Nhận diện phạm vi dịch vụ phát thanh truyền hình

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
(PLO) - Dịch vụ phát thanh truyền hình bao gồm những hoạt động gì là một trong những nội dung thu hút sự quan tâm lớn nhất trong Dự thảo Nghị định về quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ phát thanh, truyền hình (sửa đổi Nghị định 06/2016/NĐ-CP), bởi đó là quy định được đánh giá sẽ tạo ra tác động lớn đối với các đối tượng liên quan.

Có thể mâu thuẫn với Luật Đầu tư

Sửa đổi Điều 3 Nghị định số 06/2016/NĐ-CP ngày 18/01/2016 của Chính phủ về quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ phát thanh, truyền hình được các chuyên gia pháp luật và doanh nghiệp quan tâm. Trong đó, sửa đổi được coi là thay đổi cơ bản nhất, dự kiến cũng tạo ra tác động lớn nhất của Dự thảo so với Nghị định 06/2016/NĐ-CP là việc đưa “dịch vụ ứng dụng viễn thông để cung cấp nội dung theo yêu cầu trên hạ tầng kỹ thuật truyền dẫn phát sóng phát thanh truyền hình đến người sử dụng” vào diện “dịch vụ phát thanh, truyền hình”, từ đó thiết kế việc kiểm soát dịch vụ này với tính chất kiểm soát dịch vụ phát thanh, truyền hình.

Trong một hội thảo chuyên đề về Dự thảo này do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức cách đây chưa lâu, các chuyên gia cho rằng, dường như theo Dự thảo này thì các dịch vụ cung cấp các sản phẩm giải trí (phim, nhạc, chương trình giải trí khác) và các “nội dung” khác thực hiện trên nền tảng Internet vốn đang khá phổ biến hiện nay sẽ được xếp vào diện “dịch vụ phát thanh, truyền hình” và thuộc cơ chế quản lý áp dụng đối với dịch vụ phát thanh, truyền hình.

Trong khi đó, từ góc độ pháp lý và thực tiễn, các chuyên gia cho rằng, việc xếp các dịch vụ “cung cấp nội dung theo yêu cầu” trên Internet vào nhóm dịch vụ phát thanh, truyền hình là chưa hợp lý, không phản ánh đúng bản chất của hoạt động phát thanh, truyền hình. Thứ nhất, về mặt pháp lý, Phụ lục 4 Luật Đầu tư (về Danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện) quy định dịch vụ cung cấp nội dung trên mạng Internet (bao gồm cả theo yêu cầu hoặc không theo yêu cầu) ở mục riêng, độc lập với dịch vụ phát thanh, truyền hình. Do đó, việc Dự thảo xếp dịch vụ này vào nhóm dịch vụ phát thanh, truyền hình mâu thuẫn với quy định của Luật Đầu tư.

Hơn nữa, về mặt thông lệ quốc tế, theo phân loại dịch vụ hàng hóa của Liên Hợp quốc (Hệ thống CPC, phiên bản 2.1) thì dịch vụ phát thanh, truyền hình được xếp vào mã CPC 846 (Broadcasting, programming and programme distribution services), bao gồm các dịch vụ phải gắn với đài phát thanh (radio) hoặc đài truyền hình (television), kể cả các dịch vụ phát thanh, phát sóng trực tiếp hay các dịch vụ liên quan tới phát thanh, phát sóng. Còn các dịch vụ cung cấp nội dung theo yêu cầu trên Internet được xếp vào mã CPC 843 (Online content), bao gồm tất cả các dịch vụ cho phép cung cấp các nội dung bất kỳ trên Internet (thông tin bằng văn bản, game, sách, audio, video, film and other video download, streamed video, phần mềm download…).

“Như vậy, theo phân loại chung của thế giới thì dịch vụ ứng dụng viễn thông để cung cấp nội dung theo yêu cầu (và cả các nội dung giá trị gia tăng) đang được xem xét trong Dự thảo này được xếp vào nhóm Dịch vụ nội dung mạng (online content) chứ không phải dịch vụ phát thanh, truyền hình” – văn bản góp ý của VCCI gửi Bộ Thông tin và Truyền thông nêu.

Cần cơ chế kiểm soát phù hợp hơn

Một lý do khác được các chuyên gia, hiệp hội, doanh nghiệp chỉ ra là, về mặt cam kết quốc tế, mặc dù Việt Nam không có cam kết trong WTO về dịch vụ phát thanh, truyền hình, nhưng lại có cam kết về dịch vụ nội dung trên Internet (On-line information and data processing (incl. transaction processing) – dịch vụ xử lý thông tin và dữ liệu trên mạng, bao gồm cả xử lý giao dịch) mà vào thời điểm đàm phán WTO thì được xếp vào mã CPC 843**, với miêu tả nội hàm hoàn toàn đồng nhất với dịch vụ ứng dụng viễn thông để cung cấp nội dung theo yêu cầu được xem xét tại Dự thảo này. Nói cách khác, với việc cam kết này, Việt Nam đã chính thức ghi nhận dịch vụ ứng dụng viễn thông để cung cấp nội dung là dịch vụ nội dung mạng, không phải dịch vụ phát thanh, truyền hình.

