Triển khai từ tháng 4/2010, mô hình Tổ tiết kiệm (nằm trong Tổ tiết kiệm và vay vốn) của Ngân hàng chính sách xã hội (NHCSXH) TP.HCM là một trong những mô hình đạt hiệu quả cao nhất trong toàn quốc. Theo ông Trần Văn Tiên, Phó giám đốc ngân hàng, điều quan trọng không phải là số tiền tiết kiệm, mà là ngân hàng đang nỗ lực để hình thành thói quen tiết kiệm đối với người nghèo.
Mô hình hiệu quả cao
Theo số liệu chung về hoạt động của Tổ tiết kiệm và vay vốn, sau gần 8 năm hoạt động, NHCSXH TP.HCM đã xây dựng được 3.500 tổ hoạt động trên địa bàn từng khu phố, ấp, tại 322 phường, xã thuộc địa bàn quản lý 24 quận huyện của ngân hàng. Con số dư nợ cho đến nay của ngân hàng đạt được là 1.950 tỉ đồng với gần 170.000 hộ nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn.
Thuộc mô hình Tổ tiết kiệm và vay vốn, chương trình tiết kiệm hộ gia đình được NHCSXH trung ương triển khai từ tháng 3/2010. Tháng 4/2010, NHCSXH TP.HCM bắt đầu đi vào thực hiện. Hoạt động của Tổ tiết kiệm và vay vốn diễn ra theo cách thức như sau: Hàng tháng, những người dân (thuộc đối tượng được vay vốn chính sách) trong tổ sẽ trích từ thu nhập của mình ra số tiền từ 10-100 ngàn đồng tuỳ theo quy định của Tổ. Tổ trưởng sẽ đến tận từng hộ tham gia để đôn đốc, thu tiền.
Thời gian không được gọi là sớm so với nhiều tỉnh thành trên cả nước, nhưng những con số mà NHCSXH TP.HCM đạt được đưa đơn vị này lên hàng đầu trong thực hiện mô hình Tổ tiết kiệm: huy động được gần 40 tỉ đồng (so với con số 550 tỉ đồng toàn quốc) với 74 ngàn hộ tham gia chương trình.
“Quan trọng không phải là số tiền, mà là xây dựng ý thức”
Đó là điều mà ông Trần Văn Tiên, Phó giám đốc NHCSXH TPHCM luôn nhấn mạnh khi nói đến chương trình tiết kiệm mà ngân hàng đang thực hiện. “Trong mô hình Tổ tiết kiệm và vay vốn, yếu tố “tiết kiệm” được đặt lên trước. Điều này nói lên tầm quan trọng của việc tiết kiệm đối với người nghèo. Chỉ với trung bình 20 - 30 ngàn hàng tháng, có tổ trưởng đến tận nhà thu, căn cơ ra, mỗi ngày người nghèo chỉ cần bớt chi tiêu chừng suýt soát 1 ngàn đồng. Qua đó, NHCSXH TP.HCM mong muốn sẽ dần tạo được cho người dân thói quen tiết kiệm về lâu về dài. Cho người nghèo vay vốn thôi không đủ, nếu không tạo cho họ thói quen và ý thức tiết kiệm, để họ sử dụng đồng tiền lãng phí thì việc xoá nghèo sẽ rất xa vời” - ông Tiên chia sẻ.
Xác định tầm quan trọng của việc xây dựng ý thức tiết kiệm, NHCSXH TP.HCM đã luôn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, thuyết phục nhân dân, giúp dân hiểu, dân tham gia. Ban đầu, khi chương trình mới bắt đầu triển khai, cán bộ ngân hàng vấp phải không ít khó khăn từ phía người dân. Sau một thời gian dài vừa thực hiện chương trình, vừa thuyết phục và chứng minh cho người dân thấy lợi ích của việc tiết kiệm, cho đến nay, người dân tự nguyện tham gia Tổ tiết kiệm ngày càng đông.
“Chúng tôi nhận thấy rằng tiết kiệm là một nhu cầu lớn của người dân, nhưng đối với người nghèo, đối tượng khó khăn, thu nhập thấp, với số tiền ít ỏi của mình, họ không thể ra ngân hàng thương mại để gửi tiết kiệm. Vì vậy, chương trình tiết kiệm đã đáp ứng được một nhu cầu thiết thân cho người dân. Đến nay, người dân căn bản đã hiểu được rằng, việc tiết kiệm hàng ngày, hàng tháng từng ít một là điều rất nên làm, bởi nó không chỉ quan trọng ở số tiền tiết kiệm được, mà là tạo thói quen ăn sâu vào ý thức của họ, để họ biết sống cần kiệm, quý trọng đồng tiền hơn. Góp gió thành bão, qua những đợt thị sát thực tế, phía ngân hàng nhận thấy nhiều người dân đã tiết kiệm được số tiền kha khá để trả phần nào nợ, làm những việc có ích cho bản thân và gia đình…” - ông Tiên cho biết.
Ngọc Mai