Không thể phủ nhận, ở lĩnh vực phim truyền hình, thi thoảng khán giả cũng bắt gặp một số bài hát hay, có chất. Có thể kể đến vài bài hát ghi dấu ấn trong thời gian qua như “Cả một trời thương nhớ” (phim Cả một đời ân oán), “Bên em là anh” (Hậu duệ mặt trời), “Hạnh phúc mong manh” (Sống chung với mẹ chồng), “Lặng yên” (Lặng yên dưới vực sâu)...
Tuy nhiên, nếu tính về tổng thể thì nhạc trong phim truyền hình vẫn còn khá “chậm phát triển” so với xu thế âm nhạc chung và xu thế phim truyền hình các nước.
Nếu như ở phim điện ảnh, những năm gần đây các nhà làm phim đầu tư khá mạnh vào phần nhạc thì phim truyền hình hầu như vẫn còn bỏ bê, chưa đánh giá đúng mức quan trọng của âm nhạc trong phim.
Kết quả là ở nhiều bộ phim, phần âm nhạc chỉ xuất hiện “cho có”, không những không đem lại cảm xúc cho khán giả, mà còn làm giảm chất lượng phim. Sự thờ ơ với âm nhạc cũng dẫn đến việc người làm phim không có sự đầu tư hợp lý vào âm nhạc trong phim, cũng như dễ dãi trong tiếp nhận.
Nhiều đạo diễn giao hẳn phần nhạc cho những người tay ngang trong nghề, hoặc các studio giá rẻ, sản xuất âm nhạc kiểu công nghiệp. Đó là nguyên nhân cho các bài hát “đầu Ngô, mình Sở”, hoặc phim một đường, nhạc một nẻo bị khán giả phản ứng thời gian qua.
Cạnh đó, trong khi không chú trọng về chất lượng, nhiều nhà làm phim lại đầu tư cho... số lượng bài hát. Có những bộ phim truyền hình có đến 3, 4 bài hát khác nhau, nào là bài hát chủ đề, bài hát phân cảnh, bài hát kết thúc phim và bài nào chất lượng cũng kệ, cũng thiếu gắn kết với phim.
Thông thường, các đạo diễn phim điện ảnh có sự trau chuốt đối với âm nhạc, không chỉ ở khâu chọn nhạc sĩ, xây dựng bài hát, mà còn bố cục bài hát trong mỗi cảnh. Phim truyền hình đa số thiếu đi sự tinh tế này. “Bội thực nhạc” là cảm giác của nhiều khán giả, khi bài hát trong phim vừa không hay vừa xuất hiện tràn lan, không chủ đích hoặc sai thời điểm, gây ảnh hưởng đến mạch phim, đến cảm xúc người xem.
Nhìn ra các nền điện ảnh khu vực, có thể thấy sự khác biệt trong đầu tư âm nhạc trong phim. Phim truyền hình Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái Lan... đều cho thấy sự đầu tư, chỉn chu trong âm nhạc. Nhiều bài hát trong phim đã trở nên “bất hủ” có sức sống không chỉ trong phim.
Hiện nền điện ảnh giữa các nước trong khu vực đã có sự giao thoa mạnh mẽ. Phim truyền hình của chúng ta những năm gần đây chất lượng được nâng cao với đề tài phong phú, sát thực tế, cách thể hiện hấp dẫn...
Nhưng để hoàn thiện về chất lượng, có lẽ cần đến sự kĩ lưỡng, nghiêm túc và tinh tế hơn nữa. Có như thế, phim truyền hình mới đủ tầm để chinh phục khán giả nội địa một cách bền vững và mở rộng thị phần ra các nước