Tại lễ bế mạc Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XI, hôm nay, 13/12, đại biểu tham dự Đại hội chứng kiến lễ ký kết Nghị quyết liên tịch giữa Chính phủ và Ban Chấp hành Trung ương Đoàn giai đoạn 2017 – 2022.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại phiên bế mạc Đại hội Đoàn toàn quốc |
Phát biểu trước Đại hội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ niềm vui mừng khi đến dự phiên bế mạc và chứng kiến ký Nghị quyết liên tịch trong 5 năm. Thủ tướng cho biết, trong phiên khai mạc của Đại hội, Tổng Bí thư Nguyễn Trọng đã có bài phát biểu quan trọng chỉ đạo toàn diện, sâu sắc về công tác đoàn, phong trào thanh niên và phương hướng, nhiệm vụ lớn.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, Đại hội lần này không chỉ ứng dụng công nghệ mà còn có nội dung đổi mới, thể hiện truyền thống và hiện đại, được cả nước, người dân và thanh niên rất quan tâm. Đặc biệt, Đại hội đã bầu được Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, Ban Bí thư T.Ư Đoàn đủ về số lượng, mạnh về chất lượng, có cơ cấu tốt. Đây sẽ là điều kiện để các đồng chí thực hiện tốt nhiệm vụ.
Đánh giá về công tác của Đoàn Thanh niên, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, việc đầu tiên là sự phối hợp giữa Chính phủ và T.Ư Đoàn, không chỉ có ở T.Ư và Hà Nội, mà phải phối hợp ở toàn bộ các cấp chính quyền, phải đề cao vai trò của thanh niên. Chính vì vậy, cần có một chế độ làm việc định kỳ giữa Chính phủ và T.Ư Đoàn, chính quyền các cấp thường xuyên lắng nghe kiến nghị của thanh niên, chứ không nghe Nghị quyết chung chung.
“Bản thân Thủ tướng và các Phó thủ tướng trong các nhiệm kỳ thường xuyên gặp gỡ, thẳng thắn trao đổi với thanh niên, dù sự kiện diễn ra ở miền núi xa xôi ở phía Bắc hay miền Trung..., nhằm tạo điều kiện, thu hút mạnh mẽ hơn giới trẻ vào xây dựng sự nghiệp Tổ quốc" - Thủ tướng nói.
Thủ tướng Chính phủ cho rằng, công tác phối hợp với tổ chức Đoàn nhiều địa phương làm tốt nhưng cũng còn một số địa phương làm chưa tốt, còn nhiều vấn đề phải khắc phục. Tồn tại đầu tiên là công tác giáo dục lý tưởng cho thanh niên, đây là nhiệm vụ rất quan trọng nhưng làm chưa đạt hiệu quả mong đợi thì Đoàn phải xem lại, công việc này có được các cấp chính quyền có tạo điều kiện không.
Thứ hai là vấn đề nêu gương, cán bộ trẻ nhìn lớp trước làm việc ra sao, hiệu quả thế nào nhưng thực tế hiện vẫn còn có những bộ phận cán bộ trước chưa thực sự nêu gương trước người trẻ. Theo Thủ tướng, thanh niên phải nêu gương bằng tác phong, phong cách làm việc. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, giải quyết việc làm cho thanh niên, vấn đề xâm hại, bảo vệ trẻ em, thiết chế văn hoá, sân chơi cho thanh thiếu nhi… đang là vấn đề lớn, phải tập trung làm trong 5 năm tới.
Thủ tướng cũng điểm qua tình hình đất nước, mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức như mưa lũ gây thiệt hại nặng nề, mất hơn 2 tỉ USD, nhưng tiềm lực quốc gia vẫn tăng cường, cân đối kinh tế được giữ vững, vấn đề xã hội, cải cách giáo dục, an sinh xã hội được quan tâm tốt hơn. Bên cạnh đó, các cân đối lớn như ngân sách, điện năng đều giữ được; an ninh trật tự xã hội tốt, trong đó vai trò rất quan trọng của thanh niên, kể cả những địa bàn phức tạp nhạy cảm. “Tôi vào Nghệ An thấy phong trào thanh niên rất tốt, nhiều thanh niên dũng cảm lắm, kể cả thanh niên nông thôn, sinh viên, lực lượng vũ trang... đều có đóng góp rất lớn cho sự phát triển của đất nước trong năm 2017”- Thủ tướng chia sẻ.
