Người nghệ sĩ “2 trong 1”
Nhạc sĩ Ngọc Sơn tên thật là Thái Ngọc Sơn (SN 1934, hiện sống tại TP HCM) được biết đến là chủ nhân của nhiều bài hát nổi tiếng như: “Ngõ vào đời”, “Có những đêm buồn”, “Nét son buồn”, “Một trăm phần trăm em ơi”, “Hái lộc đầu năm”, “Không bao giờ xa nhau”… Đây là những ca khúc vượt thời gian, đã đi vào lòng người qua nhiều thế hệ. Tuy nhiên, ít ai biết rằng, để có được tên tuổi như ngày hôm nay, nhạc sĩ Ngọc Sơn phải trải qua biết bao lận đận, thăng trầm.
Nói về chuyện đời, chuyện nghề, người nhạc sĩ lão thành cho biết, ông có niềm đam mê âm nhạc từ thuở nhỏ. Ban đầu, ông thích hát rồi làm vũ công. Một thời gian sau, thấy mình cũng có năng khiếu sáng tác, ông quyết định “tầm sư học đạo” và chuyển hướng sang làm nhạc sĩ.
Đến năm 19 tuổi, ông bắt đầu có sáng tác đầu tiên là bài “Ngõ vào đời”, với những câu hát ru kinh điển: “Gió mùa thu mẹ ru con ngủ/ Năm canh dài thức đủ năm canh”, thế nhưng không được ai chú ý đến.
“Lúc đó, tôi mang đến nhiều hãng đĩa giới thiệu nhưng tất cả đều lắc đầu. Dù vậy nhưng tôi không những không nản chí mà vẫn tiếp tục sáng tác nhiều ca khúc khác vì tôi rất yêu nghề này. Và rồi, thành quả của tôi cuối cùng cũng được đền đáp khi được hãng đĩa của nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông ký hợp đồng, ttừ đó tạo bước ngoặt lớn trong sự nghiệp sáng tác của tôi. Tên tuổi của tôi bắt đầu được nhắc đến ngày càng nhiều”, nhạc sĩ Ngọc Sơn kể.
Nhạc sĩ Ngọc Sơn thời trẻ. |
Sau khi khẳng định được vị thế, nhạc sĩ Ngọc Sơn mở nhà xuất bản - hãng đĩa hát Dư Âm và lớp nhạc Ngọc Sơn trên đường Phạm Ngũ Lão (Sài Gòn) để dạy những người có đam mê nghệ thuật. Bằng sự nhiệt tình và tận tâm, nhạc sĩ Ngọc Sơn đã đào tạo nên nhiều tên tuổi nổi danh. Trong số đó phải kể đến danh ca Chí Tâm, Giao Linh, Yến Linh, Đắc Chung, Phượng Vũ, Lam Tuyền…
Điểm đặc biệt ở “cây đại thụ” này là ông luôn nắm được thị trường âm nhạc. Nếu như trước năm 1975, ông viết nhạc về tình yêu đôi lứa, nhạc thời chiến và nhạc tân cổ với nét phong trần, trau chuốt thì sau này ông đổi mới cách viết và tập trung vào dòng nhạc mang âm hưởng dân ca Nam bộ ngọt ngào, da diết, trữ tình, sâu lắng từ nhạc sang, nhạc sến đến nhạc buồn…
Sau năm 1975, nhạc sĩ Ngọc Sơn còn viết nhạc phim, trong đó nhiều nhất là những bộ phim được chuyển thể từ tác phẩm của nhà văn Hồ Biểu Chánh. Giai điệu buồn day dứt, âm thanh trầm bổng như ru người nghe bằng những ca từ đậm chất tình người. Lúc như ai oán tình đời, lúc trầm bổng cho thân phận nổi trôi của người lạc bước, làm cho người ta trăn trở, bởi thấy kiếp… phù du.
Song hành với việc sáng tác nhạc, nhạc sĩ Ngọc Sơn còn được biết đến là một nghệ sĩ nhiếp ảnh với hơn 60 năm vào nghề. “Người hướng tôi đến nhiếp ảnh là nhà báo Văn Mười. Từ đó, tôi có thêm một đam mê nữa là nhiếp ảnh. Thời đó, mua được cái máy là cả một vấn đề, vì vậy tôi rất quý trọng nó, đi đến đâu tôi cũng mang theo để ghi lại những khoảnh khắc đẹp. Và dường như đó là trải nghiệm hứng thú, là chất xúc tác tuyệt vời cho những bài hát của tôi”, nhạc sĩ Ngọc Sơn bày tỏ.
Nhạc sĩ Ngọc Sơn chia sẻ, mỗi khi việc sáng tác có vấn đề hay “bí” đề tài, ông đều cầm máy đi chụp bất cứ những gì mà ông thấy. Sau một chuyến đi, ông lại dồi dào ý tưởng, chất liệu sáng tác.
