Để khắc chế hiện tượng ấy, Israel đã thành lập đơn vị đặc biệt và đến nay, “chiến tích” của nó vẫn được nhắc đến với sự chê trách và cả ca tụng như huyền thoại.
Đặc nhiệm 101
Những năm đầu thập niên 50, người Ảrập liên tiếp tiến hành các vụ tập kích báo thù. Theo thống kê, năm 1951, có 137 người Israel bị các du kích Ảrập giết chết, trong số đó đa số là phụ nữ và trẻ em; năm 1952 là 162 Israel và năm 1953, có ngày lên hơn chục vụ khủng bố, chỉ trong 8 tháng đã có 260 người Israel bị giết hại.
Trong khi Bộ Quốc phòng Israel tỏ ra bất lực thì vào tháng 8/1953, Chính phủ Israel quyết định thành lập lực lượng đặc nhiệm 101 chuyên đối phó với các vụ khủng bố, Ariel Sharon được chỉ định chỉ huy lực lượng này. Trong kinh thánh, "101" có nghĩa là ăn miếng trả miếng, nếu kẻ thù tấn công chúng sẽ phải nhận sự trả thù tương ứng.
Tháng 9/1953, Sharon đã lựa chọn được 45 đội viên về đồn trú trong doanh trại gần Jerursalem. Ông ta chọn những người có thành tích trong chiến tranh du kích, từng là lính trinh sát, thông thạo đánh đêm, trong đó một vài người có máu phiêu lưu, ưa mạo hiểm. Lực lượng đặc nhiệm 101 được ưu tiên trang bị vũ khí hiện đại nhất của Israel.
Để thuần phục những "con ngựa bất kham”, Sharon áp dụng mô hình huấn luyện "rèn luyện địa ngục". Các thành viên đội đặc nhiệm được chia thành các tổ, tập luyện nghiêm khắc, có hệ thống các khoa mục với yêu cầu cao.
Họ được huấn luyện thể lực, chiến đấu tay không, sử dụng vũ khí, vượt vật cản, nhớ đường và tuần tiễu. Họ tăng cường huấn luyện ban đêm, như: Bí mật tiềm nhập, bắn súng, nổ phá, xử lý tình huống bất ngờ và di chuyển trong bóng tối thuần phục.
Tiếp đó, trong một vùng đất trũng dài khoảng 1km, Sharon đã cho bố trí hàng loạt các loại vật cản như tường thấp, bãi mìn, cầu vượt, cạm bẫy, hố sâu, vũng lầy, hàng rào thép gai, xác chết như trong chiến đấu thật để đặc nhiệm vượt qua.
Qua thời gian tập luyện, khả năng tác chiến tổng hợp của toàn đội được nâng cao rõ rệt. Chẳng hạn như trong bài tập xạ kích bắn đạn thật, thời gian từ khi rút súng đến khi viên đạn đầu tiên bay ra khỏi nòng không quá 1 giây, tỷ lệ bắn trúng đích phải từ 85% trở lên.
Cùng với huấn luyện kỹ chiến thuật, lính đặc nhiệm 101 còn được tuyên truyền tôn chỉ và mục đích hành động, xây dựng động cơ, quyết tâm chiến đấu. Họ tin mình là anh hùng của quân đội Israel, nên sẵn sàng xả thân để hoàn thành nhiệm vụ.
Đội trưởng mạo hiểm
Ariel Sharon sinh năm 1928 ở làng Kerfa Malal, cách Tây Nam Tel Aviv chục cây số. Năm 14 tuổi Sharon đã tham gia một tổ chức tự vệ bí mật của thiếu niên. Đến 16 tuổi, ông ta là thành viên tổ chức tự vệ vũ trang Do Thái "Hanahad".
Trong chiến tranh Trung Đông lần thứ nhất, Sharon tỏ ra dũng cảm, thiện chiến, nhiều lần đảm nhiệm nhiệm vụ đột kích khó khăn, có kinh nghiệm khá phong phú về huấn luyện, quản lý và thực tiễn chiến đấu. Khi được cử làm đội trưởng đặc nhiệm 101, Sharon mới 25 tuổi.
Ông ta là người phưu lưu, mạo hiểm và có tố chất chiến đấu. Một hôm, khi Sharon đang ở trong phòng làm việc thì Dayan, Tư lệnh quân khu trưởng vào và nói: "Này ngài Thượng úy kiêu ngạo, chắc chắn anh biết chuyện mấy tuần trước đã có hai người lính bị quân Jordan bắt cóc".
Sharon đã hiểu thâm ý của tư lệnh nên nảy ra dự định bắt sống vài tên lính Jordan để trả miếng. "Tôi sẽ thử xem", Sharon bình tĩnh trả lời.
Sharon gọi Hefar và đưa anh ta ra xe Jeep rồi lái thẳng lên cầu Hussein bắc qua sông Jordan, biên giới Israel. Lính Jordan chưa kịp phản ứng thì đạn từ súng máy gắn trên xe bay đến tới tấp. Sau loạt súng, Sharon và Hefar đồng loạt nhảy xuống xông vào toán lính gần đó, lôi 2 lính lên xe rồi thoát khỏi khu vực trận địa tiền duyên.
Lính Jordan bắn đuổi theo nhưng không có tác dụng. Sharon đưa 2 tù binh xuống giam tại hầm ngầm của Bộ Tư lệnh và đến gặp tướng Dayan, nhưng không thấy. Sharon để lại lời nhắn: "Thưa ngài Moshe, nhiệm vụ đã hoàn thành, tù binh đang ở dưới hầm. Sharon". Sau chiến công này, Sharon bắt đầu nổi tiếng tại Israel.
