Nhân rộng mô hình cấp cứu tại cộng đồng

Diễn tập sơ cấp cứu nhằm tuyên truyền nâng cao nhận thức, phổ biến kiến thức, kỹ năng sơ cấp cứu cho người dân. (Nguồn ảnh: Hội CTĐVN)
Diễn tập sơ cấp cứu nhằm tuyên truyền nâng cao nhận thức, phổ biến kiến thức, kỹ năng sơ cấp cứu cho người dân. (Nguồn ảnh: Hội CTĐVN)
0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Cấp cứu ngoại viện rất quan trọng để cứu người bệnh. Tại nhiều quốc gia trên thế giới, không chỉ nhân viên y tế mới biết cấp cứu ngừng tuần hoàn, sơ cứu người bị nạn, mà người dân cũng được đào tạo sơ cứu. Bởi khi càng có nhiều người có kiến thức sơ cứu, các ca tai nạn trong cộng đồng càng có cơ hội được cứu sống nhiều hơn.

Cấp cứu ngoại viện rất quan trọng để cứu người bệnh

Mới đây, tối ngày 24/3, chị Đặng Thị Hạ, điều dưỡng của Trung tâm Cấp cứu A9 - Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội đang ngồi ăn tối với 4 người bạn tại một nhà hàng ở quận Sơn Trà, Đà Nẵng thì ở bàn bên cạnh, một người đàn ông ngoại quốc đang ăn tối cùng vợ rồi đứng lên và di chuyển, nhưng bất ngờ choáng váng, đi lại loạng choạng, ngã quỵ xuống đất, mất ý thức, vệ sinh không tự chủ. Ngay lập tức, chị Hạ đã tiếp cận, đỡ người đàn ông này lên. Khi thấy người này bất tỉnh, chị Hạ đỡ ông nằm xuống sàn cứng, kiểm tra mạch cảnh, tri hô nhân viên nhà hàng gọi cấp cứu 115, đồng thời tiến hành cấp cứu ép tim ngoài lồng ngực cho nạn nhân. Sau khoảng vài chục lần ép tim ngoài lồng ngực theo chu kỳ thì bệnh nhân có ý thức trở lại, ổn định chức năng sống và được xe cấp cứu 115 Đà Nẵng chuyển đến một bệnh viện ở địa phương. Sau khi được cấp cứu kịp thời, bệnh nhân đã tỉnh táo, không để lại bất cứ di chứng nào về thần kinh hay vận động. Theo đánh giá của các bác sĩ, bệnh nhân sẽ khó qua khỏi nếu không tình cờ được điều dưỡng Hạ có mặt tại đó cấp cứu ngừng tuần hoàn kịp thời.

Cấp cứu ngoại viện rất quan trọng để cứu người bệnh. Còn nhớ, tại Gia Lai từ những năm 2010, để góp phần giảm tử vong mẹ và tử vong sơ sinh, Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản tỉnh vừa phối hợp cùng Trung tâm Y tế huyện Mang Yang và Đak Đoa đã thành lập đội cấp cứu dựa vào cộng đồng với tên gọi “đội chuyển tuyến” thu hút rất nhiều người dân quan tâm. “Trước giờ trong làng có ai đau ốm phải rất lâu mới có người đến để chuyển đi bệnh viện, nay có đội cấp cứu tại làng rồi chúng tôi mừng lắm, nếu mỗi làng đều thành lập được đội thì người bệnh sẽ không còn nguy hiểm nữa”, nhiều người dân cho biết.

Tại tỉnh Thái Nguyên, hơn 10 năm nay, một số y, bác sĩ về hưu trên địa bàn phường Túc Duyên, TP Thái Nguyên đã lập các chốt sơ cứu tai nạn giao thông với đầy đủ dụng cụ y tế hỗ trợ cho việc sơ cứu ban đầu như: bông, băng, gạc, nẹp… Từ khi thành lập đến nay, chốt sơ cấp cứu này đã sơ cấp cứu cho trên 200 trường hợp bị tai nạn giao thông. Không riêng đường bộ mà trên các tuyến đường sông cũng luôn có CLB sơ cấp cứu túc trực để thay đổi quan niệm lạc hậu của người dân trước đây khi thấy người đuối nước là không được “cướp cơm của hà bá” nên e ngại việc cứu vớt.

