Nhân danh công nghiệp hóa!

Các chuyên gia cảnh báo rằng việc lạm dụng hoặc lợi dụng công nghiệp hóa để ồ ạt mở khu công nghiệp là bước đi sai lầm và có thể dẫn đến những hậu quả tai hại cả về mặt kinh tế lẫn xã hội.

Một nông dân bên ruộng lúa xanh tốt của mình nhưng sắp bị thu hồi để làm khu công nghiệp ở Thốt Nốt, Cần Thơ. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.
Một nông dân bên ruộng lúa xanh tốt của mình nhưng sắp bị thu hồi để làm khu công nghiệp ở Thốt Nốt, Cần Thơ. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Các chuyên gia cảnh báo rằng việc lạm dụng hoặc lợi dụng công nghiệp hóa để ồ ạt mở khu công nghiệp là bước đi sai lầm và có thể dẫn đến những hậu quả tai hại cả về mặt kinh tế lẫn xã hội. Cần phải nhanh chóng chỉnh đốn lại tình trạng này và hoạch định việc phát triển khu công nghiệp theo một hướng khác, hiệu quả hơn.

Vì sao ồ ạt?

Tiến sĩ Võ Đại Lược, Chủ nhiệm chương trình trọng điểm cấp nhà nước về các vấn đề kinh tế Việt Nam đến năm 2020, nói rằng ông đã từng báo cáo và kiến nghị lên các cấp cao nhất về những bất cập liên quan đến các khu công nghiệp hiện nay nhưng vẫn chưa thấy động tĩnh.

Hiện tượng bất thường dễ thấy, theo ông, là “từ mũi Cà Mau đến địa đầu Móng Cái, đâu đâu cũng mở khu công nghiệp”. Vấn đề tai hại nằm ở chỗ, các địa phương cứ hiểu công nghiệp hóa là khu công nghiệp và công nghiệp hóa nông thôn cũng phải đi theo hướng đó. Cho nên, chỉ mới trong mấy năm gần đây đã có trên 200 khu công nghiệp được lập ra trên hầu hết các tỉnh, thành phố của cả nước.

“Đó là điều không thể tưởng tượng được!”, ông Lược bức xúc.

Bà Phạm Chi Lan, nguyên thành viên Ban Nghiên cứu của Thủ tướng, cũng băn khoăn: “Ngay cả Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cơ quan quản lý về đầu tư cũng thừa nhận số lượng khu công nghiệp quá nhiều mà sử dụng không hết, thậm chí không sử dụng gì cả. Bình quân chỉ lấp đầy 50-60%. Đây là một sự lãng phí cực kỳ lớn nhưng tại sao vẫn cứ để tình trạng này kéo dài?”.

Tiến sĩ Võ Trí Thành, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, nói: “Tôi nhớ là cách đây sáu, bảy năm Thủ tướng Phan Văn Khải từng có văn bản yêu cầu tạm ngưng và rà soát việc cấp phép thành lập khu công nghiệp nhưng không hiểu sao bây giờ lại có tình trạng như vậy”.

Về vấn đề này, theo PGS.TS. Nguyễn Văn Nam, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thương mại, bên cạnh mục tiêu chính danh công nghiệp hóa như đã nói, không loại trừ động cơ vì muốn “có tiền cơ sở hạ tầng rót xuống mà có dự án lên tới hàng trăm tỉ đồng và để lấy thành tích “tỉnh tôi có ba khu, năm khu, bảy khu công nghiệp”.

Còn theo TS. Nguyễn Quang A, có trường hợp khu công nghiệp chỉ là “một hình thức biến tướng để bán đất cho một số người kinh doanh bất động sản thôi”. Bởi vậy, nhiều khu công nghiệp được lập nên mà không theo một quy hoạch “đàng hoàng”, “có tầm nhìn” nào cả.

