Cách đây 7 năm, từ Hà Nội, nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha ( Hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam) đã góp phần tạo ra sự đặc sắc của Báo Hải Phòng cuối tuần bằng 100 tình khúc đăng trong chuyên mục “ Trăm năm tình khúc”. Sau Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, gặp lại nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha tôi thấy anh như trẻ lại với “Tuyển tập 1000 ca khúc Thăng Long- Hà Nội”. Đằng sau ấn phẩm ấy còn là kinh nghiệm của người nhạc sĩ hiểu mình, làm âm nhạc theo cách của mình
- Là nhạc sĩ, anh không chỉ sáng tác cái của mình, mà còn tìm kiếm “cái của người”. Anh thích sưu tầm ca khúc từ bao giờ vậy?
-Từ sau ngày đất nước thống nhất năm 1975, tôi đã có thú sưu tầm ca khúc, nhất là ca khúc Việt
-Từ con số 100 đến 1000 như trên, anh có thể định hình các tiêu chí đối với người sưu tầm âm nhạc?
-Theo tôi, cần phải có thời gian, những am hiểu nhất định về chuyên môn và nhất là phải có lòng đam mê thực sự. Khi đã có ý thức về công việc cần làm, thì đi đến đâu, mình cũng chủ ý tìm kiếm cái mình hướng tới. Tôi đã từng lần mò các sạp sách ở vỉa hè Sài Gòn, các tủ sách gia đình bạn bè ở Hà Nội để tìm những bản nhạc ca khúc. Ý nghĩ mình là chủ sở hữu nhiều bản nhạc ca khúc khiến tôi rất vui.. Đặc biệt thôi thúc tôi vẫn là qua công việc sưu tầm, góp phần thể hiện toàn cảnh âm nhạc Việt
- Cụ thể là những ai? Họ đã cộng tác với anh thế nào trong khâu tuyển chọn và biên tập 1000 ca khúc trên?
- Đó là các GS, nhạc sĩ Dương Viết Á, Vũ Nhật Thăng, Đặng Hoành Loan. Chính GS, nhạc sĩ Dương Viết Á đã đưa ra tiêu chí sắp xếp 1000 ca khúc theo các phần Sử ca, Hùng ca, Hoan ca (theo thời gian lịch sử đất nước) và Tình ca (theo lịch sử Tân nhạc với điểm nhấn là những chùm ca khúc của các tác giả viết nhiều về Hà Nội) như Đoàn Chuẩn, Nguyễn Văn Quý, Phú Quang, Hữu Xuân, Quỳnh Hợp…Và trong quá trình thực hiện các tiêu chí này, tôi lại phát hiện thêm còn hai mảng ca khúc nữa về thiếu nhi và bốn mùa của Hà Nội. Thế là tuyển tập có thêm phần Nhi ca và Mùa ca. Với 1.200 trang, tuyển tập không chỉ hệ thống lại các bản nhạc về Hà Nội mà còn đưa ra các thế hệ nhạc sĩ từ thuở Tân nhạc đến nay cũng như sức sống các ca khúc góp phần vào bộ Sử nhạc Thủ đô.
- Là người đứng giữa hai con số 100 tình khúc và 1000 ca khúc như trên, anh có thể chia sẻ kinh nghiệm làm tuyển tập âm nhạc Hải Phòng?
- Việc làm tuyển tập ca khúc về Hải Phòng hay không còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Nhưng qua thực tế sưu tầm cũng như đã được tiếp cận một số tập ca khúc về Hải Phòng, tôi thấy âm nhạc Hải Phòng cần thiết phải được xâu chuỗi lại thành một ấn phẩm dày dặn. Những bất ngờ về đội ngũ tác giả (trong đó có cả nhạc sĩ thuở Tân nhạc) cũng như tác phẩm ( cả những hợp xướng về Hải Phòng) càng chứng minh về sức hấp dẫn của thành phố cửa biển đối với lĩnh vực âm nhạc. Nếu Hải Phòng làm tuyển tập âm nhạc về Hải Phòng, tôi sẽ không đứng ngoài cuộc.
- Xin cảm ơn anh!
Ngọc Anh thực hiện