“Mẹ ơi, bố ơi, cứu con với, chúng đánh con đau quá!”… những tiếng khóc văng vẳng xen lẫn tiếng nạt nộ trong các băng ghi âm của nhóm tội phạm đã khiến nhiều bậc cha mẹ đứng tim. Thủ đoạn này bắt đầu xảy ra tại Hà Nội vào khoảng tháng 7/2013, sau đó tái diễn liên tục, khi các phương tiện thông tin đại chúng đưa tin nhiều thì lắng xuống, rồi lại rộ lên.
Cơ quan Công an đã xác định được chủ mưu gây ra các vụ việc này là một nhóm đối tượng bên Trung Quốc. Cho đến nay, khoảng 30 trường hợp đã bị các đối tượng lừa với thủ đoạn này. Khi chiêu thức giả bắt cóc trong nước bị một số bị hại cảnh giác lật tẩy, các đối tượng lại quay sang giả bắt cóc con em các gia đình đang lao động tại nước ngoài nhờ vào cách biệt về không gian và thời gian khiến bị hại khó kiểm tra được độ thật, giả. Hàng loạt gia đình có con đang lao động tại Đức, Nhật… đã bị bọn chúng lừa đảo, chiếm đoạt hàng trăm triệu đồng.
Biết rồi vẫn hoang mang
Vụ việc xảy ra với gia đình bà Phạm Thị H (trú tại phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy, Hà Nội) vào sáng 17/3. Các đối tượng giả bắt cóc con trai bà đang lao động ở Nhật Bản để lừa bà gửi 200 triệu đồng vào tài khoản của chúng. Dù từng đọc báo cảnh báo về thủ đoạn này nhưng khi rơi vào hoàn cảnh của “người trong cuộc”, tình thương con làm bà H mất bình tĩnh.
Khi bà hỏi lại: “Con trai tôi đang ở đâu?”, bọn chúng trả lời rất khôn ngoan: “Con bà mà bà không biết ở đâu à?”. Đen đủi cho bà H là bà đã tìm cách gọi điện thoại 2 lần cho con trai bên Nhật nhưng điện thoại của anh này đều tắt máy. Lo sợ cho tính mạng của con, bà H buộc phải đến nộp tiền tích cóp cả đời của hai vợ chồng vào ngân hàng cho bọn “bắt cóc”. “Cũng may là con tôi không bị bắt cóc” - bà H tự an ủi.
Đối tượng lừa đảo “đánh” vào tình ruột thịt của bị hại, vì thế, nếu bị hại tỉnh táo, chiêu thức này dễ dàng bị vô hiệu hóa. Đó là trường hợp vợ chồng bà Nguyễn Thị Nga (trú tại tổ 42, phường Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy, Hà Nội).
Khi bọn “bắt cóc” gọi điện thoại bàn thông báo đang bắt giữ đứa cháu của họ tên là Dũng, yêu cầu gia đình trả 100 triệu đồng tiền chuộc, dù có cháu tên Dũng nhưng vợ chồng bà Nga cảnh giác nói rằng có đến 3 đứa cháu tên Dũng nên đứa bị bắt tên họ đầy đủ là gì, bố mẹ là ai?… Biết gặp trường hợp “rắn”, các đối tượng không nói gì và tắt máy ngay. Lúc này, vợ chồng bà Nga liên lạc với người thân và được biết người cháu tên là Dũng không hề bị ai bắt giữ.
Tạo áp lực thời gian, không cho bị hại có cơ hội kiểm chứng
Đối với “chiêu” giả bắt cóc để tống tiền cha mẹ, bọn tội phạm thường chọn gọi điện thoại bàn cho các gia đình bị hại vào khoảng 9-10h sáng. Lúc đó ở nhà thường chỉ có các ông bà già đã ở tuổi nghỉ hưu, hạn chế hiểu biết về công nghệ cao, lại thiếu bình tĩnh trước những tình huống tương tự. Khi thấy tiếng người xa xa kêu khóc “bố mẹ ơi, cứu con với, con nợ tiền người ta nên bị bắt…”, các ông bố, bà mẹ tin ngay đó là con mình chứ không biết rằng đó là băng ghi âm sẵn của các đối tượng.
Với các gia đình có người thân ở nước ngoài, các đối tượng chọn vào thời điểm do chênh lệch múi giờ, bên nước ngoài thường vào đêm nên người nhà khó có thể liên lạc, kiểm chứng được. Chúng lại tạo thế tấn công liên tục, ép các ông bố, bà mẹ liên tục phải nghe điện thoại (máy bàn, máy di động) để không có thời gian ngắt quãng máy, gọi điện thông báo cho người khác hay cơ quan Công an. Chúng ép họ phải đến các ngân hàng gửi tiền ngay cho chúng, nếu không tính mạng con em họ sẽ bị đe dọa…
(Còn tiếp)
Trong phương thức lừa đảo này, nhóm tội phạm người Trung Quốc đã sử dụng công nghệ gọi điện thoại qua Internet, khiến việc truy nguồn gặp khó khăn. Trong quá trình nối máy với bị hại, để tạo độ tin cho bị hại, chúng yêu cầu bị hại bấm các số như đầu 0, 115… để gặp tổng đài, hoặc Công an, hoặc Viện Kiểm sát nhân dân… để những người này (là đồng bọn chúng đóng giả) yêu cầu chuyển tiền vào tài khoản của chúng để “hợp tác điều tra”. Thực ra, bọn chúng vẫn để thông máy nên bị hại bấm vào số nào vẫn ra bọn chúng. Còn nếu trường hợp có tiếng tút dài, có thể bọn chúng còn tạo ra cả các tổng đài ảo, bố trí đồng bọn ngồi một số máy nối trực để giả các nhân vật khác nhau…