Thêm nữa, dù theo pháp luật trong nước Việt Nam có hiểu dịch vụ cung cấp nội dung theo yêu cầu là gì thì Việt Nam vẫn phải tuân thủ cam kết về việc mở cửa cho dịch vụ này theo cam kết nói trên. Trong khi đó Việt Nam lại chưa cam kết và trên thực tế, tại Điều 51 Luật Báo chí cũng chưa mở cửa dịch vụ phát thanh, truyền hình cho nhà đầu tư nước ngoài. Nếu xếp dịch vụ này vào nhóm dịch vụ phát thanh, truyền hình và do đó không mở cho nhà đầu tư nước ngoài, cần đánh giá đầy đủ nguy cơ vi phạm cam kết WTO về vấn đề này.

“Cũng liên quan tới vấn đề này, trên thực tế, hiện đã có rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài đang tham gia vào hoạt động kinh doanh các dịch vụ cung cấp nội dung theo yêu cầu trên Internet (theo các hình thức đầu tư khác nhau) phù hợp với cam kết của Việt Nam trong WTO. Do đó, nếu nay dịch vụ này bị xếp vào nhóm dịch vụ phát thanh, truyền hình, từ đó các nhà đầu tư nước ngoài buộc phải rút khỏi các hoạt động kinh doanh này, thị trường các dịch vụ này sẽ có xáo trộn đặc biệt lớn (về đầu tư, tài chính, cạnh tranh). Đồng thời Chính phủ cũng có thể sẽ phải đối mặt với những hệ quả khó dự đoán (ví dụ việc nhà đầu tư nước ngoài có thể kiện Nhà nước theo thủ tục ISDS, Chính phủ nước ngoài có thể kiện Việt Nam theo cơ chế WTO…)” – VCCI nhận định.

Cộng đồng doanh nghiệp kiến nghị Ban soạn thảo điều chỉnh lại phạm vi Dự thảo để bảo đảm phạm vi điều chỉnh của Nghị định này chỉ bao gồm các dịch vụ phát thanh truyền hình (thuộc mã CPC 846 theo Hệ thống CPC, phiên bản 2.1 của Liên Hợp quốc). Còn về các dịch vụ cung cấp nội dung theo yêu cầu trên môi trường Internet mà không thuộc phạm vi phát thanh truyền hình (ví dụ các trang web cung cấp phim, nhạc, các chương trình giải trí, sách, báo, hoặc các sản phẩm trên mạng khác mà nội dung được cung cấp theo yêu cầu của người sử dụng Internet), các chuyên gia cho rằng, đây cũng là các dịch vụ cần được kiểm soát, tuy nhiên việc kiểm soát này cần phải theo cơ chế phù hợp với bản chất của các dịch vụ này và tương ứng với nguy cơ mà các dịch vụ này có thể gây ra đối với các lợi ích công cộng liên quan, chứ không cùng chung cơ chế với dịch vụ phát thanh, truyền hình.

Đọc thêm

Xem xét ngưỡng nợ thuế tối thiểu để hoãn xuất cảnh

CQT công khai Quyết định cưỡng chế, Thông báo tạm hoãn xuất cảnh qua nhiều kênh để NNT biết, tra cứu.
(PLVN) -  Tổng cục Thuế sẽ căn cứ tình hình thực tế, tham khảo kinh nghiệm quốc tế quy định về ngưỡng để tiếp thu, báo cáo cấp có thẩm quyền cân nhắc quy định ngưỡng nợ phù hợp bảo đảm hiệu quả công tác thu hồi nợ đọng thuế.

Những quy định pháp luật phụ nữ cần biết để bảo vệ mình

Những quy định pháp luật phụ nữ cần biết để bảo vệ mình
(PLVN) - Trong xã hội hiện đại, pháp luật là công cụ quan trọng để bảo vệ quyền lợi cho mọi công dân, đặc biệt là phụ nữ. Dù các quyền cơ bản đã được công nhận, phụ nữ vẫn gặp nhiều khó khăn khi thực hiện quyền này. Hiểu biết về pháp luật giúp phụ nữ tự bảo vệ và đấu tranh vì quyền lợi của mình.

Nhiều điểm mới đáng chú ý trong dự thảo Luật Nhà giáo

Ảnh minh họa
(PLVN) - Tăng lương, tăng phụ cấp, giảm tuổi nghỉ hưu, chính sách bảo vệ, thu hút nhà giáo... là một số điểm mới đáng chú ý trong dự thảo Luật Nhà giáo sẽ trình Quốc hội xem xét cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá 15.

Phí sử dụng đường cao tốc do Nhà nước đầu tư cao nhất là 5.200 đồng/xe.km

Phí sử dụng đường bộ cao tốc từ 900 đồng/xe.km đến 5.200 đồng/xe.km. (Ảnh: Hồng Thương)
(PLVN) - Chính phủ vừa ban hành Nghị định 130/2024/NĐ-CP quy định về thu phí sử dụng đường bộ cao tốc đối với phương tiện lưu thông trên tuyến đường bộ cao tốc thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và trực tiếp quản lý, khai thác.Theo đó, có 5 nhóm đối tượng chịu phí sử dụng đường bộ cao tốc do Nhà nước đầu tư, với mức thu thấp nhất 900 đồng/xe.km và cao nhất là 5.200 đồng/xe.km.