Ít khách có phải là nguyên nhân các doanh nghiệp gặp khó?
Với mục tiêu giảm đến mức tối thiểu tình trạng kẹt xe, chính quyền TP HCM trong những năm gần đây quyết tâm đẩy mạnh phát triển các loại hình giao thông công cộng, trong đó xe buýt là ưu tiên số 1.
Để khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này, hàng năm thành phố duyệt chi hơn 1.1 00 tỷ đồng để trợ giá. Như “mở cờ trong bụng”, nhiều doanh nghiệp tập trung đầu tư mua xe, mở thêm tuyến để phục vụ hành khách. Thế nhưng, chỉ sau một thời gian ngắn, các doanh nghiệp ngậm ngùi xin đóng tuyến với lý do “không có khách”.
Là một trong những đơn vị vận tải tiên phong trong việc phát triển hệ thống xe buýt nội đô, thế nên sau khi thành phố có chủ trương và có cơ chế trợ giá hợp lý, Hợp tác xã (HTX) Vận tải 19-5 đã đầu tư nhiều phương tiện, mở thêm nhiều tuyến mới. Thế nhưng, chỉ một thời gian ngắn, đơn vị này đã xin đóng tuyến.
Trong đơn xin đóng tuyến 41 (chạy tuyến Bến xe An Sương - Bến xe Miền Đông) gửi Sở GTVT và Trung tâm Quản lý giao thông công cộng (GTCC) thành phố mới đây, đại diện HTX Vận tải 19-5 cho biết lý do là do lượng hành khách sử dụng xe buýt liên tục giảm, đến cuối năm 2019 hệ số sử dụng trọng tải chỉ đạt 0,54 trên mỗi chuyến xe, nghĩa là trung bình một chuyến xe chỉ dưới 20 hành khách sử dụng (đạt 50% so với hệ số sử dụng xe là 40 hành khách).
Từ số lượng hành khách quá thấp đã dẫn đến doanh thu của HTX giảm mạnh, không đủ chi phí nhiên liệu, lương trả cho tiếp viên, kinh phí tu bổ sửa chữa xe.
“Nhập nhèm” trong việc quản lý tiền trợ giá khiến xe buýt thành phố lao đao ( Ảnh minh họa)
Theo tính toán của HTX Vận tải 19-5, để trả tiền lãi cho ngân hàng (vay mua xe), hàng tháng các xã viên phải chi ra hàng tỷ đồng.
Không chỉ tuyến 41 của HTX 19-5, nhiều tuyến xe buýt khác ở TP HCM cũng xin đóng tuyến như tuyến xe buýt số 56 (Bến xe Chợ Lớn - Trường đại học Giao thông vận tải) và tuyến xe buýt số 14 (Bến xe Miền Đông - Bến xe Miền Tây)…
Hầu hết những doanh nghiệp vận tải tham gia vào mục tiêu phát triển xe buýt ở TP HCM là những người có kinh nghiệm và chắc chắn họ đã điều tra rất kỹ lượng hành khách, nhu cầu di chuyển lẫn tâm lý khách hàng...trước khi đầu tư và mở tuyến.
Do đó, việc các doanh nghiệp “than” ít khách để xin đóng tuyến không thể là nguyên nhân chính. Vậy nguyên chính, “nút thắt” của vấn đề thực sự nằm ở đâu? Nó- “nút thắt”- không nằm ở đâu xa, nó nằm ngay ở cơ chế, cách quản lý và điều phối số tiền trợ giá hơn 1.100 tỷ đồng của thành phố.
“Nhập nhèm” trong việc quản lý tiền trợ giá khiến xe buýt thành phố lao đao ( Ảnh minh họa)
Về vấn đề này, phát biểu với báo chí, ông Phùng Đăng Hải (Chủ tịch Hội đồng quản trị Liên hiệp HTX xe buýt TP HCM) phân tích, tình hình trợ giá cho xe buýt từ năm 2017 đến hết năm 2019 không còn thỏa đáng vì kinh phí trợ giá không đủ chi phí tối thiểu cho xe buýt hoạt động.
Đơn cử, kinh phí trợ giá cho tuyến 14 (Bến xe Miền Đông - Bến xe Miền Tây) do đơn vị khai thác trong tám tháng của năm 2019 là 80.492 đồng/chuyến (kể cả chi phí chênh lệch nhiên liệu) và từ tháng 9 đến tháng 12-2019 giảm xuống còn 58.190 đồng/chuyến (kể cả chi phí chênh lệch nhiên liệu).
Trong khi đó, mức khoán doanh thu 18% theo kỳ vọng của Trung tâm Quản lý giao thông công cộng áp cho các đơn vị vận tải là quá cao mà thực tế sản lượng hành khách lại giảm sẽ kéo theo doanh thu giảm và các HTX sẽ “hụt hơi” chạy theo mức khoán doanh thu.
Doanh nghiệp lao đao, Sở GTVT vẫn tìm cách xin thêm ngân sách
Mặc cho các doanh nghiệp kinh doanh xe buýt đang lâm vào cảnh khó khăn đến mức phải đóng tuyến, gánh nợ ngân hàng tiền tỷ do việc trợ giá không hợp lý, giải ngân trợ giá chậm. Thế nhưng, Sở Giao thông Vận tải TP HCM vẫn liên tục xin bổ sung thêm tiền trợ giá từ ngân sách.
