Nhật Bản: Báo động tình trạng người trẻ tự tử

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
(PLO) - Báo cáo mới đây của Chính phủ Nhật Bản cho thấy số người trẻ tự tử ở nước này trong năm 2017 đã tăng lên mức cao nhất trong vòng 30 năm trở lại đây.

Theo New York Times, tự tử là vấn đề mà Nhật Bản từ lâu phải đối mặt dù số những người dân ở nước này tự tước đi mạng sống của mình đã có xu hướng giảm trong những năm gần đây. Tuy nhiên, ngược với xu hướng đó, số vụ tự tử ở học sinh của Nhật Bản lại đang gia tăng.

Theo báo cáo mới nhất do Bộ Giáo dục Nhật Bản công bố, trong năm 2017 đã có 250 học sinh từ tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông, ở nước này tự sát. Con số này nhiều hơn 5 trường hợp so với thống kê của năm 2016 và là mức cao nhất kể từ năm 1986, khi số trường hợp tự tử ở học sinh Nhật Bản lên đến 268 người.

“Tình trạng học sinh tự tử đang tiếp tục tăng cao. Đây là vấn đề đáng báo động mà chúng ta phải giải quyết”, Bộ trưởng Giáo dục Nhật Bản Noriaki Kitazaki tuyên bố.

Theo khảo sát của Bộ Giáo dục Nhật Bản, đa số các trường hợp tự tử ở học sinh là những học sinh trung học. Hầu hết các học sinh không để lại lý giải về nguyên nhân tự tử. Tuy nhiên, trong số các trường hợp xác định được lý do, nguyên nhân khiến các em tự tử phổ biến nhất là do lo lắng về con đường tương lai sau khi tốt nghiệp. Những lý do khác được liệt kê bao gồm các vấn đề gia đình và việc bị bắt nạt.

Trước đó, một khảo sát riêng rẽ do Văn phòng Nội các Nhật Bản thực hiện năm 2015 cho thấy số vụ tự tử ở trẻ em thường có xu hướng tăng cao nhất vào dịp 1/9, có thể là do các học sinh thường cảm thấy bị áp lực về chuyện học hành sau kỳ nghỉ hè. Theo Bộ phúc lợi Nhật Bản, tự tử là nguyên nhân tử vong hàng đầu trong người từ 15 đến 19 tuổi ở nước này.

New York Times cho biết, dù tình trạng tự tử ở người trẻ không phải là vấn đề riêng ở Nhật Bản nhưng các bệnh về tâm thần lại không phải là chủ đề có thể dễ dàng đưa ra để thảo luận ở Nhật. Điều này khiến những đứa trẻ và những người đang bước vào tuổi niên thiếu gặp nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm sự giúp đỡ khi bị trầm cảm hay gặp rắc rối. Cùng với đó, các chuyên gia cũng cho rằng trẻ em Nhật Bản hiện không nhận được sự hỗ trợ từ gia đình nhiều như các thế hệ trước đây, khi mô hình gia đình nhiều thế hệ sống cùng nhau đã có những thay đổi.

Về phía nhà trường, theo các chuyên gia, các trường học thường không có được các điều kiện cần thiết để có thể xử trí các vấn đề về tâm lý ở học sinh trong khi việc giáo dục về các bệnh tâm thần nói chung cũng còn thiếu. “Các giáo viên thường bận rộn nên nhiều khi họ không thể xử lý tốt từng trường hợp học sinh”, ông Yuki Kubota – một giáo sư về tâm lý học tại Trường Đại học Kyushu Sangyo - cho biết.

Theo CNN, trong năm 2017, số ca tự sát trên toàn Nhật Bản là 21.321 trường hợp. Cơ quan Cảnh sát Quốc gia của Nhật Bản cho biết, 2003 là năm có số trường hợp tự sát cao nhất Nhật Bản với 34.427 người. Trước tình trạng này, Chính phủ của Thủ tướng Shizo Abe năm 2016 đã công bố các biện pháp ngăn chặn nhằm giảm 30% số trường hợp tự sát tại nước này, trong đó chú trọng vào người trẻ tuổi. Nhờ đó, tỉ lệ người tự tử ở nước này đã có xu hướng giảm trong vài năm gần đây. 

Đọc thêm

Nghề giáo bốn phương

Giải thưởng Nhà giáo Ghana 2024 là một trong những giải thưởng cao quý nhất để công nhận, tôn vinh những đóng góp của các giáo viên khắp cả nước này. (Ảnh: UNICEF)
(PLVN) - Giáo viên tại các quốc gia đang phát triển thường xuyên đối diện với nhiều thách thức lớn như nghèo đói, thiếu hụt nguồn lực, lớp học quá tải, điều kiện công nghệ hạn chế. Tuy nhiên, họ vẫn luôn kiên trì và tận tâm, không ngừng nỗ lực vượt qua mọi khó khăn để mang lại tri thức và hy vọng cho từng học sinh, dù cho điều đó đôi khi vượt xa trách nhiệm công việc của họ.

Nghề độc đáo ở Nhật Bản: Ra sức 'nhồi nhét' khách lên tàu, mỗi năm thu nhập trên 800 triệu đồng

 Số lượng người dân đi tàu điện ngầm ở Nhật Bản lúc nào cũng quá tải. (Ảnh: Japan Insider)
(PLVN) - Nhật Bản vốn nổi tiếng là đất nước sử dụng tàu điện ngầm là phương tiện giao thông chính và quan trọng, phục vụ hàng triệu người mỗi ngày. Với hệ thống tàu điện hiện đại, hiệu quả và có mặt khắp các thành phố lớn, việc sử dụng tàu điện là cách tốt nhất để di chuyển trong và ngoài thành phố.

Úc cấm trẻ em dưới 16 tuổi sử dụng mạng xã hội

Hình minh họa
(PLVN) - Chính phủ Úc vừa cam kết sẽ ban hành luật giới hạn độ tuổi sử dụng mạng xã hội là 16 tuổi, kèm theo hình phạt cho các nền tảng không tuân thủ. Tuy nhiên, vẫn chưa rõ làm thế nào để các ông lớn công nghệ như Facebook, Instagram, TikTok... có thể thực thi hiệu quả quy định này.