Nhạc sĩ Trương Ngọc Ninh - Chủ tịch Hội Âm nhạc Hà Nội - nói ông đau buồn khi nghe tin đàn anh qua đời. Mấy ngày trước, khi ông đến thăm bạn ở Bệnh viện Hữu Nghị, Văn Ký vẫn minh mẫn, trò chuyện vui vẻ.
Những năm cuối đời, nhạc sĩ sống lạc quan. Trong chương trình truyền hình Cuộc sống vẫn tiếp diễn hồi tháng 5, ông cho biết thường tự luyện tập yoga ở nhà theo phương pháp Ấn Độ, chọn những động tác vừa phải.
Trước diễn biến Covid-19, ông phổ nhạc bài thơ Covid phải lùi xa của tác giả Lê Chín. Ông nói trong chương trình: "Tôi vẫn yêu cuộc sống, vẫn muốn mọi người hát lên những âm điệu tươi trẻ".
Nhạc sĩ Văn Ký. Ảnh: Nguyễn Đình Toán. |
Sinh thời, nhạc sĩ Văn Ký có khoảng 400 nhạc phẩm cách mạng như Bình Trị Thiên quật khởi, Tình hậu phương, Chiến thắng hòa bình, Dân công lên đường, Lúa thoái tô... Tác phẩm nổi tiếng nhất của ông - Bài ca hy vọng - ra đời năm 1959, gắn với tên tuổi nhiều giọng ca như Trung Kiên, Lê Dung, Quang Thọ.
Trong những chuyến thực địa, ông cũng sáng tác nhiều ca khúc về các tỉnh, thành như Nha Trang mùa thu lại về, Nhớ Nha Trang, Nam Định yêu thương, Vũng Tàu bến vui, Nhớ Đồng Nai, Tôi yêu Ban Mê, Nụ cười Sài Gòn, Kỷ niệm An Khê, Gia Lai thân yêu, Chuyện tình Mũi Né... Ngoài ra, nhạc sĩ là tác giả vở ca kịch Nhật ký sông Thương, Đảo xa, nhạc phim Cô gái công trường, Trên vĩ tuyến 17...
Tên đầy đủ của cố nhạc sĩ là Vũ Văn Ký, sinh ngày 1/8/1928 ở Vụ Bản, Nam Định trong gia đình có truyền thống nho học. Ông tham gia cách mạng từ năm 1943, khi mới 15 tuổi. Nhạc sĩ từng được trao Huân chương kháng chiến chống Pháp hạng ba, Huân chương kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng nhất, Huân chương Độc Lập hạng ba và được phong tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật vào năm 2001.