Ariel Sharon tại một chuyến viếng thăm Nhà Trắng, tháng 4/2004. |
Khủng bố làng Jibuya
Tối ngày 12/10/1953, du kích Ảrập xâm nhập vào Israel, tập kích làng Yahad, giết hại một phụ nữ và hai đứa trẻ. Ngày 13/10, sau phiên họp khẩn cấp với quân đội, Thủ tướng Ben Gourion ra lệnh tấn công làng Jibuya nằm trong lãnh thổ Jordan để trả đũa.
Ngay sau đó, Sharon được Trưởng phòng tác chiến Bộ Tổng tham mưu Dayan, chuyên viên quân sự cao cấp Amit và các sĩ quan cao cấp của quân khu miền trung giao nhiệm vụ phối hợp với tiểu đoàn dù tập kích vào làng Jibuya. Tuy nhiên, đội đặc nhiệm 101 của Sharon chỉ được làm nhiệm vụ kiềm chế và yểm hộ.
Tuy nhiên, tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn dù đột ngột từ chối nhiệm vụ vì chưa chuẩn bị kịp. Nhân cơ hội này, Sharon đã đứng lên khẳng định, lực lượng 101 có thể đảm nhiệm tác chiến chủ công và nhất định sẽ thắng lợi. Rất nhanh, đề nghị ấy được chấp thuận.
Sau khi làm công tác chuẩn bị xong, lợi dụng đêm tối, Sharon chỉ huy đội đặc nhiệm 101 và 90 lính dù xuất phát, bí mật tiếp cận rồi tập trung ở sườn núi phía Bắc Làng Jibuya.
Sharon chia lực lượng lính dù thành hai nhóm bố trí tại vị trí có lợi ở phía Đông Nam và phía Tây ngôi làng, nhằm ngăn chặn quân đội Ảrập đến tiếp ứng. Tám người được cử làm lực lượng dự bị, sẵn sàng cơ động khi cần. Sharon và Powme chỉ huy "lực lượng 101" đi dọc hào tiến về phía khu làng.
Vừa triển khai đội hình cơ động xong thì nhóm của Powme đã bị lính gác Jordan ở một điểm cao nhỏ phát hiện. Sau đấu súng, 10 lính Jordan đã bị tiêu diệt, những kẻ khác tháo chạy tán loạn. Vài phút sau, Sharon cùng tốp lính vào được phía trong làng.
Hắn ra lệnh cho binh sĩ lùng sục từng căn nhà, tìm kiếm, nhằm giảm thương vong cho những người dân thường. Nhưng một số binh lính thì coi việc lục soát từng căn nhà chỉ là trò trẻ con, khi bước vào phòng là họ nổ súng, sau đó là kêu gọi ai đó còn trốn trong đó hãy ra ngoài, nếu không thấy đáp lại chứng tỏ trong phòng không còn ai.
Thực chất đó chỉ là làm cho qua chuyện, chính vì vậy mà tấn thảm kịch đã xảy ra. Khi đã đinh ninh rằng dân làng đã chạy trốn, lính Israel triển khai gài thuốc nổ, châm ngòi dây cháy chậm và rút lui.
“Ầm! ầm! ầm...!" hàng loạt tiếng nổ vang dội xé toạc màn đêm đến tối và yên tĩnh, Sharon quay đầu nhìn lại khung cảnh kinh hoàng do chính tay mình đạo diễn, trong lòng vô cùng đắc ý.
Khi trở về doanh trại, bố trí ổn thỏa cho các thành viên trong đội xong, hắn vội vàng lên xe quay về Jersusalem, chuẩn bị lời lẽ để an ủi người vợ yêu quí mới cưới đã phải xa cách lâu ngày. Nhưng vợ Sharon không biết rằng chồng sẽ trở về, nên đã rời nhà đến bệnh viện làm việc ngay từ sáng.
Buổi trưa hôm đó, khi Sharon mở radio, đón nghe bản tin nói về sự kiện vụ tập kích đêm qua vào làng Jibuya, anh chợt rũ xuống ghế như bị điện giật, cả người như thể đang run rẩy, anh ta được biết rằng, khi những ngôi nhầm bị tan tành trong lửa khói cũng là giờ phút xảy đến một cuộc tàn sát những dân thường Ảrập trong tay không có tấc sắt.
Bản tin cho biết, khi "lực lượng 101" tấn công đã có gần 100 phụ nữ, người già và trẻ em không chạy trốn khỏi làng mà đã thu mình trong các gian hầm, trốn trên các tầng trên hoặc chui dưới gầm giường. Họ không dám động đậy, nằm yên chờ đợi mọi việc qua đi, nhưng sau đó họ đã bị chôn vùi trong đống đổ nát các ngôi nhà bị phá sập.
Khi trời sáng, có 70 xác chết được kéo ra từ trong đống đổ nát trong đó có hơn mười xác phụ nữ và trẻ em. Trước mắt mọi người là khung cảnh một vụ khủng bố bi thảm.
Sự kiện "làng Jibuya" đã gây lên làn sóng phẫn nộ tại các quốc gia Ảrập, dư luận thế giới có phản ứng gay gắt trước sự kiện này. Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc mở phiên họp và lên án hành động bạo lực. Tại khắp Israel đều bùng lên sự tranh cãi, trong nội bộ giới quân sự cũng có sự bất đồng sâu sắc.
Bộ Quốc phòng Israel đã lấy lại lòng tin vào khả năng có đủ sức mạnh phản kích lại hành động của những kẻ khủng bố người Ảrập, và "lực lượng 101" khẳng định được giá trị đặc biệt của nó trong khối quân sự của Bộ Quốc phòng bằng một vụ thảm sát như thế.../.
(Mời xem tiếp trên Pháp luật 4 phương số 62, ngày 18/7/2016)