Cụ thể, mới đây, Sở Giao thông Vận tải TP HCM có văn bản gửi Sở Tài chính đề xuất điều chỉnh, bổ sung dự toán chi ngân sách trợ giá xe buýt năm 2020 thêm 161 tỉ đồng, nâng lên 1.311 tỉ đồng (làm tròn).
Theo lý giải của đơn vị này, hiện hàng năm thành phố có tổng cộng 4,5 triệu chuyến xe, sau khi cập nhật giá nhiên liệu và tính toán sản lượng, doanh thu (với tỉ lệ tăng trưởng kỳ vọng bình quân 10% so với năm ngoái), tổng dự toán chi trợ giá cho xe buýt phổ thông năm nay là 1.178 tỉ đồng (làm tròn).
Trong khi với dự toán chi ngân sách trợ giá cho hoạt động đưa rước học sinh, sinh viên, phí dự phòng do phát sinh biến động giá nhiên liệu, tiền lương, mức dự toán mới mà Sở GTVT đưa ra giảm 83 tỉ đồng so với thẩm định của Sở Tài chính trước đó, còn lại là 110 tỉ đồng.
Tuy nhiên, theo Sở GTVT, dịch Covid-19 vừa qua đã tác động lớn đến hệ thống xe buýt, khiến khối lượng vận chuyển hành khách không thể thực hiện đủ theo kế hoạch. Vì vậy trong giai đoạn bị ảnh hưởng, Sở GTVT đề xuất hỗ trợ cho các đơn vị vận tải xe buýt tổng cộng hơn 22,5 tỉ đồng.
Sau khi rà soát toàn bộ các vấn đề nêu trên, có những mục giảm và mục tăng, vì vậy Sở GTVT cập nhật lại tổng dự toán chi ngân sách trợ giá xe buýt tại TP HCM năm 2020 phải bổ sung thêm 161 tỉ đồng, tức tăng lên 1.311 tỉ đồng. Sở GTVT kiến nghị Sở Tài chính thẩm định thống nhất dự toán chi ngân sách trợ giá xe buýt năm 2020 theo mức mới cập nhật, qua đó báo cáo UBND TP xem xét bổ sung dự toán chi ngân sách thêm 161 tỉ đồng cho trợ giá xe buýt năm nay.
Sở GTVT cũng nêu vấn đề nếu dự toán ngân sách trợ giá xe buýt năm 2020 vẫn ở mức 1.150 tỉ đồng như giao dự toán trước đó thì hệ thống xe buýt chỉ hoạt động đến khoảng giữa tháng 11, hoặc phải giảm xuống còn 85% số chuyến theo kế hoạch giai đoạn từ ngày 1-7 đến 31-12 năm nay (trong đó phải ngưng một số tuyến).
Là một người từng nhiều năm gắn bó với giao thông thành phố, ông Văn Công Điểm (nguyên Phó trưởng Phòng Quản lý vận tải Sở GTVT TP.HCM) chia sẻ với báo chí về vấn đế này. Ông cho biết, “mấu chốt vấn đề là do Sở GTVT chậm phê duyệt kinh phí đặt hàng trên từng tuyến xe buýt, nếu thực hiện nghiêm túc thì cuối tháng 1 hàng năm sẽ hoàn thành xong công tác đặt hàng khai thác trên các tuyến xe buýt có trợ giá phổ thông”.
Theo quy định hiện hành, ngay khi UBND TP.HCM giao Dự toán Ngân sách vào tháng 12 của năm trước, thì Sở GTVT phải lập tức phê duyệt kinh phí đặt hàng trên từng tuyến xe buýt, để trên cơ sở đó Trung tâm mới tiến hành các thủ tục thương thảo hợp đồng với các đơn vị vận tải, nhưng Sở GTVT không phê duyệt ngay, có năm đến ngày 15 tháng 8 mới phê duyệt kinh phí đặt hàng!.
Nghịch lý ở chỗ, nguồn tiền trợ giá thì nằm ở Kho bạc, đơn vị vận tải thì không nhận đủ tiền trợ giá dẫn đến hụt hơi, còn Sở GTVT thì đi xin thêm tiền trợ giá! Câu hỏi đặt ra là Sở GTVT không phê duyệt kinh phí đặt hàng để Trung tâm thương thảo hợp đồng với các đơn vị vận tải thì làm sao Sở GTVT biết thiếu tiền mà xin! – đã làm cho dư luận nghi ngờ có sự nhập nhèm trong phân phát tiền trợ giá xe buýt./.
Dư luận cần minh bạch trong khoản “xin thêm” 161 tỷ đồng
Nói về khoản “xin thêm” trị giá 161 tỷ đồng, ông Văn Công Điểm cho biết thêm, việc vận tải hành khách bằng xe buýt cũng như xe khách tuyến cố định đều bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, nhưng Sở GTVT lại yêu cầu xe khách tuyến cố định giảm giá vé do giá dầu giảm. Trong khi không giảm giá vé, Sở GTVT còn đi xin thêm 161 tỷ đồng trợ giá xe buýt, chưa tính trừ bớt trợ giá của tháng 4 vì xe buýt ngưng hoạt động. Đây là một nghịch lý, khiến dư luận nghi ngờ có vấn đề trong việc đề xuất xin khoản kinh phí.