Cần đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công
Thay mặt Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hầu A Lềnh trình bày dự thảo Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi tới Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV.
Khái quát chung về tâm tư, nguyện vọng của cử tri và nhân dân, ông Lềnh khẳng định, cử tri và nhân dân tin tưởng, đánh giá cao sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của Đảng, Nhà nước trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng, kiện toàn hệ thống chính trị, tăng cường kiểm soát quyền lực, nhất là trong công tác cán bộ, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí “không dừng”, “không nghỉ”, “không có vùng cấm”.
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vấn đề cử tri, nhân dân băn khoăn, lo lắng nhiều như: những diễn biến phức tạp ở Biển Đông vi phạm nghiêm trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam; kỷ cương, kỷ luật hành chính chuyển biến còn chậm; quan liêu, tham nhũng, lãng phí mới được ngăn chặn ở mức độ nhất định; việc giải quyết khiếu nại, tố cáo chưa triệt để gây bức xúc ở một số địa phương…
Ông Lềnh cho biết, mặc dù Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo các bộ, cơ quan trung ương, địa phương thực hiện giải ngân vốn đầu tư công nhưng tỷ lệ giải ngân vẫn thấp. Nhiều công trình, dự án lớn đã được phê duyệt mà kéo dài nhiều năm chưa triển khai thực hiện hoặc chậm tiến độ, chất lượng chưa đảm bảo gây lãng phí, thất thoát và ảnh hưởng trực tiếp đến người dân.
Do đó, cử tri, nhân dân mong muốn các bộ, ngành, địa phương cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện giải ngân vốn đầu tư công, nhất là với những dự án trọng điểm, cấp bách, đồng thời bảo đảm chất lượng, hiệu quả, tránh lãng phí, thất thoát; xử lý nghiêm tình trạng nhũng nhiễu, lót tay, vòi vĩnh gây khó khăn trong giải quyết thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp; minh bạch hóa tối đa các dự án đầu tư công; thực hiện phân cấp, giao quyền, làm rõ trách nhiệm người đứng đầu.
Về quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường, ông Lềnh cho biết, cử tri phản ánh về tình trạng ô nhiễm môi trường chậm được khắc phục. Mức độ ô nhiễm không khí tại các thành phố lớn, đặc biệt là tại Hà Nội, TP HCM ở mức đáng báo động, nguy hại đến sức khỏe con người; tiến độ di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường tại các đô thị rất chậm; việc phản ứng của chính quyền địa phương với sự cố môi trường, nhất là đối với các vụ cháy, nổ còn lúng túng.
Cùng với đó, tình trạng khai thác cát, sỏi trái phép, không phép, chặt phá rừng vẫn tiếp tục diễn ra nhưng việc xác minh, xử lý trách nhiệm của người đứng đầu địa phương, tổ chức, cá nhân buông lỏng quản lý hoặc tiếp tay cho vi phạm chưa thực sự quyết liệt và hiệu quả.
“Đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường, các cơ quan chức năng và các địa phương quản lý chặt chẽ việc khai thác tài nguyên, khoáng sản, xử lý nghiêm các vi phạm; tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý trong lĩnh vực đất đai; thực hiện công khai, minh bạch các dự án đầu tư bất động sản, kịp thời rà soát, xử lý đối với các dự án đã giao nhưng không thực hiện hoặc sử dụng không đúng mục đích; sửa đổi, bổ sung một số bất cập trong Luật Đất đai hiện hành”, ông Lềnh nói.
“Tham nhũng vặt” chưa được ngăn chặn có hiệu quả
Về an ninh trật tự, an toàn xã hội, ông Lềnh cho biết, cử tri, nhân dân ghi nhận việc lực lượng công an đã chú trọng công tác đấu tranh phòng ngừa tội phạm, điều tra, xử lý kịp thời những vụ án, hành vi vi phạm pháp luật gây bức xúc trong dư luận xã hội.
