Hơn 10 năm thực hiện chỉnh trang đô thị, bộ mặt phố xá Sơn Trà đã khang trang, từng con hẻm, góc phố đang từng ngày đẹp dần lên. Nhưng các chợ trên địa bàn quận vẫn còn cảnh chật hẹp, nhếch nhác, mùa nắng thì bốc mùi tanh hôi, mùa mưa cả người bán hàng lẫn người đi chợ phải lội bì bõm.
Chợ “lội”, chợ “dột”
Ở các chợ An Hải Bắc, Phước Mỹ, Nại Hiên Đông, Hà Thân... về mùa nắng, nước vẫn lấp xấp mặt nền chợ. |
Đến chợ An Hải Bắc vào những lúc trời mưa to, chắc chắn người đi chợ phải lội giữa nước. Nếu là mưa giông thì chỉ vài tiếng đồng hồ sau nước đã kịp rút, nhưng vào mùa mưa, mưa lớn một hai ngày trở lên là nhiều tiểu thương phải nghỉ bán hàng bởi khu vực sạp hàng dù đã được xây bệ lên cao, nhưng đôi khi rau, cá vẫn trôi lềnh bềnh.
Chị Nguyễn Thị Bé, một tiểu thương trong chợ cho biết, chị buôn bán ở đây từ năm 2003, khi chợ mới được xây dựng. Ngoài khu vực đình chợ, nơi tập trung các hàng vải vóc, giày dép, hóa phẩm, tiểu thương phải xây một hàng gạch cao ở các lối đi tránh nước ở khu vực ngoài tràn vào; nhưng nước mưa không làm ướt chân thì cũng ướt đầu khi cả khu nhà lồng này bị dột tứ tung. Còn khu thực phẩm tươi sống ngày xưa chỉ là một khu đất trống, mấy chị em buôn bán ở đây phải tự mình dựng lều, che bạt. Sau đó các chị lợp mái tôn kiên cố. Hai trận bão làm sập thì tự dựng lại. Chị Bé cũng như nhiều chị em khác phải tự xây quầy hàng của mình bằng gạch, cao hơn nửa mét. Nhưng đến lúc trời mưa lớn, rau, củ vẫn có thể “tự trôi”.
Chị Hoa, chị Tấn và nhiều chị em khác ở khu vực hàng cá đều bức xúc về chuyện có mưa là ngập ở chợ An Hải Bắc và tình trạng cả khu vực hàng tươi sống, hàng ăn luôn trong cảnh nước lấp xấp, đến giờ gần tan buổi chợ là mùi hôi thối bốc lên nồng nặc. Chị Tấn cho biết: “Nền chợ thấp, nước ngập, tiểu thương tự làm chỗ kê, lợp mái là tình trạng chung của cả chợ, nhưng còn chuyện nước không thoát, không xịt rửa, để cảnh hôi thối tồn tại nhiều năm thì tổ quản lý chợ nên xem lại, khi hằng tháng các khoản phí, lệ phí đều được tiểu thương đóng đầy đủ”. Theo chị Hoa, gần hai năm trở lại đây tiểu thương chưa thấy xịt rửa nền chợ, 4 năm trước thì có rửa toàn bộ khung nền được 5 lần, khi bùn ứ đọng quá nhiều. Hiện, sau buổi chợ, các chị phải tự xách nước quét dọn khu vực mình ngồi buôn bán, mỗi tháng, mỗi người phải trả 40.000 đồng tiền nước.
Ở chợ Phước Mỹ (chợ Bà Kỷ), một phần của khu vực hàng cá cũng luôn trong cảnh mặt nền chợ xâm xấp nước, khi có mưa thì nước dột khắp nơi dù tiểu thương đã tự che bạt, lợp tôn. Chị Trần Thị Ngoa ở Điện Dương, Điện Bàn ra đây buôn bán hơn 10 năm nay nhưng theo chị chuyện đầu tư cho chợ quá ít. Ngày trước khu vực hàng cá chỉ có nền đất, vài năm sau được lát xi-măng, nhưng khi mặt nền hư hỏng, mấy chị em phải tự mua xi-măng về trát lại nền chợ, nhưng vẫn không ăn thua khi tốc độ xuống cấp nhanh hơn tốc độ đầu tư.
Đến chợ Nại Hiên Đông mới thấy hết cảnh nhếch nhác của một khu chợ ven biển. Tiểu thương hầu như phải tự che bạt để có một chỗ ngồi buôn bán tránh mưa, tránh nắng. Đôi chỗ người đi chợ phải cúi đầu xuống thấp để không bị đụng bởi các sợi dây chăng bạt.