Tại Hà Nội, ngành Y tế Thủ đô đã tích cực, chủ động phối hợp với các ngành, địa phương quan tâm nhân rộng, phát triển hoạt động này đến mọi người dân. Đến thời điểm này, tất cả các quận, huyện, thị xã đều hình thành những điểm sơ cấp cứu ban đầu tại cộng đồng. Đại đa số trường học từ bậc tiểu học trở lên đã thành lập các hội, chi hội chữ thập đỏ, mỗi chi hội thu hút hàng chục học sinh có tấm lòng nhân ái tham gia. Đây cũng là lực lượng nòng cốt được trang bị các kiến thức, kỹ năng sơ cấp cứu ban đầu; qua đó các em có trách nhiệm hỗ trợ, hướng dẫn cho bạn bè và những người xung quanh...

Kỹ năng sơ cấp cứu cần được xem là điều kiện thiết yếu

Việc ra đời các mô hình sơ cấp cứu dựa vào cộng đồng của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã đóng góp tích cực vào việc chủ động phòng tránh và kịp thời khắc phục hậu quả cho nạn nhân do tai nạn giao thông. (Nguồn ảnh: Hội CTĐVN)

Việc ra đời các mô hình sơ cấp cứu dựa vào cộng đồng của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã đóng góp tích cực vào việc chủ động phòng tránh và kịp thời khắc phục hậu quả cho nạn nhân do tai nạn giao thông. (Nguồn ảnh: Hội CTĐVN)

Trong xã hội hiện đại ngày nay, sơ cấp cứu không chỉ là kiến thức, kỹ năng cần biết mà cần được xem là một yêu cầu, một điều kiện thiết yếu đối với mọi người, mọi cơ quan, đơn vị, tổ chức và cộng đồng. Vì thế, tại nhiều nước trên thế giới, không chỉ nhân viên y tế mới biết cấp cứu ngừng tuần hoàn, sơ cứu người bị nạn, mà sinh viên trong các trường đại học, người dân cũng được đào tạo sơ cứu. Khi càng có nhiều người có kiến thức sơ cứu, các ca tai nạn trong cộng đồng càng có cơ hội được cứu sống nhiều hơn.

Sơ cấp cứu cũng là một hành động nhân đạo, là hoạt động truyền thống của Phong trào Chữ thập đỏ - Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế và là một trong các hoạt động trọng tâm của 192 Hội quốc gia trên toàn thế giới. Ngày Sơ cấp cứu Thế giới là sáng kiến được Hiệp hội Chữ thập đỏ - Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế khởi xướng từ năm 2000.

Theo đó, kêu gọi các nước, các Hội quốc gia trên thế giới tổ chức Ngày Sơ cấp cứu thế giới vào thứ Bảy, tuần thứ 2 của tháng 9 hằng năm nhằm nhấn mạnh tầm quan trọng, vai trò và ý nghĩa của sơ cấp cứu. Đồng thời, tôn vinh những người làm công tác sơ cấp cứu tình nguyện trên toàn thế giới, qua đó nâng cao nhận thức, sự quan tâm, tạo điều kiện của chính quyền các cấp, các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cộng đồng và người dân trên toàn thế giới đối với sơ cấp cứu, nâng cao năng lực, kỹ năng sơ cấp cứu tại cộng đồng và của mỗi người dân, đáp ứng yêu cầu sơ cấp cứu và cứu hộ, cứu nạn khi có tai nạn, sự cố, thảm họa xảy ra.