Tuy nhiên, tình hình tội phạm vẫn diễn biến phức tạp, liên tiếp xảy ra nhiều vụ giết người, cố ý gây thương tích, chống người thi hành công vụ với hành vi liều lĩnh, manh động.
Tình trạng bạo hành phụ nữ, xâm hại và lạm dụng tình dục trẻ em vẫn xảy ra; tội phạm có tổ chức, tội phạm liên quan đến “tín dụng đen” như cầm đồ, đòi nợ thuê, bắt giữ người trái pháp luật gây lo lắng, bất an trong nhân dân; nhiều vụ việc lừa đảo thủ đoạn tinh vi với số lượng hàng ngàn tỷ đồng, hàng chục ngàn người là nạn nhân; tội phạm sử dụng công nghệ cao, tội đánh bạc, tội phạm về ma túy với số lượng rất lớn có chiều hướng gia tăng, đặc biệt có sự tham gia của người nước ngoài và có dấu hiệu cấu kết của những đường dây tội phạm xuyên quốc gia.
Cơ quan giám sát đề nghị Bộ Công an, các ngành chức năng, các địa phương có biện pháp mạnh mẽ, quyết liệt hơn trong phòng ngừa, đấu tranh, trấn áp tội phạm trên, tăng cường quản lý người nước ngoài tại Việt Nam, xử lý nghiêm đối tượng phạm tội.
Về đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, theo ông Lềnh, cử tri tiếp tục tin tưởng, đánh giá cao Đảng, Nhà nước đã và đang quyết liệt lãnh đạo, chỉ đạo xử lý nhiều vụ việc, vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm, xử lý nghiêm nhiều cán bộ, đảng viên sai phạm.
Tuy nhiên, công tác phòng ngừa, phát hiện tham nhũng chưa kịp thời, việc xử lý tham nhũng ở một số nơi chuyển biến chưa mạnh, nhất là ở địa phương, cơ sở; “tham nhũng vặt” chưa được ngăn chặn có hiệu quả; việc xử lý, thu hồi tài sản bị tham nhũng mặc dù đã được quan tâm hơn nhưng hiệu quả chưa cao; công khai, minh bạch tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức còn hình thức.
“Đề nghị Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước, Bộ Công an, VKSND Tối cao, TAND Tối cao và các cơ quan hữu quan chỉ đạo, đẩy nhanh tiến độ điều tra, xử lý các vụ việc, vụ án kinh tế, tham nhũng, nhất là những vụ việc, vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo; tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, hạn chế hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực, tham nhũng của cán bộ, công chức, viên chức”, ông Lềnh nêu rõ.
Cũng tại phiên họp, Báo cáo Kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 7 của Quốc hội, Trưởng ban Dân nguyện của Quốc hội Nguyễn Thanh Hải cho biết, liên quan đến vấn đề đạo đức công vụ, có hiện tượng tham nhũng xảy ra trong chính các cơ quan có chức năng chống tham nhũng, cơ quan bảo vệ pháp luật và đã được cử tri phản ánh từ lâu.
Ngoài ra, từ thực tế phát hiện sai phạm của một số thanh tra viên Bộ Xây dựng tại tỉnh Vĩnh Phúc bị khởi tố, bắt tạm giam trong thời gian gần đây cho thấy, đây là một hiện tượng có thật tuy không phổ biến nhưng tác hại, hậu quả mà nó gây ra trong dư luận xã hội là rất lớn, ảnh hưởng trực tiếp đến lòng tin của nhân dân.
Do đó, Ban Dân nguyện của Quốc hội kiến nghị người đứng đầu cơ quan có chức năng chống tham nhũng, cơ quan bảo vệ pháp luật cần tập trung rà soát, thanh lọc đội ngũ cán bộ, chuyển đổi vị trí công tác đảm bảo bố trí đúng cán bộ có năng lực, phẩm chất và đạo đức công tác tại các vị trí này.