Thất tình là giết người, phóng hỏa
Điểm mặt rất nhiều ca khúc nhạc trẻ có lượng view khủng trên Youtube hiện nay đều có vài điểm chung, ngoài ca từ bi thảm từ cuộc tình tan vỡ, chính là sự hằn học, uất ức khi tình yêu phản bội, dẫn tới trả thù, tiêu diệt nhau. Những hình ảnh súng ống, dao rựa, gậy gộc, … đều được phơi bày lộ liễu, vừa xa rời tính nghệ thuật vừa phản cảm, khơi gợi bạo lực, không có tính giáo dục, thậm chí còn không đúng thực tế. Cụ thể chỉ riêng việc lạm dụng hình ảnh “súng ống”, trên thực tế pháp luật quản lý rất chặt chẽ chứ không “dễ” như trong các MV, cứ hận tình là các nhân vật rút súng ra bắn chết người khác được.
Dễ nhận thấy nữa, một số ca khúc có lượng xem từ vài triệu đến vài chục triệu đều chung mô típ kịch bản tình yêu bi thảm dẫn đến cái kết thảm khốc. Ca khúc Những kẻ mộng mơ (Noo Phước Thịnh) có cảnh anh chàng sau chia tay dìm bạn gái xuống biển, rồi “tỉnh bơ” về nhà cắt tóc. Trong Màu nước mắt (Nguyễn Trần Trung Quân) đỉnh điểm cảnh các nhân vật xô xát tranh giành người tình, một anh chàng lấy chiếc gạt tàn thủy tinh “táng” vào đầu anh chàng còn lại, rồi cười điên loạn trong đau khổ. Hay trong nhiều bài hát như Tận cùng của nỗi nhớ (Will), Em muốn anh đưa em về (Hồ Ngọc Hà), Về (Đạt G)…, các nhân vật cũng phải dùng đến súng đạn để giải quyết mâu thuẫn tình cảm…
Gây nhiều tranh cãi mới nhất là MV mới ra mắt của Chipu với tên Mời anh vào team em, không những bị chỉ trích vì tính gợi dục, MV còn có cảnh cầm dao nhuộm máu phản cảm. Ngoài ra hình ảnh cô gái biến người yêu thành lợn, chế biến thành món ăn rồi mời người khác đến “thưởng thức” ngay lập tức bị dư luận lên án bởi tính bạo lực, “xúc phạm loài người”.
Việc những bài hát tình ca của nhạc trẻ Việt ngày càng lạm dụng các cảnh bạo lực lộ liễu đã và đang là một vấn nạn nhức nhối, bị lên án bởi toàn bộ xã hội hiện nay. Từ thực trạng ngày càng nhiều những vụ xô xát, trả thù vì lý do yêu đương ở lứa tuổi thanh thiếu niên, nhiều phụ huynh đã bày tỏ lo ngại con trẻ ngày nay bị “tiêm nhiễm” những văn hóa đồi trụy, cổ súy bạo lực trên Internet. Thậm chí, có trường hợp các cháu bé mới tầm 5-6 tuổi đã bị cuốn hút theo những MV nhạc trẻ nhan nhản trên Facebook, Youtube với cảnh ăn mặc hở hang, tục tĩu, rồi cũng học theo kiểu nói năng tục tĩu, sành sỏi như dân “anh chị” xã hội, khiến các bậc cha mẹ còn lo lắng hơn.
Đối với thanh thiếu niên, các bản nhạc tưng bừng, bắt tai, lời ca “sốc, sến” được cho rằng như “thế mới gần gũi, thời thượng”, “đúng khẩu khí nổi loạn của người trẻ”, “dùng để giải trí, xả stress”. Nhưng nghe đi nghe lại thành câu cửa miệng lúc nào không hay. Các chuyên gia tâm lý cảnh báo: bộ lọc của các bạn trẻ còn yếu, việc tiếp xúc với những chuyện gây sốc, chửi thề, văng tục…đều ảnh hưởng đến gu thẩm mỹ, nhận thức và hành vi của giới trẻ, thậm chí có thể “vẽ đường cho hươu chạy”, dẫn tới hành động quá khích.
Bạo lực, hậm hực tràn ngập nhạc trẻ |
Quản lý còn lỏng lẻo
Trong giới nghệ thuật, nhiều người như nhạc sĩ Quốc Trung, nhạc sĩ Việt Anh, nhạc sĩ Lê Minh Sơn, ca sĩ Tùng Dương … cũng thẳng thắn chỉ trích những bài hát “cổ súy lối sống bất cần, vô cảm, vô văn hóa” và mong muốn sự văn minh, trong sáng trở lại trong sáng tác và thưởng thức âm nhạc. Người nghệ sĩ dẫu có thực hiện ca khúc với mục đích giải trí thì cũng lành mạnh. Bởi ngoài mục đích giải trí, âm nhạc còn có chức năng nâng cao nhận thức, giáo dục tư tưởng và định hướng thẩm mỹ. Giới nghệ sĩ chân chính khẳng định, dù thuộc dòng âm nhạc nào, dù tự do sáng tạo cỡ nào thì một ca khúc tử tế thể hiện ý thức nghề nghiệp, lòng tự trọng và là “bộ mặt” của người nghệ sĩ.
Nhiều nghệ sĩ lẫn các nhà mạng đa kênh lý luận họ đã dựa trên độ tuổi người dùng khi đăng ký tài khoản để kiểm soát nội dung và xác định khán giả mục tiêu. Tuy nhiên, lượng khán giả phần lớn vẫn là người dùng trực tiếp, không đăng ký tài khoản. Và hầu hết việc khai thông tin cá nhân khi đăng ký tài khoản đều không thật. Lợi dụng những “lỗ hổng” kiểm duyệt trên mạng xã hội, nhiều nhà sản xuất chỉ quan tâm đăng tải nội dung hút view để mau chóng “đếm tiền”.
Tiềm ẩn nhiều nguy cơ như thế nhưng hầu như các sai phạm ở lĩnh vực nội dung trên YouTube nặng nhất chỉ phạt hành chính và gỡ bỏ nội dung, hoàn toàn chưa có sự kết hợp các bên để điều chỉnh nội dung sản xuất qua các trang mạng. Trường hợp xử phạt tiêu biểu nhất là vào năm 2014, Bộ VH-TT&DL xử phạt ca sĩ Yanbi và Mr.T 5 triệu đồng/người vì “phổ biến bản ghi âm có nội dung không lành mạnh” với ca khúc Phiếu bé ngoan và Tan Ka Ka; đồng thời yêu cầu gỡ bỏ và xóa nội dung vi phạm khỏi hệ thống. Các trang mạng đăng tải hai bài hát nhạc cũng bị phạt mỗi trang 8 triệu.
Thực tế cho thấy, đến nay, việc quản lý của cơ quan chức năng lẫn cửa kiểm duyệt của các kênh phát hành online vẫn còn quá lỏng lẻo. Đó là cơ hội để những MV phản cảm, lộ liễu, không có tính thẩm mỹ và giáo dục ngày càng lan tràn, thậm chí còn trở thành trào lưu, hiện tượng mạng cho người trẻ học theo.