Trong khi đó, theo bà Phạm Chi Lan, một trong những nguyên nhân là do thiếu một quy trình minh bạch và giải trình trong việc ra quyết định thành lập khu công nghiệp. Minh bạch là quá trình ra quyết định phải minh bạch và có sự tham gia ý kiến của nhân dân, trong đó có cả những người bị lấy đất, bị thiệt hại; và giải trình là trách nhiệm của người ra quyết định phải rõ ràng, nếu sai phải bị chế tài.

“Tôi giả sử nếu làm nghiêm ngặt, đối với những khu công nghiệp lấy đất của dân mấy năm trời mà bỏ hoang thì yêu cầu bồi thường thiệt hại trong những năm đó và trả lại đất cho dân. Đồng thời quy trách nhiệm cá nhân đối với những ai ra quyết định, tư vấn. Nếu được như thế thì sẽ hạn chế bớt tình trạng nhân danh công nghiệp hóa để ồ ạt lập khu công nghiệp” - bà Lan phát biểu.

Tuy nhiên, trên thực tế các quyết định lập khu công nghiệp lại đều không minh bạch, không ai chịu trách nhiệm về việc đó cả và theo bà Lan “dường như việc đó chỉ phục vụ cho lợi ích của một ai đó thôi”.

Nên rà soát lại

Bà Lan cho rằng một nước nông nghiệp như Việt Nam mà tất cả 63 tỉnh thành đều đòi phải có khu công nghiệp, có cảng thì quá bất hợp lý vì điều đó sẽ dẫn đến chia cắt trong phát triển, phá hỏng những chính sách lớn của nhà nước.

Theo bà, trong quy hoạch mới, nên có những vùng chỉ tập trung cao độ cho nông nghiệp và ngược lại nên để cho những vùng khác thuận lợi hơn làm công nghiệp, phục vụ lại cho vùng kia. Tuy nhiên, trước mắt, cũng như đối với sân golf, Chính phủ nên có biện pháp rà soát lại đối với việc lập khu công nghiệp, kể cả trả lại đất cho dân đối với những khu hoạt động kém hiệu quả và bỏ hoang nhiều năm.

Bình luận về con số hiệu suất của sản xuất công nghiệp tính trên đất đã cho thuê đạt khoảng 1,6 triệu đô la Mỹ/héc ta/năm, chuyên gia Phạm Chi Lan cho rằng không nên lấy đó làm mẫu số chung áp dụng chung cho tất cả vì không phải chỗ nào cũng làm được như vậy.

Mặt khác, điều quan trọng là lợi ích đó rơi vào ai, có phải cho đất nước hay phần lớn lợi ích đó rơi vào các doanh nghiệp nước ngoài hoặc một số ít doanh nghiệp trong nước? Hơn nữa, chưa ai tính cái giá phải trả cho những lợi ích đó. Nếu chỉ nhìn vào những con số đó là sai lầm.

PGS.TS. Đào Công Tiến, nguyên thành viên Ban Nghiên cứu của Thủ tướng, cho rằng việc phát triển khu công nghiệp là hoàn toàn cần thiết và thực tế đã có một số khu công nghiệp, khu chế xuất tương đối thành công, góp phần vào quá trình chuyển dịch cơ cấu của địa phương. Tuy nhiên, việc lập khu công nghiệp phải được đặt trong một quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội tổng thể, còn mạnh ai nấy làm như hiện nay là “trật”.

“Hy sinh nông nghiệp để lập khu công nghiệp, hy sinh rừng để làm công nghiệp, bất chấp phá hoại môi trường, điều đó là không thể chấp nhận”, ông Tiến phát biểu. Theo ông, tình trạng mở khu công nghiệp tràn lan xuất phát từ vấn đề quy hoạch, “có nơi thậm chí chưa có quy hoạch nhưng ngay cả khi có rồi thì chất lượng cũng rất kém”.

Theo Tiến sĩ Võ Đại Lược, nếu đối chiếu với mô hình khu công nghiệp hiện đại thì cách thức phát triển của ta gần như “hỏng hoàn toàn”. Quy mô thì nhỏ lẻ, manh mún; công nghệ, máy móc thì lạc hậu; môi trường bị hủy hoại; thu nhập của công nhân quá thấp (vì công nghệ lạc hậu).

