Buổi lễ có sự tham dự của khoảng 300 khách, bao gồm cả các bộ trưởng, lãnh đạo của cả 2 viện trong Quốc hội Nhật Bản, các thẩm phán Tòa án tối cao cũng như các thống đốc tỉnh.
Trong bài phát biểu ngắn gọn tại lễ thoái vị, Nhật hoàng Akihito tuyên bố kết thúc bổn phận của một vị Hoàng đế.
"Kể từ khi lên ngôi cách đây 30 năm, tôi đã thực hiện bổn phận của Hoàng đế với niềm tin và sự kính trọng dành cho người dân, và tôi tự thấy mình là người may mắn nhất để có thể làm được như vậy. Tôi xin chân thành cám ơn người dân, những người đã công nhận và ủng hộ tôi trong vai trò là biểu tượng của quốc gia”, Nhật hoàng Akihito nói.
Trước bài phát biểu cuối cùng của vị Hoàng đế 85 tuổi, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã đại diện cho công chúng cảm ơn Nhà vua.
Vào tối nay, Nhật hoàng sẽ trao lại 3 báu vật thiêng liêng thường được gọi là "Tam chủng thần khí" gồm thanh gươm Kusanagi no Tsurugi, chiếc gương Yata no Kagami và viên ngọc Yasakani no Magatama, chính thức kết thúc triều đại của ông.
Trước đó, sáng nay, Nhật hoàng Akihito đã thực hiện các nghi thức cuối cùng trong cung điện để báo cáo về sự thoái vị của mình với tổ tiên.
Mặc một chiếc áo choàng màu cam sẫm, Nhật hoàng Akihito đã đến thăm các khu bảo tồn trong khuôn viên cung điện, bao gồm Kashikodokoro - một ngôi đền thờ Nữ thần mặt trời Shinto Amaterasu, người mà hoàng tộc Nhật được cho là hậu duệ.
Ông cũng báo cáo với tổ tiên rằng buổi lễ thoái vị của ông sẽ được tổ chức vào cuối ngày. Khi thực hiện các nghi lễ quan trọng, một hoàng đế Nhật Bản đã mặc một bộ trang phục tên là Korozen no goho có từ thế kỷ thứ 9.
Một số thành viên của hoàng tộc, bao gồm Thái tử Naruhito và Hoàng tử Fumihito, 53 tuổi và vợ là Công chúa Kiko, 52 tuổi, tham dự các nghi thức kéo dài khoảng 1 giờ này.
Người dân Nhật Bản theo dõi thông tin về lễ thoái vị của Nhà vua Akihito. |
Hoàng đế Akihito sẽ chính thức thoái vị vào đêm nay (30/4) và không còn tham gia vào các nhiệm vụ chính thức. Thái tử Naruhito, 59 tuổi, sẽ chính thức kế vị tại một buổi lễ được tổ chức vào sáng mai (1/5).
Việc thoái vị của Nhật hoàng Akihito cũng đánh dấu sự chấm dứt kỷ nguyên Heisei (Bình Thành), mở ra triều đại Reiwa (Lệnh Hòa).
Năm 1989, Nhật hoàng Akihito trở thành quốc vương đầu tiên của Nhật Bản lên ngôi theo Hiến pháp sau chiến tranh, trong đó nêu rõ hoàng đế là “biểu tượng của quốc gia” nhưng không có quyền lực chính trị.
Dù trời mưa nhưng một số người dân Nhật Bản cũng đã tập trung trước cung điện để kỷ niệm ngày cuối cùng của triều đại Heisei. |
Trong 30 năm trị vì, Nhật hoàng và Hoàng hậu đã tới thăm tất cả 47 tỉnh, thành ở Nhật Bản để tìm hiểu về cuộc sống của người dân địa phương.
Nhật hoàng và Hoàng hậu được người dân nước này quý mến vì sự gắn kết với người dân. Họ luôn cố gắng có mặt nhanh nhất ở mức có thể tại các khu vực bị tàn phá bởi thiên tai để chia buồn với gia đình các nạn nhân, ân cần thăm hỏi, an ủi những người còn sống và động viên lực lượng cứu hộ.
Bên cạnh đó, Nhật hoàng và Hoàng hậu đã có các chuyến thăm chính thức tới 28 quốc gia trên thế giới, trong đó có chuyến thăm chính thức Việt Nam vào tháng 3/2017.
Thông qua các chuyến thăm nước ngoài và các cuộc gặp với các gia đình hoàng gia và các nguyên thủ quốc gia, Nhật hoàng và Hoàng hậu đã góp phần không nhỏ vào việc củng cố quan hệ hữu nghị giữa Nhật Bản và các nước trên thế giới.