Nhật Bản định hợp thức hóa sòng bạc để cứu nền kinh tế

Takuto Saito đang điều khiển trò cò quay trên chiếc bàn mày xanh với 37 ô đặt cược
Takuto Saito đang điều khiển trò cò quay trên chiếc bàn mày xanh với 37 ô đặt cược
(PLO) - Bất chấp nhiều ý kiến phản đối, chính quyền của Thủ tướng Shinzo Abe coi kinh doanh sòng bạc là một phần trong chiến lược thúc đẩy kinh tế.

Takuto Saito, học việc chia bài ở một trường đào tạo nghề sòng bạc chuyên nghiệp ở Tokyo, nói dõng dạc: "Hãy quay đi. Hãy đặt cược nào". Saito đang học cách điều khiển một bàn cò quay roulette, một trong những trò thông dụng tại các sòng bạc, gồm một vòng quay và một bàn số để người chơi đặt cược.

Chàng trai 24 tuổi này chưa từng đặt chân vào bất cứ sòng bạc nào và anh đang đặt cược vào một ván bài sự nghiệp lớn khi trông chờ chính phủ Nhật Bản sớm thông qua luật cho phép các sòng bạc hoạt động, tạo ra cơ hội việc làm cho những người chia bài chuyên nghiệp như anh. 

Xòe bàn tay dưới máy quay phim giả lắp trên trần nhà để chứng minh mình không giấu thứ gì trong tay áo, Saito cho biết anh thích quan sát thái độ của người chơi và thích không khí căng thẳng bên bàn đặt cược. 

"Số lượng học viên chỗ chúng tôi đã tăng gấp đôi so với năm ngoái", ông Masayoshi Oiwane, chủ của trường đào tạo nghề sòng bạc, cho biết. "Chúng tôi chưa từng thấy động lực lớn như thế này". 

Nhật Bản từ lâu là một trong các quốc gia phát triển cấm các doanh nghiệp kinh doanh sòng bạc. Vào cuối năm 2016, Quốc hội Nhật Bản ban hành một dự luật gây nhiều tranh cãi, cho phép kinh doanh sòng bạc tại các khu nghỉ dưỡng. Và Hạ viện Nhật hôm 19/6 chính thức thông qua dự luật này, ngay lập tức "bật đèn xanh" cho việc xây dựng ba khu tích hợp sòng bạc, trung tâm hội nghị, khách sạn, nhà hàng và khu vui chơi giải trí. 

Trong những năm gần đây, ngành kinh doanh sòng bạc đang dịch chuyển dần trọng tâm sang châu Á và thị trường Nhật Bản lọt tầm ngắm của các tập đoàn lớn như là "mảnh đất màu mỡ" nhất khu vực. Bên cạnh dân số giàu có và tỉ lệ người chơi các trò cá độ như đua ngựa thuộc hàng cao trên thế giới, Nhật Bản còn gần thị trường Trung Quốc đầy tiềm năng.

Các học viên thực hành tại trường đào tạo nghề liên quan đến sòng bạc ở Tokyo.
Các học viên thực hành tại trường đào tạo nghề liên quan đến sòng bạc ở Tokyo.

Các nhà phân tích ước tính ngành công nghiệp sòng bạc có thể mang về cho kinh tế Nhật Bản từ 18 đến 34 tỷ USD mỗi năm. Tổng mức thuế các sòng bạc phải đóng cho chính quyền trung ương lẫn địa phương lên tới 30% của doanh thu hàng năm. 

Bất chấp nhiều ý kiến phản đối, chính quyền của Thủ tướng Shinzo Abe coi kinh doanh sòng bạc là một phần trong chiến lược thúc đẩy du lịch, kết hợp dịch vụ đánh bạc với mua sắm xa xỉ, lưu trú khách sạn hạng sang, giống như mô hình của Singapore và Macau từng thực hiện thành công.  

Toru Mihara, một chuyên gia tại đại học thương mại Osaka, nhận định một khu phức hợp kết hợp dịch vụ nghỉ dưỡng với sòng bạc, có thể tạo ra hàng chục nghìn việc làm và "tác động lớn tới kinh tế địa phương".

"Du khách tới và tiếp 'sinh lực' cho nhiều vùng", chuyên gia Mihara gợi ý chính phủ triển khai dịch vụ thêm du lịch kết hợp hội nghị và triển lãm. "Đây có thể là một ngành kinh tế mới và chủ lực của Nhật Bản". 