Mối tình “khắc cốt ghi tâm” dành cho nữ sinh tuổi 18
Theo nhạc sĩ Ngọc Sơn, dù có nhiều sáng tác nhưng có 3 bài hát mà ông nhớ nhiều nhất, đó là “Một trăm phần trăm”, “Còn gì nói đêm nay”, “Nét son buồn”. Cả 3 bài hát đều được viết cho một mối tình sâu sắc của ông dành cho một nữ sinh mà sau này ông không hề giấu giếm với ai, ngay cả với vợ của mình.
Ông kể, vào năm 1968, ông và một cô gái khoảng 18 tuổi phải lòng nhau. Cô gái rủ đi xem phim, rủ đi Vũng Tàu… nhưng vì công việc nên ông không thể đi được. Sợ người yêu giận nên ông đã viết thành bài “Một trăm phần trăm” để giải thích cho người yêu, mong sự thông cảm của cô gái: “Một trăm em ơi! Chiều nay một trăm phần trăm/ Một trăm em ơi! Chiều nay một trăm phần trăm…/ Đừng ghen và nhớ xin đừng hờn dỗi/ Chiều nay không em thấy yêu em nhiều hơn cớ sao em buồn”.
Thời điểm đó, ông có ý tưởng để viết bài hát nhưng không thể hoàn thiện thành bài nên rủ nhạc sĩ Tuấn Hải viết chung. Trong phần nhạc tờ phát hành trước 1975, bài hát được ghi tên tác giả là Ngọc Sơn - Tuấn Hải.
Bìa album “Còn gì nói đêm nay” thời điểm phát hành lần đầu. |
Nhạc phẩm “Một trăm phần trăm” được nhạc sĩ Ngọc Sơn tự nhận xét là không phải là xuất sắc nhưng lại rất được công chúng yêu mến thời đó qua tiếng hát Hùng Cường. Sau khi viết nhạc xong, ông nghĩ ngay đến người bạn lúc trẻ của mình là Hùng Cường và cho rằng chỉ có giọng ca này mới truyền tải được trọn vẹn tinh thần của bài hát. Khi “Một trăm phần trăm” được phát hành nhạc tờ thì bán rất chạy và tái bản nhiều lần.
Trở lại câu chuyện tình trong bài hát, họ yêu nhau được hơn một năm thì chia tay vì gia đình của cô gái không đồng ý, một phần là do không muốn cô gái quen với nghệ sĩ. Đêm chia tay, họ ngồi bên nhau, cô gái khóc không ngừng. Dù rất yêu nhưng cô cùng đành vì chữ hiếu mà lìa xa.
“Đêm hôm ấy, tôi và cô ấy ngồi bên nhau nơi góc sân trường, hai người cứ lặng im không nói một lời gì, thỉnh thoảng nghe tiếng thở dài, hòa lẫn vài điệu buồn của loài dế đêm buông tiếng than nức nở như đồng cảm xót xa cho một cuộc tình sắp ly tan. Cô ấy đã khóc, khóc rất nhiều… cũng đành thôi, xin nói lời giã biệt”, nhạc sĩ Ngọc Sơn kể.
Sau đêm đó, nhạc sĩ Ngọc Sơn đã viết ca khúc “Còn gì nói đêm nay” để ghi dấu đêm buồn định mệnh đó: “Đêm nay là đêm cuối/ Ngày mai đôi đứa đôi đường/ Nghìn sầu trút hết đêm này/ Lệ buồn chỉ thay lời nói/ Em ơi đời ngang trái thì trách duyên kiếp đôi mình/ Đau thương mới biết yêu nhiều/ Nghẹn ngào tiếc đêm không dài..”
Dường như chỉ một ca khúc “Còn gì nói đêm nay” thì không thể nói hết được tâm tư đau đớn của mình, nhạc sĩ Ngọc Sơn viết tiếp “Nét son buồn” để gửi cố nhân: “Khóc đi khóc cho vơi sầu/ Em khóc đi khóc duyên hững hờ/ Để lại dấu tích trong đời/ Một mai em về với chồng/ Mang theo một mối u hoài/ Chất ngất thiên thu…”
Giải thích về tên nhạc phẩm “Nét son buồn”, nhạc sĩ Ngọc Sơn cho biết đó là cô gái còn rất trẻ, môi còn trinh nguyên. Ông đã gọi tên “Nét son buồn” để ghi dấu lần đầu được kề môi, rồi để lại nỗi buồn “chất ngất thiên thu”.
“Nét son buồn” được hoàn thành năm 1969 và ca sĩ Thanh Lan hát đầu tiên. Sau năm 1975, có nhiều nữ ca sĩ trình bày lại: như Khánh Ly, Lệ Thu… nhưng nhạc sĩ thích nhất bản thu của Ngọc Lan.
Nói về mối tình này, người nhạc sĩ cho biết, ông vẫn còn lưu luyến trong rất nhiều năm sau đó. Liên tục vài tháng sau khi chia tay, mỗi buổi sáng ông vẫn theo dõi người yêu từ xa, chỉ đứng ở bên kia đường lén nhìn theo hình dáng cũ rồi lặng lẽ ra về.