Nhiều băn khoăn quanh đề xuất cấm xe máy ở Hà Nội

Hà Nội không nên cấm xe máy nếu phương tiện công cộng chưa phát triển
Hà Nội không nên cấm xe máy nếu phương tiện công cộng chưa phát triển
(PLVN) - Ông Vũ Văn Viện, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội vừa cho biết, trong 2-3 năm tới sẽ thí điểm cấm xe máy ở đường Nguyễn Trãi hoặc Lê Văn Lương, tiến tới cấm toàn bộ phương tiện xe máy ở nội thành Hà Nội vào năm 2030… Trước đề xuất này, giới chuyên gia giao thông đã có những ý kiến lo lắng nhất định.

Tước đi “miếng cơm, manh áo” của nhiều người?

Thông tin trên khiến nhiều người dân lo lắng, còn giới chuyên gia giao thông nhiều người tỏ ý phản đối cương quyết, cho rằng đây chưa phải thời điểm để Hà Nội cấm xe máy, sẽ ảnh hưởng đến an sinh xã hội người dân, nhất là người có thu nhập thấp.

Trước thông tin Hà Nội dự định cấm xe máy ở nội thành trong thời gian tới, chuyên gia giao thông, TS Nguyễn Xuân Thủy là người phản đối rất cương quyết. “Đây là chủ trương không hợp lý của Hà Nội”, ông Thủy nhấn mạnh và cho biết, TP HCM trước đây cũng đề xuất cấm xe máy, nhưng may mắn là lãnh đạo TP này sau khi nghiên cứu, phân tích đã từ bỏ ý định này.

Theo ông Thủy, về mặt khoa học, nhiều sách trên thế giới đã nghiên cứu và chứng minh, xe máy không phải là phương tiện chính gây ra tắc đường ở đô thị. “Một chiếc xe máy chỉ chiếm dụng mặt đường từ 1/4 đến 1/10 của một chiếc ô tô. Có nghĩa là khả năng gây ùn tắc của xe máy là thấp hơn so với ô tô”, vị chuyên gia phân tích và cho biết, tại những bức ảnh chụp tắc đường, ta thấy chủ yếu là ô tô, nơi nào có ô tô, xe bus hoặc ô tô con thì nơi đó mới ùn tắc, ít có chỗ nào toàn xe máy mà ùn tắc. “Nên không thể đổ tội tắc đường là do xe máy được. Cấm xe máy là một sai lầm”, ông Thủy nói.

“Đấy là quan điểm cực kỳ thiếu nhân văn, không tốt, phân biệt về đẳng cấp, coi thường người lao động, trong khi chính người lao động làm ra đất nước này”, ông Thủy nói và cho biết, hiện nay ở Hà Nội có khoảng 70- 80% người dân đi xe máy để mưu sinh, trong khi phương tiện công cộng Hà Nội chỉ đáp ứng được khoảng 7-10% nhu cầu đi lại.

“Vậy khi cấm thì những người lao động này đi bằng gì để mưu sinh?”, vị chuyên gia đặt câu hỏi và cho biết, việc cấm xe này sẽ vô tình đẩy những người lao động này vào cảnh khốn khó; tước đi miếng cơm, manh áo mà họ đang mưu sinh vất vả mới có được.

Cùng lo lắng, ông Bùi Danh Liên, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Hà Nội cho biết không phản đối chủ trương cấm xe máy ở nội thành, nhưng cần có lộ trình lâu dài và phải được nghiên cứu kỹ lưỡng trước khi áp dụng: “Phải bảo đảm yếu tố nhân đạo, quyền lợi của người nghèo, quyền mưu sinh của người nghèo. Cấm xe máy thì họ dùng phương tiện gì để mưu sinh?”, ông Liên đặt vấn đề.

