AFP dẫn lời Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson cho biết động thái của Mỹ diễn ra sau khi một loạt các nhà ngoại giao của nước này bỗng nhiên gặp phải các triệu chứng kỳ lạ về sức khỏe mà nguyên nhân được cho là do “những vụ tấn công bằng âm thanh”.
Trong đó, ít nhất 21 thành viên của phái đoàn ngoại giao Mỹ tại Havana và một số ít nhà ngoại giao người Canada đã bị tổn thương não và mất thính lực, bao gồm một số bị mất thính lực vĩnh viễn. Một số người bị tổn thương đã được đưa về Mỹ để điều trị còn một số được điều trị ngay tại Cuba.
Các vụ việc này bắt đầu từ năm ngoái và vụ việc mới nhất được ghi nhận vào hồi tháng 8 vừa qua nhưng giới chức Mỹ mới chỉ phàn nàn về tình hình với các quan chức Cuba từ tháng 2 vừa qua.
Bên cạnh đó, hồi tháng 5 vừa qua, Mỹ cũng đã trục xuất 2 nhà ngoại giao Cuba khỏi nước này.
Đến nay, Đại sứ quán Mỹ tại Cuba vẫn mở cửa và giới chức Mỹ dù không trực tiếp cáo buộc nhưng đã cảnh báo Cuba về trách nhiệm đối với sự an toàn của các nhà ngoại giao Mỹ ở nước này.
Trong bối cảnh số người bị thương vẫn tiếp tục tăng lên và Mỹ vẫn chưa nhận được câu trả lời về vụ việc được nước này cho là “chưa từng có tiền lệ”, một số nhà làm luật Mỹ đã kêu gọi đóng cửa đại sứ quán.
Khi được hỏi về vấn đề này, Ngoại trưởng Mỹ Tillerson đã không loại trừ khả năng lại đóng cửa tòa đại sứ.
“Chúng tôi đang cân nhắc đề xuất này. Đây là một vấn đề rất nghiêm trọng nếu xét trên mức độ tổn hại mà một số cá nhân đang phải chịu đựng”, ông nói.
Theo một số quan chức Mỹ, họ cho rằng một loại thiết bị âm thanh nào đó đã được sử dụng nào để khiến các nhân viên ngoại giao của họ bị thương.
Tuy nhiên, Cuba đã phủ nhận có liên quan đến các cuộc tấn công bí ẩn trên. Chủ tịch Cuba Raul Castro cũng cam kết Cuba không đứng sau vụ việc. Bộ Ngoại giao Cuba cũng khẳng định đang hợp tác với giới chức Mỹ để điều tra sự cố.