165,836 tỷ đồng, khởi tố 1.311 vụ với 1.546 đối tượng.
Dự và chỉ đạo Hội nghị, Thiếu tướng Phùng Quốc Tuấn, Phó Chính ủy BĐBP, Phó Trưởng ban Chỉ đạo Đề án đề nghị các bộ, ngành, địa phương, đơn vị các tỉnh cần tiếp tục thực hiện tốt công tác tuyên truyền, PBGDPL cho cán bộ, nhân dân vùng BGHĐ.
Trong đó, xây dựng và duy trì hiệu quả các mô hình, chương trình, nhất là việc triển khai tốt tổ hòa giải, tư vấn, trợ giúp pháp luật, giúp cán bộ, nhân dân nắm chắc các quy định của pháp luật. Cùng với đó, các đơn vị cần làm tốt công tác nắm, dự báo tình hình, không để xảy ra bị động, bất ngờ trong phòng, chống tội phạm, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở khu vực BGHĐ của Tổ quốc.
Đại tá Trần Xuân Văn, Phó Chính ủy BTL Vùng 1 Hải quân
“Năm 2019, Vùng 1 Hải quân được BTL Quân chủng giao chủ trì Cụm lực lượng Hải quân 1 phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 5 tỉnh, thành ven biển phía Bắc gồm Hải Phòng, Quảng Ninh, Nam Định, Thái Bình, Ninh Bình tổ chức, phát động triển khai thực hiện Chương trình “Hải quân Việt Nam làm điểm tựa cho ngư dân vươn khơi, bám biển”.
Đơn vị đã tổ chức PBGDPL cho ngư dân đi biển dài ngày bằng các hình thức: Đến các tàu thuyền để tuyên truyền, phổ biến, phát tờ rơi, tờ gấp, đọc các văn bản pháp luật trên loa phát thanh khi tàu thuyền neo đậu tại bến.
Hàng năm, Vùng phối hợp với lực lượng Hải quân Trung Quốc tổ chức tuần tra chung, kết hợp tuyên truyền pháp luật cho nhân dân 2 bên biên giới tại thực địa. Hiện Vùng đã hoàn thành chuyến tuần tra chung thứ 26 với Hải quân Trung Quốc”.
Thượng tá Lê Huy, Phó Chính ủy BTL Vùng Cảnh sát biển 1
“Từ năm 2017 đến nay, BTL Vùng Cảnh sát biển 1 đã phối hợp với các lực lượng chức năng chủ động xây dựng kế hoạch, thống nhất biên soạn nội dung hình thức, biện pháp tuyên truyền sát, phù hợp với điều kiện thực tế địa phương, đối tượng tuyên truyền.
Đơn vị đã phối hợp biên soạn được 15 chuyên đề, phối hợp tuyên truyền được 78 đợt/18.000 lượt người tham gia, cấp phát 45.234 tờ rơi, tờ gấp các loại để tiến hành tuyên truyền PBGDPL cho nhân dân, ngư dân trên các đảo nơi đơn vị đóng quân, nơi đơn vị tới công tác, tập trung vào các nội dung: Công ước Luật Biển năm 1982, Luật Biển Việt Nam năm 2012, Luật Thủy sản, Luật Phòng chống tội phạm ma túy, Hiệp định Phân định Vịnh Bắc bộ và Hiệp định Hợp tác nghề cá giữa Việt Nam và Trung Quốc.
Tuyên truyền cho ngư dân không vi phạm vùng biển nước ngoài để khai thác hải sản trái phép. Tuyên truyền các chính sách của Đảng và Nhà nước khuyến khích, động viên nhân dân ổn định sinh sống trên đảo, tích cực bám ngư trường khai thác…”.
Đại tá Đặng Văn Trọng, Chính ủy BĐBP TP Hải Phòng
“Năm 2019, Bộ Chỉ huy BĐBP Hải Phòng đã phối hợp Sở Tư pháp chỉ đạo các đơn vị, các quận, huyện, khu vực biên giới biển, đảo, hải cảng của thành phố phát 2.371 tờ rơi. Về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, đơn vị đã tổ chức được 196 buổi/34.002 lượt người nghe, vận động 483/483 chủ phương tiện tàu cá của TP ký cam kết không đưa phương tiện ra vùng biển nước ngoài khai thác hải sản trái phép.
Đơn vị đã chỉ đạo các đơn vị rà soát phương tiện tham gia bảo vệ chủ quyền trên khu vực biên giới biển của Hải Phòng. Có 18 phương tiện, 182 nhân lực đã đăng ký, sẵn sàng tham gia, huy động bảo vệ chủ quyền khi có lệnh. Trong năm 2018 và 6 tháng đầu năm 2019, BĐBP Hải Phòng đã phối hợp kiểm tra, bắt giữ 61 vụ/35 phương tiện/5container/199 trường hợp buôn lậu, gian lận thương mại…
Xử phạt hành chính 44 vụ/176 trường hợp vi phạm, với tổng số tiền phạt trên 1,737 tỷ đồng, tịch thu, xử lý 5.126 lít xăng A92, 11.601 lít dầu DO, 723,84 tấn than, trên 3.827 m3 cát, 200 tấn bùn xít, 450 tấn đá xít…”.