Nhật sẽ có những tàu sân bay đầu tiên thời kỳ hậu chiến

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
(PLO) - Nhật Bản sẽ có các tàu sân bay đầu tiên kể từ Chiến tranh thế giới II, đồng thời sẽ mua thêm hàng chục máy bay chiến đấu nhằm đối trọng với sức mạnh quân sự đang ngày càng gia tăng của Trung Quốc.

Theo AFP, thông tin trên được đưa ra trong kế hoạch quốc phòng 5 năm được Chính phủ của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe thông qua ngày 18/12. Việc thông qua bản kế hoạch này là bước đi mới nhất trong hàng loạt các động thái của Tokyo nhằm tăng cường sức mạnh quân sự trong thời gian tới.

Theo bản kế hoạch mới, trong 5 năm tài khóa đến hết tháng 3/2024, chi tiêu quốc phòng của Nhật Bản sẽ đạt mức kỷ lục là 27,47 nghìn tỉ yên (tương đương 244 tỉ USD). Bản kế hoạch cũng kêu gọi Bộ Quốc phòng Nhật Bản nâng cấp 2 tàu khu trục lớp Izumo để có thể làm nơi cất và hạ cánh của các máy bay chiến đấu có thể cất cánh ở cự ly ngắn và hạ cánh thẳng đứng như các máy bay chiến đấu tàng hình F-35B. 

Trong một bản kế hoạch khác được Nội các Nhật Bản thông qua cùng ngày, Nhật Bản cũng cho biết, trong 10 năm tới, nước này sẽ mua 42 máy bay F-35, nhiều khả năng là phiên bản biến thể F-35B. Trong cùng giai đoạn, Nhật Bản dự kiến cũng sẽ mua 105 máy bay F-35A, một biến thể của máy bay F-35.

Truyền thông Nhật Bản đưa tin, giá trị của gói mua sắm này có thể lên đến hơn 1.000 tỉ yên (8,8 tỉ USD). Nhật Bản hiện chỉ dành 1% GDP cho quốc phòng nhưng với quy mô của nền kinh tế nước này, Nhật Bản vẫn là một trong những nước có quân đội lớn nhất thế giới.

Theo Chính phủ Nhật Bản, các bước đi trên là cần thiết trong bối cảnh các thách thức quốc phòng đang ngày càng gia tăng trong khu vực, trong đó có căng thẳng với Triều Tiên và đặc biệt là những lo ngại mạnh mẽ về sự  bành trướng quân sự của Trung Quốc.

“Chúng tôi sẽ đảm bảo cả về số lượng lẫn chất lượng cần thiết về năng lực phòng vệ nhằm thích ứng với môi trường an ninh đang thay đổi nhanh chóng. Chúng tôi tin rằng việc này nằm trong khuôn khổ hiến pháp và được hiến pháp cho phép”, Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga nói sau khi bản kế hoạch được thông qua.

Reuters cho rằng, việc Nhật Bản mua các máy bay F-35 mới cũng có thể giúp nước này tránh được một cuộc chiến tranh thương mại với Mỹ sau khi giới chức Mỹ thời gian qua cũng đã có những phát biểu đe dọa đánh thuế với mặt hàng ô tô nhập khẩu từ Nhật Bản. Trước đó, tại cuộc gặp ở Argentina hôm đầu tháng, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã cảm ơn Thủ tướng Nhật Bản Abe vì đã mua các máy bay F-35 của Mỹ.

Trong số các thiết bị do Mỹ sản xuất mà Nhật Bản dự kiến sẽ mua thời gian tới còn có 2 hệ thống radar phòng thủ tên lửa trên đất liền Aegis Ashore, 4 máy bay tiếp nhiên liệu KC-46 Pegasus của Boeing nhằm tăng cường phạm vi hoạt động của các máy bay của Nhật Bản và 9 máy bay cảnh báo sớm E-2 Hawkeye của Northrop Grumman.

Trong một diễn biến liên quan, phát biểu tại cuộc họp của Chính phủ Nhật Bản bàn về tăng cường năng lực và cơ cấu Lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản (JCG) ngày 18/12, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cho biết, thời gian tới, Nhật Bản sẽ tăng cường liên kết giữa các bộ, ngành có liên quan, đồng thời đẩy mạnh hợp tác với các đối tác nước ngoài để hình thành trật tự quốc tế trên biển, qua đó góp phần thực hiện Tầm nhìn Ấn Độ Dương- Thái Bình Dương tự do và rộng mở.

Kể từ năm 2019, Nhật Bản cũng sẽ triển khai thêm nhiều loại tàu tuần tra cỡ lớn và máy bay thế hệ mới để tăng cường bảo vệ chủ quyền lãnh hải, nhất là khu vực quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư. 

Tin cùng chuyên mục

Đọc thêm

Thúc đẩy chuyển giao công nghệ, tri thức bán dẫn từ Nhật Bản sang Việt Nam

Hình ảnh tại hội thảo.
(PLVN) - Hội thảo nhằm thúc đẩy chuyển giao công nghệ, tri thức về ngành sản xuất chất bán dẫn từ Nhật Bản sang Việt Nam, hỗ trợ phát triển năng lực chuyên môn, nghiên cứu của nguồn nhân lực chất lượng cao tại Việt Nam; tạo ra các cơ hội việc làm, thực tập và đào tạo cho sinh viên và các chuyên gia Việt Nam tại Nhật Bản...

Ưu điểm 'xe tăng tốt nhất thế giới' của Nga

Một mẫu xe tăng hiện đại hoá từ nguyên mẫu T-72 của Nga.
(PLVN) - Dù có thiết kế rất đơn giản nhưng xe tăng chiến đấu chủ lực T-72 của Nga là xe tăng tốt nhất thế giới, hãng tin Sputnik dẫn lời nhà báo Brandon Weichert trên ấn phẩm The National Interest (TNI) của Mỹ khẳng định.

Vì sao UNESCO khuyến nghị bảo tồn di sản nghe nhìn?

Hoạt động kiểm kê phim tại Kho lưu trữ UNESCO. (Ảnh: UNESCO)
(PLVN) - Di sản nghe nhìn là những tư liệu quý giá về lịch sử, văn hóa và sự phát triển của con người. Tuy nhiên, sự phát triển nhanh chóng của công nghệ số cùng với các nguy cơ tự nhiên và nhân tạo đang đe dọa sự tồn tại của các tài liệu này. Nhận thức được điều đó, UNESCO đã không ngừng thúc đẩy các sáng kiến bảo tồn di sản nghe nhìn, nhằm đảm bảo tính bền vững và khả năng tiếp cận cho các thế hệ tương lai.