Đặc biệt, “khu công nghiệp nào cũng gom vào đủ loại ngành nghề, lĩnh vực mà không hề có một sự phân công, phân bổ nguồn lực”. Ông Lược cho rằng nếu khu công nghiệp vẫn được tiếp tục phát triển với cách thức như vậy thì chẳng những không mang lại hiệu quả về kinh tế mà còn sẽ dẫn đến những nguy cơ bất ổn về mặt xã hội.

“Công nhân bất bình vì lương thấp, nông dân bất bình vì mất đất, giá đền bù thấp, xã hội bất bình vì môi trường bị hủy hoại. Tất cả những mâu thuẫn đó sẽ tạo nên nguy cơ bất ổn”, ông Lược phân tích.

Ông cho biết để giải quyết tình trạng hiện nay, ông đã từng đưa ra kiến nghị: một là tạm thời đình chỉ xây dựng các khu công nghiệp; hai là nếu có cấp phép thì phải cấp phép cho khu công nghiệp từ 1.000 héc ta trở lên; ba là phải có nhà đầu tư chiến lược.

Ông Lược giải thích: “Quy mô lớn như thế sẽ giúp loại bỏ được những nhà đầu tư nhỏ, năng lực kém và đồng thời ngăn chặn tình trạng ồ ạt lập khu công nghiệp hiện nay vì muốn kiếm đất có diện tích rộng không phải dễ. Mặt khác, quy mô lớn thì dễ gắn với việc phát triển mô hình khu công nghiệp-đô thị. Khi đó, phải có những nhà đầu tư chiến lược và vì gắn với đô thị nên việc cấp phép sẽ chặt chẽ hơn và bắt buộc nhà đầu tư phải có các biện pháp để giải quyết hàng loạt vấn đề như ô nhiễm môi trường, liên kết, giá đền bù...”.

Theo TBKTSG

Tin cùng chuyên mục

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự, chứng kiến Lễ ký, trao 26 thỏa thuận hợp tác của các bộ, ngành và doanh nghiệp Việt Nam và đối tác Anh.

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị COP26 và làm việc tại Anh: Ký kết thỏa thuận hợp tác trị giá hàng tỷ USD

(PLVN) - Nhân chuyến tham dự Hội nghị COP26 và làm việc tại Vương quốc Anh, chiều 31/10 (giờ địa phương), tại thành phố Edinburg, Scotland, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã dự, chứng kiến lễ ký, trao 26 thỏa thuận hợp tác trong các lĩnh vực thương mại, nông nghiệp, năng lượng, y tế, giáo dục, đào tạo, bảo vệ môi trường, thể thao... của các bộ, ngành và doanh nghiệp Việt Nam và đối tác Anh.

Đọc thêm

Giảm tải mật độ, hạn chế lây nhiễm trong khu cách ly

làm thủ tục tiếp nhận công dân vào khu cách ly tại Trường Quân sự Bộ Tư lệnh Thủ đô. Ảnh: báo Lao động (chụp tháng 2/2020)
(PLVN) - Những ngày vừa qua, số ca F1 chuyển biến thành F0 tăng nhanh nên TP Hà Nội đã chỉ đạo xét nghiệm toàn bộ số F1 đang cách ly để sàng lọc, rà soát mà không cần chờ đủ thời gian 7 ngày theo quy định. Qua xét nghiệm đã xác định thêm 27 ca bệnh chuyển từ F1 thành F0.

Những nữ Công an tỉnh Phú Thọ nhiệt huyết trong công việc

Chiến sỹ Cảnh sát nhập dữ liệu thông tin của người dân.
(PLVN) - Trong bất kể lĩnh vực công tác nào, thì những “bông hồng thép”- nữ cán bộ, chiến sĩ Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an Phú Thọ đều luôn nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ, góp phần mang lại cuộc sống bình yên, hạnh phúc cho nhân dân.