Dù cả khu vực Vũng Thùng, Đại Địa Bảo đã trở nên khang trang với hầu hết nhà xây cao tầng, người dân Sơn Trà cũng như phía bờ tây sông Hàn đưa nhau qua đây mua đất, làm nhà nhưng cái chợ này khiến cho ai muốn đến cũng ngần ngại. Các tiểu thương cho biết vì chợ xuống cấp nên chuyện buôn bán cũng không mấy thuận lợi, người đến chợ cũng ít so với thực tế người dân khu vực này.
Toàn quận Sơn Trà có 2 chợ hạng 2 là chợ Mai và chợ An Hải Đông, và 6 chợ hạng 3. Nhìn chung các chợ trên địa bàn quận Sơn Trà vẫn mang dáng dấp của chợ tạm, ẩm thấp, dột nát. Hằng năm được đầu tư sửa chữa nhưng vẫn mang tính chất nhỏ giọt; không đủ các điều kiện cần thiết về phòng cháy chữa cháy, thu gom rác, xử lý nước thải... khiến việc kinh doanh, buôn bán tại các chợ ế ẩm, việc thu phí chợ cũng gặp rất nhiều khó khăn.
Ngay cả chợ hạng 2, chuyện chợ hẹp, họp lấn ra đường, ô nhiễm môi trường vẫn là chuyện “thời sự” của các chợ. Như chợ Mai thuộc phường Thọ Quang có gần 200 hộ buôn bán, nhưng sát chợ là toàn bộ nhà dân, lối đi hai bên chợ bị lấn chiếm toàn bộ, nên chuyện đi lại rất khó khăn.
Phải mất 3-4 năm nữa mới có chợ “đẹp”
Tiểu thương tự che bạt, tôn để lấy chỗ buôn bán, gây nên cảnh nhếch nhác trong nhiều chợ. |
Tình cảnh của chợ An Hải Bắc đã kéo dài nhiều năm. Ông Phạm Kiệm, nhân viên tổ quản lý chợ An Hải Bắc cho biết, đây là chợ thuộc phường quản lý, chuyện đầu tư nâng cấp khá nhỏ giọt khi mỗi năm chỉ một số khu vực được chống dột, bà con phải tự nâng cấp chỗ ngồi. Đến nay lượng khách mới tạm ổn định nhưng việc thu lệ phí khá thấp, chỉ đạt khoảng 80%, mức phí cao nhất ở khu vực hàng tươi sống là 28.000 đồng/tháng; còn những người buôn bán không ổn định chỉ thu 2-4.000 đồng/người/ngày. Ông Trần Văn Lễ, tổ phó tổ quản lý chợ Phước Mỹ cho biết, việc thu phí hằng ngày tùy theo số lượng hàng hóa của tiểu thương, chỉ dao động ở mức 2-5.000 đồng/ngày. Việc thu lệ phí cũng gặp khá nhiều khó khăn nên tổ đã quyết định thu “góp” ở những hàng bán cố định với mức 28.000 đồng/m2. Và hầu hết các chợ phải thu phí chợ theo hình thức này, tỷ lệ thu cũng chỉ đạt 70-80% nên chuyện đầu tư, nâng cấp các chợ vì thế cũng chỉ theo hình thức “hư đâu sửa đó”, việc xuống cấp liên tục là điều có thể dự báo trước.
Bà Trần Thị Thanh Tâm, Phó Chủ tịch UBND quận Sơn Trà cho biết, ngoài chợ Mân Thái mới được đầu tư xây dựng năm 2006, hai năm nay được tiến hành cải tạo lớn nên nhìn chung đây là chợ khang trang nhất của quận hiện nay. Còn hầu hết các chợ đã được xây dựng cách đây 3-6 năm, đã xuống cấp.
Hiện nay, chợ An Hải Đông đang được xây dựng mới theo chủ trương xã hội hóa, thành phố đầu tư 50%, các hộ buôn bán đóng góp 50%. Sắp tới chợ Phước Mỹ với diện tích xây dựng mới gần 6.000m2, chợ Nại Hiên Đông với 9.600m2 sẽ được xây dựng ở địa điểm mới, được đầu tư đồng bộ cả khu nhà lồng chính, phụ, quy hoạch riêng khu vực cho những người buôn bán không cố định, bảo đảm mức trung bình 15m2/tiểu thương (kể cả lối đi, hành lang...). Các chợ sẽ được quy hoạch theo hướng chợ phục vụ nhu cầu thiết yếu hằng ngày, với số dân trong khu vực cao hơn thực tế hiện nay theo nhu cầu di dời, giải tỏa của toàn thành phố. Và phải 3-4 năm nữa, 7 chợ trên địa bàn Sơn Trà mới có được bộ mặt khang trang, đáp ứng nhu cầu thực tế từ nay đến năm 2020.
HOÀNG NHUNG