Từ khi thành lập vào ngày 23/11/1946 đến nay, sơ cấp cứu luôn là một trong các nhiệm vụ quan trọng của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam. Hiện trong cả nước chỉ duy nhất Hội Chữ thập đỏ Việt Nam có hệ thống sơ cấp cứu dựa vào cộng đồng được triển khai trên toàn quốc và đang triển khai mô hình các đội tình nguyện viên sơ cứu lưu động và thành lập các trạm, điểm sơ cấp cứu trên các tuyến giao thông trọng điểm, tại những vị trí hay xảy ra tai nạn giao thông để kịp thời sơ cấp cứu cho người bị nạn. Việc ra đời các mô hình sơ cấp cứu dựa vào cộng đồng của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã đóng góp tích cực vào việc chủ động phòng, tránh và kịp thời khắc phục hậu quả cho nạn nhân do tai nạn giao thông, đuối nước cũng như các nạn nhân do thiên tai, thảm họa khác gây ra, trợ giúp kịp thời người bị nạn, góp phần hạn chế tỷ lệ tử vong và thương tật, tàn phế cho nạn nhân.

Cấp cứu ngoại viện rất quan trọng để cứu người bệnh. (Nguồn: BV Bạch Mai)

Cấp cứu ngoại viện rất quan trọng để cứu người bệnh. (Nguồn: BV Bạch Mai)

Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã đào tạo được gần 300 tập huấn viên, hướng dẫn viên sơ cấp cứu đạt chuẩn. Đây là đội ngũ cán bộ tham gia huấn luyện, trang bị kiến thức và kỹ năng sơ cấp cứu cho tình nguyện viên làm việc tại trên 500 trạm, điểm sơ cấp cứu và đội ngũ lái xe taxi, lái xe ôm, những người thường xuyên hoạt động tại những khu vực hay xảy ra tai nạn giao thông để sẵn sàng hỗ trợ, giúp đỡ người dân khi xảy ra tai nạn. Tổ chức tập huấn sơ cấp cứu cho đối tượng học sinh trong trường học, người dân sinh sống tại các địa bàn có nguy cơ cao xảy ra tai nạn như dọc các đường quốc lộ, nơi thường xuyên xảy ra bão, lũ lụt, sạt lở, động đất cũng được quan tâm đẩy mạnh nhằm xây dựng các cộng đồng an toàn, có khả năng ứng phó kịp thời trong các tình huống cần thiết.

Trong những năm gần đây, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam không ngừng mở rộng hợp tác với các đối tác trong Phong trào Chữ thập đỏ - Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế, các đối tác trong và ngoài nước để phát triển các hoạt động sơ cấp cứu; cũng như kêu gọi các cấp Hội trong cả nước tích cực tuyên truyền nâng cao nhận thức, phổ biến kiến thức, kỹ năng sơ cấp cứu cho người dân; chú trọng khả năng ứng dụng các công nghệ số để đổi mới phương thức đào tạo, huấn luyện sơ cấp cứu và truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng về sơ cấp cứu.

Với thông điệp “Sơ cấp cứu trong thế giới số”, trong thời gian tới, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam xác định tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức, phổ biến kiến thức, kỹ năng sơ cấp cứu cho người dân, chú trọng việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số để đổi mới phương thức đào tạo, huấn luyện sơ cấp cứu và truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng về sơ cấp cứu.

Nếu không có kiến thức sơ cấp cứu, trong nhiều trường hợp làm nguy hiểm đến tính mạng bệnh nhân, đơn cử như câu chuyện anh L.T.T. trú tại huyện Sóc Sơn không may bị tai nạn giao thông, chấn thương đốt sống cổ. Thấy vậy, những người chứng kiến đã bế xốc anh T. lên xe máy đưa đi cấp cứu. Việc sơ cứu vội vàng, không đúng cách khiến anh T. bị chèn ép tủy, dẫn đến bị liệt hai chi dưới.

Tai nạn giao thông là nguyên nhân hàng đầu gây tai nạn thương tích ở Việt Nam và nếu được sơ cấp cứu đúng kỹ thuật, người bị tai nạn giao thông sẽ tăng 50% cơ hội sống. Tuy nhiên, đa số người chứng kiến thường có tâm lý phải đưa nạn nhân đi cấp cứu càng nhanh càng tốt, nên họ vội vàng bế, vác, cõng nạn nhân di chuyển vào bệnh viện. Phương pháp hỗ trợ này có thể làm cho nạn nhân bị thương đốt sống cổ hoặc xương chậu ở tình trạng nhẹ, trở nên nặng hơn, thậm chí tử vong.

