Đó là hoàn cảnh có một không hai của chị Lý Thị Dợ (SN 1976, ngụ thôn Cư Rang, xã Cư Pui, huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk).
Chị Lý Thị Dợ thoát nạn trở về, nhưng hai con gái và cháu ngoại vẫn bặt tăm. Ảnh: Như Thảo |
Tưởng kiếm việc, hóa ra bị bán làm vợ
Vẫn giữ nguyên vẻ e thẹn khi kể về lầm lỡ của mình, chị Dợ chia sẻ, vào một ngày đầu tháng 2/2014, chị liên tục nhận được điện thoại từ một đối tượng lạ rủ đi Trung Quốc làm thuê với tiền công 300 nghìn đồng/ngày. Ngẫm lại phận mình chồng mất sớm, bốn đứa con nheo nhóc đói khổ, chị mừng thầm khi có người “dẫn đường chỉ lối” cho mình đi kiếm tiền. Dù chẳng biết rõ người kia là ai, vậy mà vào tối 5/2, chị Dợ đã bỏ nhà đi mà không hề dặn dò lại các con một lời.
Càng kể, khuôn mặt chị càng bẽn lẽn vì nhận thấy mình đã quá mê muội. Thật khó khăn để chị nhớ lại hành trình của mình bởi trong đời chưa bao giờ có chuyến đi xa đến vậy. Theo lời kể, tối hôm đó sau khi xem hết văn nghệ của thôn, chị đi bộ ra đường theo lời dặn của người đàn ông đã gọi điện cho mình.
“Trời tối, tôi không nhận rõ người đó như thế nào. Người ta thấy tôi đứng một mình thì chạy xe đến hỏi tôi có phải là Dợ, muốn đi làm thuê không, tôi nói “phải”, thế là ông ta đưa lên xe. Họ đưa thẳng đến Bến xe Đắk Lắk để đi Hà Nội. Rồi từ Hà Nội, tôi lên tới Lào Cai và sang Trung Quốc” - nạn nhân nhớ lại.
Sang đất Trung Quốc, chị Dợ vẫn nghĩ mình đang được dẫn đi nhận việc làm thuê. Do không hiểu tiếng Trung nên cuộc kỳ kèo mua bán diễn ra trước mặt mà chị không hề hay biết mình bị bán. Một cặp vợ chồng người Trung Quốc đã mua chị, nhưng sau hai ngày họ bán chị lại cho gã đàn ông người H’Mông lấy về làm vợ. Lúc này chị biết mình đã bị lừa nhưng đành bất lực mà an phận.
“Người chồng Trung Quốc này cho tôi ăn uống đầy đủ, nhưng không được đi lại tự do. Ngày ngày tôi phải theo ông ta lên rẫy, làm đủ việc nặng nhọc, đêm về lại phải “phục vụ” ông ta. Suốt một tháng trời tôi không nói, chỉ lùi lũi làm. Nhiều đêm nằm nhớ con, nhớ bản làng mà trào nước mắt. Có lúc nghĩ đến cái chết mà không dám liều, chỉ trách mình ngu muội nghe theo kẻ xấu bỏ con cái mà đi” - nạn nhân nước mắt ngắn dài kể lại.
Sau hơn một tháng làm vợ nơi đất khách, lần đầu tiên chị được người chồng Trung Quốc cho ra khỏi nhà để đi ăn cưới. Dịp này, chị được nới lỏng sự kiểm soát. Lập tức, trong đầu người phụ nữ lóe lên ý định bỏ trốn. “Đi đâu tôi cũng khư khư mang theo chứng minh nhân dân. Khi thấy trong đám cưới có một người mặc sắc phục công an Trung Quốc, tôi đã tiến đến đưa cho ông ta tấm chứng minh nhân dân – thứ tài sản riêng duy nhất.
Tôi chỉ hy vọng họ biết tôi là người Việt Nam bị lừa sang đây. Thật may sao, ông ấy hiểu điều tôi muốn và lập tức mời tôi về đồn. Tôi ở lại đồn hai ngày để lấy lời khai trước khi được trao trả về nước. Đến biên giới, nhìn thấy các cán bộ Công an Việt Nam, tôi biết mình đã thoát nạn” - chị Dợ kể lại đầy sung sướng.
Mẹ về thì con cũng biệt tăm
Trên đường được đưa về đoàn tụ cùng các con, chị Dợ tươi tỉnh mong chuyến xe nhanh đến đích. Theo chị tâm sự, trên suốt chuyến xe chị luôn nghĩ đến hình ảnh được ôm các con vào lòng và khóc… Nhưng thoát nạn về đến nhà thì lại hay tin đứa con gái thứ hai là Thào Thị Chía (SN 1996) cũng vừa bị lừa bán sang Trung Quốc. Giọt nước mắt đoàn tụ bị thay bằng nỗi căm tức nghẹn ngào khi nghĩ về đứa con gái nối gót mẹ và chị gái bị lừa bán như một món hàng.
Vừa thoát khỏi xứ người, chị lại lấy nước mắt làm bạn khi nghĩ về con. “Bên đó cực khổ lắm, con gái tôi còn ít tuổi, chưa đi xa bao giờ, sang đó lại bất đồng tiếng nói, không biết giờ này nó sống ra sao” - chị tâm sự.