Theo Thủ tướng, đất nước phát triển, tỷ lệ nghèo đói giảm nhanh nhưng nguy cơ tụt hậu, diễn biến hoà bình, tham nhũng, tiêu cực lớn. Đó là những cái hiện hữu mà ai cũng biết, nhất là các bạn trẻ phải nhận ra vấn đề này tốt hơn.
Thủ tướng cho rằng, đất nước đang đặt niềm tin vào thế hệ trẻ. Tuổi trẻ cả nước phải sẵn sàng cống hiến cho học tập, lao động, quên mình để chống tụt hậu. Thanh niên là người đi tiên phong, dấn thân trong mọi lĩnh vực. Thủ tướng tin tưởng nhiều bạn trẻ sẽ là chiến binh khởi nghiệp, chiến binh công nghệ, chiến binh gìn giữ biên cương. Theo Thủ tướng, hàng nghìn năm lịch sử giữ nước đã chứng minh hoàn toàn có thể đặt niềm tin giới trẻ có thể lập chiến công trong thế kỷ 21.
Trong thời gian tới, để hoàn thành các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, Thủ tướng đề nghị Đoàn Thanh niên cần bám sát nhiệm vụ chính trị, thu hút, động viên thanh niên tham gia. Phát huy vai trò xung kích, việc gì cần thanh niên có, việc khó có thanh niên. “Đây chính là yêu cầu không chỉ năm 1950 Bác Hồ nói với chúng ta, mà đặc biệt trong bối cảnh khó khăn hiện nay, việc gì khó phải có thanh niên. Chính vì vậy, cần triển khai nhiều cơ chế chính sách, đặc biệt ở cấp Chính phủ, nhất là chính sách lớn cho khởi nghiệp, lập nghiệp trong lớp trẻ” - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói.
Theo Thủ tướng, Đoàn Thanh niên các cấp cần triển khai các chương trình khởi nghiệp đã thành công một bước quan trọng trong thời gian qua. Thủ tướng cũng ghi nhận các phong trào khởi nghiệp vừa qua rất sôi động, năm 2017 có trên 120.000 doanh nghiệp mới thành lập, phần lớn là của người trẻ tuổi. Trong đó, 90% có doanh thu, đóng thuế. Thanh niên khởi nghiệp là chương trình quan trọng góp phần thành lập thêm nửa triệu doanh nghiệp đến năm 2020 để Việt Nam có trên 1 triệu doanh nghiệp. Hơn ai hết, thanh niên có đóng góp rất quan trọng, có ý nghĩa rất lớn.
Trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết vừa được ký kết, sắp tới, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng nhấn mạnh vấn đề khởi nghiệp trong thanh niên vô cùng quan trọng. “Ở các nước, 4 - 5 người dân có 1 doanh nghiệp, ở Việt Nam mấy trăm nghìn dân mới có 1 doanh nghiệp thì thấp, ít và nhỏ quá”- Thủ tướng so sánh.
Thủ tướng đề nghị Đoàn nghiên cứu và đề xuất chiến lược phát triển thanh niên. Hơn ai hết, Đoàn là tổ chức gần gũi, hiểu thanh niên nhất. Bên cạnh đó, tổ chức Đoàn phải hỗ trợ mạnh mẽ để thanh niên, học sinh, sinh viên học tập, nghiên cứu khoa học, chuẩn bị hành trang bước vào thời đại cách mạng công nghiệp 4.0. Chính phủ xác định phát triển nền kinh tế số, thông minh là vấn đề chiến lược để nâng cao năng suất, chất lượng lao động của quốc gia và thu nhập của người dân.
