Nhà văn Vũ Tú Nam tên khai sinh là Vũ Tiến Nam. Ông sinh năm 1929 trong một gia đình tiểu trí thức, quê ở Nam Định. Cha ông là một viên chức nhỏ của Pháp ở Hòa Bình nên ông học tiểu học ở Hòa Bình.
Ngoài người anh trai nổi tiếng nhưng mất sớm là nhà thơ Vũ Cao - tác giả bài thơ Núi Đôi, ông còn là em trai của nhà thơ Vũ Ngọc Bình - tác giả của bài thơ Con mèo mướp từng được đưa vào giảng dạy trong chương trình giáo dục tiểu học trước đây.
Vợ ông là nhà văn Thanh Hương, nguyên tổng biên tập báo Phụ Nữ Việt Nam.
Năm 1947, ông nhập ngũ. Nhờ khả năng viết văn, ông được phân công công tác tại báo Chiến sĩ (Liên khu 4). Năm 1950, ông được chuyển về công tác tại Báo Quân đội Nhân dân. Ông là một trong những biên tập viên đầu tiên của Tạp chí Văn nghệ Quân đội năm 1957.
Năm 1958, ông được chuyển sang công tác tại báo Văn Học (nay là báo Văn Nghệ) của Hội Nhà văn Việt Nam. Trong năm sau đó, ông lần lượt đảm nhiệm vị trí: Thư ký tòa soạn báo Văn Học, Phó tổng biên tập báo Văn Nghệ, Giám đốc Nhà xuất bản Tác Phẩm Mới (nay là Nhà xuất bản Hội Nhà Văn). Ông cũng được bầu làm ủy viên Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam các khóa I, II, III, IV.
Tại Đại hội Hội Nhà văn khóa IV năm 1989, ông được bầu làm Tổng thư ký Hội Nhà văn Việt Nam khóa IV (tương đương Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam hiện nay). Năm 1994 ông nghỉ hưu.
Ông cũng được bầu làm đại biểu Quốc hội Việt Nam khóa IX.
Nhà văn Vũ Tú Nam và vợ - nhà báo Thanh Hương. Ảnh: Hà Anh. |
Các tác phẩm tiêu biểu của ông là Bên đường 12 (truyện vừa, 1950, Giải nhất văn xuôi Văn nghệ liên khu 4), Quê hương (tập truyện ngắn, 1950), Nhân dân tiến lên (truyện, 1951), Sau trận núi Đanh (truyện, 1951), Ngày xuân (tập truyện ngắn, 1953), Giành lấy tương lai (truyện, 1954), Kể chuyện quê nhà (tập truyện - ký, 1954), Thử thách thầm lặng (truyện, 1971), Sống với thời gian hai chiều (tập truyện - ký, 1983), Mùa xuân tiếng chim (truyện ngắn, 1985)... Ở mảng văn học thiếu nhi, ông ghi dấu với truyện Văn Ngan tướng công (1963), được nhiều người đón nhận, được dịch sang tiếng Nga. Ông được trao tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học và Nghệ thuật năm 2001.
Lễ viếng ông diễn ra sáng 12/9 tại Nhà tang lễ Bộ Quốc phòng (số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội). Ông được an táng cùng ngày tại nghĩa trang quê nhà ở huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định.