Sau khi Thượng viện thông qua dự luật vào cuối tháng này, các địa phương sẽ chính thức bước vào cuộc đua giành quyền trở thành địa điểm xây dựng ba khu phức hợp du lịch kể trên. Dù chưa rõ tiến độ cũng như yêu cầu bỏ thầu, các chính quyền địa phương đã bắt đầu công cuộc tìm kiếm nhà đầu tư tiềm năng, trong số đó có hai "ông lớn" trong ngành sòng bạc là Las Vegas Sands và MGM Resorts. Hai tập đoàn này đã đề nghị mức đầu tư lên tới 10 tỷ USD vào một dự án ở phía tây thành phố Osaka. 

Một vài công ty kinh doanh sòng bạc khác cũng đã thuê lao động người Nhật làm việc ở các chi nhánh ở nước ngoài như một bước đi chuẩn bị nhân lực cho thị trường Nhật Bản trong 5-6 năm tới. 

Tuy Nhật chưa hợp pháp hóa sòng bạc, cá độ vốn từ lâu đã là một vấn đề xã hội nan giải. Một điều tra năm 2017 của chính phủ cho thấy khoảng 3,2 triệu người Nhật, tương đương gần 3% dân số, nghiện cờ bạc.

Một hình thức giải trí ăn thua rất được ưa chuộng tại Nhật là máy chơi có thưởng pachinko. Mỗi năm doanh thu từ các máy chơi trò chơi có thưởng tạo ra là 196 tỷ USD. 

Pachinko có rất nhiều loại máy khác nhau nhưng cách chơi giống nhau. Tại Nhât Bản, những chiếc máy pachinko có mặt ở khắp mọi nơi, nhiều nhất là ở các ga tàu điện ngầm. Phần thưởng thường là các vật dụng như xà phòng, bàn chải đánh răng, tất, túi xách, mỹ phẩm và người chơi có thể lách luật đổi thưởng thành tiền mặt. 

Ngoài ra, Nhật Bản còn có một thị trường đua ngựa, đua xe máy, thuyền và xe đạp trị giá 78 tỷ USD do nhà nước kiểm soát, cùng với các hoạt động cá cược bóng đá và xổ số. 

Những người phản đối dự luật casino cho rằng chính phủ cố tình lờ đi vấn nạn nghiện cờ bạc. Theo bà Noriko Tanaka, người đứng đầu tổ chức xã hội chuyên giúp người nghiện cờ bạc, các sòng bạc dễ dàng cho người chơi vay tiền mà không bắt họ chứng minh khả năng tài chính. Điều này khiến con bạc càng lún sâu vào vòng tròn luẩn quẩn ăn thua, đánh bạc để trả nợ. 

Để ngăn chặn nạn cờ bạc trong nước, các nhà làm luật đưa ra giải pháp áp mức phí vào cửa 55 USD đối với công dân Nhật và hạn chế số lần vào chơi bạc ở mức tối đa 10 lần mỗi tháng. 

Saito, chàng thanh niên học việc chia bài, cho rằng những ý kiến phản đối sẽ lắng dịu ngay khi các sòng bạc bắt đầu hoạt động. "Tôi nghĩ người Nhật nghĩ quá tiêu cực về cờ bạc. Còn tôi lại có quan điểm tích cực". 

Đọc thêm

'Phát triển kinh tế thể thao: Đổi mới sáng tạo đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững'

'Phát triển kinh tế thể thao: Đổi mới sáng tạo đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững'
(PLVN) - Trường Đại học Thể dục thể thao Bắc Ninh vừa phối hợp với Trường Đại học TDTT Thượng Hải, Trung Quốc và Trường Đại học Sư phạm - Đại học Quốc gia Seoul, Hàn Quốc đồng tổ chức thành công Hội nghị Khoa học quốc tế với chủ đề “Phát triển kinh tế thể thao: Đổi mới sáng tạo đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững”.

2 sự kiện quốc tế đáng chú ý tuần này

2 sự kiện quốc tế đáng chú ý tuần này
(PLVN) - Tuần này, thế giới hướng tới hai ngày lễ quan quan trọng của Liên Hợp Quốc: Ngày Di dân Quốc tế (18/12) tôn vinh những đóng góp của người di cư và Ngày Quốc tế Đoàn kết Nhân loại (20/12) ) kêu gọi sự thống nhất và chia sẻ để xóa đói giảm nghèo.