Theo AFP, trong một tài liệu về làm sạch và khử trùng bề mặt như là một phần trong các việc cần làm để ứng phó với virus, WHO cho biết việc phun thuốc có thể không hiệu quả.
"Việc phun hoặc khử trùng không gian ngoài trời, như đường phố hoặc chợ,... không được khuyến cáo để tiêu diệt virus corona chủng mới gây bệnh COVID-19 hoặc các mầm bệnh khác vì chất khử trùng bị bất hoạt bởi bụi bẩn và mảnh vụn", WHO giải thích.
"Ngay cả khi không có chất hữu cơ, việc phun hóa chất khó có thể bao phủ đầy đủ tất cả các bề mặt trong suốt thời gian tiếp xúc cần thiết để vô hiệu hóa mầm bệnh."
WHO cho biết đường phố và vỉa hè không được coi là "ổ nhiễm trùng" của COVID-19, thêm vào đó, thuốc xịt khử trùng, thậm chí bên ngoài, có thể "nguy hiểm cho sức khỏe con người".
Tài liệu cũng nhấn mạnh rằng việc con người phun thuốc khử trùng là "không được khuyến khích trong mọi trường hợp".
"Điều này có thể gây hại về thể chất và tâm lý và sẽ không làm giảm khả năng lây nhiễm virus của người nhiễm bệnh thông qua các giọt hoặc tiếp xúc", tài liệu trên cho biết
Xịt clo hoặc hóa chất độc hại khác lên người có thể gây kích ứng mắt và da, co thắt phế quản và ảnh hưởng đến đường tiêu hóa.
Tổ chức này cũng cảnh báo về việc phun các chất khử trùng trên các bề mặt trong không gian trong nhà, bằng việc trích dẫn một nghiên cứu đã cho thấy nó không có hiệu quả bên ngoài khu vực phun trực tiếp.
"Nếu muốn khử trùng nên thực hiện bằng lau vải hoặc ngâm vật đó trong chất khử trùng", tài liệu hướng dẫn.
Virus SARS-CoV-2, nguyên nhân gây ra đại dịch COVID-19, có thể tự bám vào bề mặt và vật thể. Tuy nhiên, hiện tại không có thông tin chính xác nào về khoảng thời gian mà virus vẫn lây nhiễm trên các bề mặt khác nhau.
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng virus có thể tồn tại trên một số loại bề mặt trong vài ngày. Tuy nhiên, các thời lượng tối đa này chỉ là lý thuyết vì chúng được ghi lại trong điều kiện phòng thí nghiệm và nên được "giải thích thận trọng" trong môi trường thế giới thực.