Đọc thêm

Bệnh viện Y Dược cổ truyền và PHCN tỉnh Phú Thọ áp dụng phương pháp mới phục hồi vận động sau chấn thương cột sống

Bệnh viện Y Dược cổ truyền và PHCN tỉnh Phú Thọ áp dụng phương pháp mới phục hồi vận động sau chấn thương cột sống
(PLVN) - Gần đây, Bệnh viện Y Dược cổ truyền và Phục hồi chức năng (PHCN) tỉnh Phú Thọ đã điều trị phục hồi chức năng thành công lấy lại khả năng vận động cho người bệnh N.T.H bị chấn thương cột sống bằng phương pháp y học cổ truyền kết hợp phục hồi chức năng.

Nhiều khó khăn, thách thức trong công tác phòng, chống tác hại thuốc lá năm 2025

Nhiều khó khăn, thách thức trong công tác phòng, chống tác hại thuốc lá năm 2025
(PLVN) - Trao đổi với các đối tác tại Việt Nam, Giám đốc cao cấp chương trình Sức khỏe cộng đồng của Quỹ Sáng kiến Bloomberg, công tác phòng, chống tác hại thuốc lá ở Việt Nam còn nhiều khó khăn, thách thức phía trước. Bộ Y tế cần xây dựng thêm công cụ và hướng dẫn để ngăn ngừa sự xuất hiện của các sản phẩm thuốc lá mới, cũng như việc sử dụng thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng...

Cẩn trọng với "thầy thuốc" online

Người dân nên tiếp cận thông tin trên mạng xã hội từ các nguồn uy tín. (Ảnh: PV)
(PLVN) -  Việc tiếp nhận thông tin chưa được kiểm chứng, không bảo đảm độ chính xác tiềm ẩn nhiều rủi ro. Đặc biệt trong lĩnh vực y tế và sức khỏe có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng, thậm chí ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng con người.

Tìm giải pháp đưa Việt Nam ra khỏi 'top quốc gia' có tỷ lệ hút thuốc lá cao nhất thế giới

Tìm giải pháp đưa Việt Nam ra khỏi 'top quốc gia' có tỷ lệ hút thuốc lá cao nhất thế giới
(PLVN) - Trong khi hút thuốc lá là yếu tố nguy cơ đứng thứ hai gây tử vong và bệnh tật, song Việt Nam vẫn là một trong những nước có tỷ lệ nam giới hút thuốc lá cao nhất trên thế giới. Trước thực trạng này, các chuyên gia đã trao đổi về những thách thức còn tồn tại để tìm ra các giải pháp thực hiện tốt hơn nữa mục tiêu phòng, chống tác hại của thuốc lá.

Hà Nội: Xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm an toàn thực phẩm

Đoàn kiểm tra liên ngành công tác ATTP kiểm tra tại một cơ sở. (Ảnh: Bích Hằng)
(PLVN) - Ông Đặng Thanh Phong - Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) cho biết, Thành phố hiện có hơn 72.000 cơ sở sản xuất, kinh doanh và chế biến thực phẩm, trong đó ngành Y tế quản lý khoảng 39.000 cơ sở. Cơ quan chức năng đã tăng cường thanh, kiểm tra và giám sát ATVSTP tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố, bếp ăn tập thể.

Dịch sốt xuất huyết lan rộng

Dịch sốt xuất huyết lan rộng
(PLVN) - Trước đây, sốt xuất huyết chủ yếu tập trung ở Đồng bằng sông Cửu Long và ven biển miền Trung, tuy nhiên hiện nay, dịch lan rộng ra Đông Nam Bộ, Bắc Trung Bộ, Tây Nguyên. Đặc biệt, các địa phương miền Bắc như TP Hà Nội và một số tỉnh miền núi cũng đã ghi nhận dịch sốt xuất huyết lưu hành.