Thào Thị Chía, con gái thứ hai của chị Dợ đã mất tích hơn hai tháng. Ảnh: Như Thảo |
Theo lời kể của người phụ nữ này, chồng mất sớm, khi hai đứa con gái đầu yên bề gia thất, chị những tưởng sẽ nhẹ vơi gánh nặng. Vậy mà, trước đó vào tháng 10/2012, đứa con gái cả là Thào Thị Phương cùng đứa cháu gái 4 tháng tuổi cũng bị lừa bán sang Trung Quốc, đến nay vẫn chưa có tin tức gì.
“Nó đưa đứa con gái đi theo, để lại một đứa con trai cho chồng nuôi. Ngay khi Phương đi khỏi thì chồng nó tất tả chạy đi báo tin. Vì mấy ngày trước đó Phương luôn miệng nói có người rủ đi Trung Quốc làm thuê lương cao, nên ai cũng cho rằng nó bị lừa sang đấy rồi” - chị Dợ nghẹn ngào.
Tủi thân mình bao nhiêu, chị lại thương phận con bấy nhiêu. Từ ngày thoát nạn trở về, chị Dợ thẫn thờ bỏ bê nương rẫy, thi thoảng lại nằm bệt vì ốm đau. Hai đứa con trai nhỏ nheo nhóc cũng phải bỏ học để ở nhà chăm mẹ.
Lướt qua con mà không hay biết
Lại nói về đứa con gái thứ hai của chị Dợ, người cuối cùng gặp Chía trước khi mất tích chính là cậu em trai Thào Văn Vương (SN 1998). Theo Vương kể lại, ngày 20/2 Vương được chị Chía nhờ đèo đi lên chợ xã. Đi cùng với Chía là cô bạn thân Thào Thị Dua (SN 1989).
“Khi đèo hai chị lên đến ngã ba thì các chị đòi xuống. Có 3 người đàn ông đón hai chị lên xe taxi và đi. Chị không dặn dò gì, nhưng vì chị đi không mang đồ theo nên em không nghĩ chị đang bị kẻ xấu lừa. Hôm sau không thấy chị về, em chạy đi báo cho mọi người tìm giúp. Hết mẹ đi biệt tăm rồi lại đến chị, lúc đó em sợ lắm!” - Vương tủi thân kể.
Ông Thào Văn Danh (SN 1954, bố Thào Thị Dua) không giấu nổi nỗi bức xúc khi nghĩ về ngày con gái bỏ đi. Ông nhớ, hôm đó khi ông phóng xe máy từ huyện trở về, đến gần chợ xã thì suýt bị chiếc taxi tông phải. Ông không thể ngờ đó là chính là chiếc taxi chở con gái mình. Giây phút cuối hai bố con lướt qua nhau mà ông không hề hay biết.
“Tối hôm đó không thấy Dua ở nhà, tôi đã đi tìm cả đêm. Hôm sau có thằng cháu sang báo tin Dua đi theo 3 người đàn ông lạ lên xe taxi trưa hôm trước. Lúc đó tôi mới ngớ người ra vì chắc chắn là chiếc xe suýt tông vào tôi lúc đó. Tôi vội cầm tấm ảnh Dua lên công an xã trình báo nhờ can thiệp. Tôi cũng gọi báo người nhà trên Lào Cai tìm hộ, nếu gặp cháu thì giữ lại đưa về cho gia đình” - ông Danh tâm sự.
Cũng theo ông Danh cho biết, ông nghi ngờ con mình bị kẻ xấu dụ dỗ qua điện thoại rồi lừa bán sang Trung Quốc. “Mấy ngày trước đó tôi thấy Dua liên tục nhắn tin và nói chuyện với một người đàn ông qua điện thoại. Có hôm tôi thấy cả Dua và bạn nó là con bé Chía ngồi kè kè điện thoại nhắn tin rồi thủ thỉ với nhau. Tôi nghĩ là trai làng tán tỉnh nên không để ý. Nếu biết chúng nó đang bị người xấu lừa thì tôi đã cản được” - ông Danh hối hận.
Dua đã từng qua “một lần đò”, người chồng bạc mệnh mất sớm, cô đã liều nhắm mắt đưa chân đi khỏi làng mà không lường trước mình sẽ trở thành nạn nhân của bọn buôn người.
Chía và Dua dẫn nhau đi biệt tăm đến nay đã hơn hai tháng trời, số điện thoại không liên lạc được, cũng chưa có chút tín hiệu nào từ phía công an. Hai gia đình có con gái mất tích ra ngóng, vào trông trong vô vọng. Thi thoảng ông Danh lại ghé qua công an xã hỏi tin tức.
Người mang tâm lí thèm việc làm, người đeo tư tưởng muốn lấy chồng, tất cả đã đẩy những phụ nữ H’Mông ngoan ngoãn nghe theo sự sắp đặt của kẻ xấu. Cũng có những cô gái không ưng thuận, nhưng không từ thủ đoạn, kẻ xấu vẫn biến họ thành món hàng mang sang Trung Quốc bán.