Cuộc sống vừa đủ dùng
- Mối lương duyên nào đã đưa nhạc sĩ gặp được người vợ trẻ hiện tại?
Vợ tôi và tôi gặp trong một hoàn cảnh cũng bình thường thôi. Bạn bè giới thiệu thế là quen biết nhau, đặc biệt không có tiếng sét ái tình, chỉ từ từ tìm hiểu. Tôi thấy cô ấy rất chín chắn, chúng tôi có nhiều điểm hợp, ai cũng bảo khác biệt tuổi tác như thế cách 44 tuổi làm sao mà nói chuyện được. Tuy nhiên cô ấy có sự chín chắn và có một sự hiểu biết của một người đã từng trải. Những chuyện tôi định nói là cô ấy đã biết và đã làm cho tôi rồi. Đó là điều khiến tôi rất xúc động.
- Nhạc sĩ có thể chia sẻ bí quyết giữ gìn tình yêu của mình?
Khi chúng ta bỏ thì giờ ra xem những dấu hiệu nho nhỏ của cuộc sống để nối những điểm nho nhỏ ấy lại thì sẽ thấy có sự tương đồng giữa nhiều sự việc khác nhau. Đó là làm sao nhớ mình, yêu mình, tôn trọng lẫn nhau. Tình yêu không có sự tôn trọng, coi thường lẫn nhau sẽ chấm dứt ngay và sau đó thêm một tí “gió” thiếu tiền là “xong” ngay. Trong hoàn cảnh nào cũng thế, tôi nghĩ điều quan trọng trong tình yêu là sự tôn trọng. Phải thường xuyên duy trì và nhắc nhở nhau. Bởi vì may một cái áo phải mất 3 năm nhưng để xé nó ra chỉ mất một giây.
- Dường như cuộc sống của nhạc sĩ đã thay đổi rất nhiều từ khi có vợ con?
Đúng vậy, người ta bảo có an cư thì mới lạc nghiệp. Bây giờ tôi là một người đặc biệt rất may mắn. Tôi được ơn trên ban cho rất nhiều điều tốt lành. Đối với tôi không gặp nạn là may mắn. Tôi không đòi trúng số. Ơn trên ban cho cuộc sống vừa đủ dùng. Có một cuộc sống, có một gia đình mà tôi tương đối an tâm vì mọi chuyện rất tốt. Cũng may vợ tôi mặc dù rất trẻ nhưng rất chín chắn, còn tôi mặc dù đáng lẽ phải chín chắn nhưng tôi còn tào lao lắm.
- Nhạc sĩ làm cách gì để rút ngắn khoảng cách chênh lệch hơn 40 tuổi giữa hai vợ chồng?
Sống với chính lòng mình. Nếu như tôi đã thương cô ấy như là cô ấy và cô ấy đã thương tôi như là tôi thì đừng thay đổi điều đó. Cái sai lầm của một số chúng ta là sau khi lấy được nhau thì muốn biến người mình lấy được trở thành một người khác theo mẫu mình mong muốn. Không thể nào chúng ta hạn chế sự tự do của người khác bằng cách kết luận “tại vì em yêu anh nên em muốn vậy”, nếu thế hãy yêu kiểu khác đi.
Tôn trọng lẫn nhau là gì, đó là chấp nhận cái hay cũng như cái dở của nhau. Cái hay thì giúp phát triển lên, cái dở thì không phải ghét bỏ nhưng làm sao phải hạ hỏa với cái đó. Tôi nhớ câu chuyện này: Có một cặp vợ chồng kia làm ăn thất bại, ông chồng nói với bà vợ bây giờ chúng ta nghèo, chẳng còn gì, chắc là em bỏ anh, chắc em sẽ yêu anh bớt đi, thì bà vợ người thật sự yêu chồng quay lại lườm chồng và nói rằng tôi chỉ có thể ghét ông nhiều thêm nhưng tôi không thể yêu ông kém đi. Có như thế họ mới giữ được nhau.
Tình dang dở chỉ là tình… dở hơi
- Nhạc sĩ tâm đắc với tác phẩm nào nhất trong sự nghiệp sáng tác của mình?
Tôi nghĩ những người sống nhiều về sáng tạo lúc nào cũng muốn tăng trưởng. Cùng về một sự vật nhưng mỗi một thời điểm cho chúng ta một suy nghĩ khác nhau. Có nhiều bài tôi tâm đắc, những bài mà tôi bỏ nhiều thì giờ khi đưa ra được đón nhận và đồng cảm với nhiều khán giả thuộc nhiều tầng lớp khác nhau. Thường những bài hát đầu tiên trong sự nghiệp sáng tác sẽ được tâm đắc vì lúc đó chưa có nhiều bài, chưa bị áp lực phải tự so sánh với chính mình. Còn khi bạn đã có 40 bài hát yêu thích thì bài viết thứ 41 phải bằng hoặc hay hơn chứ không được thua
- Nhạc sĩ làm thế nào để có một bài hát ưng ý?
Viết lại, viết lại và viết. Nếu cảm tưởng như ca khúc chưa theo ý của mình, thiếu một chút xíu thôi, kiểu như viết ra biết trước chạy đua mà thua nửa bánh xe. Lần nào ra đua cũng thua nửa bánh xe thì đừng đua nữa, nhất là đua với chính mình. Nếu bạn đã có 1-2 cuốn truyện hay thì không sao nhưng nếu bạn có chừng 4-5 cuốn truyện đã hay rồi thì người ta đòi hỏi bạn hơn thế nữa, đòi hỏi bạn ở những tiêu chuẩn khác vì thế phải kiên nhẫn viết lại nhiều lần.
- Theo nhạc sĩ, nếu có những cảm giác thất tình hoặc đau khổ thường sẽ dẫn đến việc có những bài hát hay hơn?
Đúng. Nhưng đó là một phần thôi. Một viên kim cương có cả ngàn khía cạnh, mặt nào cũng đẹp theo một cách riêng của nó dưới một hướng đèn nào đó. Thường chúng ta chỉ nghĩ tình chỉ đẹp khi còn dang dở, tôi cho đó là dở hơi, không có gì làm hữu ích cho cuộc sống. Cứ ngồi tơ tưởng một cái mà mình biết trước là phải chấm dứt để khởi đầu một cái mới thì gọi dang dở là thế nào?
Tình chỉ đẹp khi mà hai bên cùng muốn nó đẹp thôi. Một bên mà không muốn nó đẹp thì đố bạn làm cho nó đẹp. Thế nên cái buồn chỉ là một mặt thiết yếu của viên kim cương tình yêu thôi. Lúc xưa tôi nghĩ tình yêu đơn giản, tình yêu như một tờ giấy có hai mặt, mặt trước, mặt sau dễ thôi, nhưng bây giờ tình yêu là muôn mặt.
- Khoảng thời gian này anh rất tâm huyết với âm nhạc?
Tôi tìm ra được một điều mà tôi rất hứng thú là tôi vẫn còn đam mê học hỏi như thời tôi còn bé. Thường khi gặp điều mới chúng ta thường nghi ngờ không học vì nghĩ là mất thì giờ nhưng khi tôi đụng tay vào thử thì thấy hay vô cùng. Lúc nào bạn muốn, bạn có thể làm mới lại từ đầu, điều đó giúp bạn hay hơn. Cũng thời gian này trùng hợp với sự ra đời của con tôi. Chính những điều này là động lực khiến tôi càng làm việc tốt hơn nữa.