Mới đây nhất là trường hợp một bệnh nhân nữ 15 tuổi được chuyển lên từ Thái Bình. Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng sốc mất máu, lóc da toàn đùi cẳng chân phải và lóc da kín cẳng chân trái, gãy khung chậu.
Theo bác sĩ Đặng Hoàng Giang, Khoa Chấn thương chỉnh hình 2 (Bệnh viện Việt Đức), tại bệnh viện này, số bệnh nhân cấp cứu tai nạn có liên quan đến xe đạp điện thường gặp trong thời gian gần đây. Có tuần, bệnh viện tiếp nhận 2 bệnh nhân được chuyển đến cấp cứu trong tình trạng nặng, phần lớn trong độ tuổi 14-20. Các chấn thương thường gặp là gãy chân, tay.
Bác sĩ Giang cho biết, với những trường hợp này, kể cả sau khi được điều trị tích cực cũng phải mất 3 - 6 tháng mới có thể học tập và lao động bình thường. Tuy vậy, phần xương gãy sẽ yếu hơn, thậm chí gây lệch trục chi, khoèo chi, về lâu dài tổn thương đến các chức năng của bộ phận cơ thể.
Theo trung tá Nguyễn Đức Thịnh, Đội phó đội tuyên truyền Phòng Cảnh sát giao thông - Công an TP.Hà Nội, xe đạp điện có thể đạt tốc độ cao nhưng cần lưu ý thêm về các điều kiện an toàn, như: một mô tô di chuyển trong nội thành thường chỉ đạt tốc độ trung bình 30 - 35km/giờ, xe đạp điện có thể đạt ở mức này, thậm chí cao hơn, nên khi đi nhanh, nguy cơ gây tai nạn lớn hơn do xe nhẹ hơn. Trường hợp phanh gấp dễ gây ngã, văng người ra khỏi xe. Tình huống này xảy ra sẽ gây tai nạn cho bản thân và người cùng tham gia giao thông.