Nhắc tới tầm quan trọng của Đoàn Thanh niên trong việc giáo dục, chăm sóc trẻ em. Thủ tướng nhấn mạnh, mọi trẻ em phải được bảo vệ không bị xâm hại, bạo lực... Chính phủ sẽ quyết liệt giải quyết, xử lý và mong Đoàn Thanh niên tích cực hơn nữa trong công tác giáo dục, bảo vệ trẻ em. Thủ tướng nhấn mạnh, không thể để trẻ em bị đối xử bạo hành, xâm hại, đuối nước... như thời gian qua. Thủ tướng yêu cầu đẩy mạnh về chất và lượng các phong trào chống tệ nạn trong thanh niên, xây dựng hình mẫu thanh niên trong thời đại mới.
Kỳ vọng vào “thủ lĩnh” Đoàn nhiệm kỳ mới
Mong muốn, thế hệ cán bộ Đoàn sau Đại hội lần thứ XI luôn nhiệt huyết, sáng tạo, dám đột phá, Thủ tướng kỳ vọng: “Thanh niên nói chung và thủ lĩnh thanh niên nói riêng không thể là những người cơ hội, năng lực yếu, đề cao lợi ích cá nhân, mà phải là người dám dấn thân đi đầu, qua công tác Đoàn, sẽ đào tạo một lớp cán bộ có ích cho đất nước”.
Ông Lê Quốc Phong, Ủy viên dự khuyết Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn phát biểu tại Đại hội. |
Tiếp thu ý kiến chủ đạo của Thủ tướng, thay mặt Đoàn Chủ tịch Đại hội và Ban chấp hành Trung ương Đoàn khóa XI, Bí thư thứ nhất BCH Trung ương Đoàn khóa XI Lê Quốc Phong đã cảm ơn sự quan tâm của Thủ tướng Chính phủ đã dành cho Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và tuổi trẻ Việt Nam.
Đồng thời, ông Lê Quốc Phong cho biết, Ban chấp hành Trung ương Đoàn khóa XI sẽ tập trung triển khai các phong trào hành động cách mạng, các chương trình, đề án được Đại hội xác định, nhằm phát huy thanh niên xung kích, tình nguyện, sáng tạo tham gia phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh, tập trung trong các lĩnh vực: xây dựng Nông thôn mới, đô thị văn minh; tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng; sáng tạo trong học tập, nghiên cứu khoa học; trong lao động, sản xuất, kinh doanh; trong công tác, phục vụ nhân dân; trong sinh hoạt hàng ngày; xung kích bảo vệ Tổ quốc; xây dựng xã hội học tập, nghiên cứu khoa học; tư vấn, giới thiệu việc làm; hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp; chăm lo, bảo vệ thiếu niên nhi đồng. Hướng tới các địa bàn khó khăn, miền núi, biên giới, hải đảo theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Ban Chấp hành T.Ư Đoàn khóa XI ra mắt đại hội |
Tại Đại hội, Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, Ban Bí thư Trung ương Đoàn khóa XI, nhiệm kỳ 2017 - 2022 đã ra mắt. Ông Lê Quốc Phong tái đắc cử chức danh Bí thư Thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đoàn khóa XI và 3 người tái cử chức danh Bí thư Trung ương Đoàn gồm: Nguyễn Anh Tuấn; Bùi Quang Huy; Nguyễn Ngọc Lương.
Thành phố Hà Nội có ba người được bầu vào Ban chấp hành Trung ương Đoàn khóa XI, nhiệm kỳ 2017 – 2022 gồm: ông Nguyễn Văn Thắng, Thành ủy viên, Bí thư Thành đoàn Hà Nội; Nguyễn Khánh Bình, Phó Bí thư Thành đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội thành phố Hà Nội; Chu Hồng Minh, Phó Bí thư Thành đoàn, Chủ tịch Hội Sinh viên thành phố Hà Nội. Trong đó, ông Nguyễn Văn Thắng được bầu vào Ban Thường vụ Trung ương Đoàn khóa XI.