Cần chuẩn bị kỹ lưỡng 

Tỏ ra thận trọng với đề xuất trên, Tiến sỹ kinh tế Lương Hoài Nam cho rằng đề xuất này cần phải được đặt vào tổng thể “Đề án tăng cường quản lý phương tiện giao thông nhằm giảm ùn tắc và ô nhiễm môi trường giai đoạn 2017 – 2020 tầm nhìn 2030” đã được HĐND TP Hà Nội thông qua.

“Nếu việc cấm xe máy tại 1 trong 2 tuyến đường Lê Văn Lương và Nguyễn Trãi phù hợp với lộ trình hạn chế, tiến tới cấm xe máy trong nội đô Hà Nội từ năm 2030 được nêu trong Đề án thì đó là việc rất bình thường. Nếu không thực hiện được, nội dung này sẽ bị phá vỡ và các nội dung khác của Đề án cũng gặp rủi ro bị phá vỡ tương tự, dẫn đến sự thất bại của cả Đề án”, ông Nam nhận định. 

Còn theo chuyên gia Nguyễn Xuân Thủy, nếu đến năm 2030 Hà Nội cấm xe máy toàn nội thành sẽ dẫn đến cuộc khủng hoảng về đi lại. Khi đó, hàng hóa không được lưu thông tốt, giá cả sẽ tăng. Ngoài ra, nhiều người sẽ cố gắng mua được ô tô để được đi lại.

“Lúc đó đường sá còn ùn tắc hơn. Bắc Kinh, Trung Quốc là một bài học nhãn tiền; dân số 12 triệu trong khi có 8 triệu ô tô, đường sá gần như kẹt cứng”, ông Thủy nói và cho biết, người dân ở Bắc Kinh ước mơ được đi xe máy. 

Các ý kiến chuyên gia phần lớn chung quan điểm rằng, khi nào hệ thống phương tiện công cộng của Hà Nội như xe bus, hệ thống metro phát triển, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân được khoảng 50-60% như những nước phát triển thì hãy nghĩ đến việc cấm xe máy, hạn chế xe cá nhân.

“Hà Nội đã có những phát triển về hệ thống giao thông công cộng như hệ thống xe buýt đã đáp ứng được 15 đến 20% nhu cầu đi lại của người dân. Sắp tới đường sắt trên cao sẽ đi vào hoạt động cũng góp phần giải quyết nhu cầu đi lại của người dân. Tuyến BRT tuy không đạt kết quả như mong muốn nhưng dần dần sẽ khắc phục được. Nhưng phải nhìn vào thực tế là nếu 1 trong 2 tuyến đường Nguyễn Trãi và Lê Văn Lương mà cấm ngay thì xe máy ở đường này sẽ chuyển sang đường kia. Lúc đó sẽ không phải ùn tắc mà sẽ tắc suốt ngày. Phải nhìn nhận vấn đề này”, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải TP Hà Nội Bùi Danh Liên nhận định.

Ông Liên cũng cho rằng không nên học theo mô hình cấm xe máy như ở Bắc Kinh, Trung Quốc vì hạ tầng Hà Nội chưa phát triển, hơn nữa, vì cấm xe máy mà giờ Bắc Kinh quá đông ô tô, càng thêm tắc: “Ví dụ, TP phải áp dụng kinh nghiệm của các nước là vào giờ cao điểm, ô tô đi vào TP phải nộp phí hạ tầng. Cái đó thế giới đã làm rồi. Làm như vậy không vi phạm quyền sở hữu phương tiện ô tô. Người có tiền, có chức cũng phải chia sẻ với người dân lao động để hạn chế ùn tắc giao thông, hạn chế xe máy”, ông Liên đề xuất.

Ngoài ra, theo ông Liên, cũng còn rất nhiều các giải pháp như TP cần đầu tư vào hệ thống tàu điện ngầm, đưa 7- 8 tuyến đường sắt đô thị vào hoạt động… để đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân. “Chúng ta phải có những giải pháp hết sức căn cơ, cụ thể, đồng thời phải tạo điều kiện làm thế nào để người dân đi lại thuận lợi. Đến khi phương tiện giao thông công cộng thuận lợi thì người ta sẽ tự nguyện từ bỏ xe máy chứ không phải bắt buộc”, ông Liên nói. 

Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) trong ấn bản Sách Trắng thứ 11 vừa ra mắt tại Hà Nội ngày 14/3 cho rằng, xe máy là phương tiện giao thông không thể thiếu đối với đời sống hàng ngày và sinh kế của hàng triệu người Việt Nam, đặc biệt là tại các TP như Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, nơi đường phố chật hẹp và hệ thống phương tiện giao thông thay thế còn chưa phát triển.

EuroCham cũng cho rằng việc chỉ cấm xe máy không phải là giải pháp hiệu quả để cải thiện tình trạng ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường và giảm thiểu tai nạn giao thông tại các TP lớn của Việt Nam. “Nguyên nhân của các vấn đề này nằm ở việc quản lý thiếu hiệu quả phương tiện tham gia giao thông, kỹ năng lái xe kém và ý thức chưa cao về an toàn giao thông đường bộ. Quy định cấm được đề xuất cũng có thể gây thách thức lớn cho ngành sản xuất xe máy mà trong một thập kỷ qua đã thực hiện những khoản đầu tư dài hạn vào Việt Nam nhằm phát triển thị trường trong nước và quốc tế và đóng góp đáng kể vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước bên cạnh giá trị nộp thuế lớn và tạo nhiều công ăn việc làm cho lao động địa phương”, Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu nhận định.

Trong bối cảnh như vậy, EuroCham cho rằng, chính quyền các địa phương cần xem xét thêm các giải pháp hiệu quả hơn nhằm giải quyết vấn đề ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường và tai nạn giao thông như chỉ quản lý hoặc cấm xe máy cũ, vốn là nguyên nhân chính gây ô nhiễm không khí, tham khảo kinh nghiệm của Ấn Độ - nơi Chính phủ chỉ cấm xe máy đã sử dụng quá 20 năm; nâng cao ý thức và chấp hành quy định và an toàn giao thông…

Đọc thêm

Cảnh sát giao thông Hà Nội: Triển khai mô hình 'Ngã tư an toàn giao thông'

CSGT sẽ đẩy mạnh xử lý các lỗi không chấp hành hệ thống biển báo, vạch kẻ đường. (Ảnh: Trường Thắng)
(PLVN) - Theo đại diện Phòng Cảnh sát giao thông - CSGT (Công an TP Hà Nội), hiện nay tại một số nút giao trọng điểm trên các tuyến trục chính ra, vào TP, tình trạng lộn xộn, thiếu an toàn vẫn diễn ra. Mô hình "Ngã tư an toàn giao thông" được triển khai để góp phần giải quyết tình trạng này.

'Hình hài' siêu dự án Sân bay Long Thành dần lộ diện

'Hình hài' siêu dự án Sân bay Long Thành dần lộ diện
(PLVN) - Trên công trình xây dựng sân bay Long Thành (huyện Long Thành, Đồng Nai) hiện có gần 4.000 kỹ sư, công nhân trong nước và quốc tế, gần 2.000 máy móc, phương tiện, trang thiết bị thi công đang ngày đêm làm việc với mục tiêu cao nhất là đẩy nhanh tiến độ để hoàn hoàn thành trong năm 2025 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại buổi làm việc mới đây.

Đề xuất hợp lý của Cục Cảnh sát giao thông

Ảnh minh họa
(PLVN) - Chạy xe trên đường, nếu xao nhãng chỉ 1 giây, là có thể tàn cả 1 đời. Nếu vượt đèn đỏ, hậu quả còn có thể nguy hại hơn, thảm khốc hơn. Thế nhưng mới đây, một camera giao thông tại Hà Nội ghi lại được cảnh 164 lượt phương tiện vượt đèn đỏ ở một ngã tư chỉ trong 2 phút. Đó là một thực tế vô cùng đáng báo động, không chỉ xảy ra ở Hà Nội, mà còn ở một số địa phương khác.