Đến nay, Nguyễn Nhật Ánh là một trong số ít nhà văn Việt Nam giữ nhịp độ sáng tác chuyên nghiệp với mỗi năm ra mắt một quyển sách. Trong buổi giới thiệu tác phẩm mới vào sáng 14-1, nhà văn Nguyễn Nhật Ánh tâm sự rằng thoạt đầu quyển sách năm nay ông dự định viết là một truyện thần tiên.
"Tuy nhiên, khi dịch COVID-19 hoành hành dữ dội và bên cạnh tôi những người bạn thân nhất đã bỏ mình vì dịch bệnh, tôi như bị chấn động tâm lý, nhiều tuần liền không làm việc được.
Nhưng nghĩ lại thì nhà văn cũng phải làm việc như bao người khác, nên tôi bắt tay xây dựng câu chuyện về cộng đồng các con vật trong khu vườn trại, để được sống với thế giới yên bình của con vịt, con gà, chú chó Su Su, bác ngựa Ô... như một liệu pháp giữ cân bằng để vượt qua đại dịch", nhà văn Nguyễn Nhật Ánh tâm sự.
Tình yêu tuổi mới lớn, tinh thần vì cộng đồng, và... sự thật
Bạn đọc sẽ không tìm thấy trong Ra bờ suối ngắm hoa kèn hồng chút bóng dáng gì của đại dịch, mặc dù trong khu vườn trại cũng từng xảy ra trận dịch cúm mà bác sĩ chim bói cá Vinh Quang Tháng Ba phải vất vả tìm dược liệu để cứu chữa.
Câu chuyện được cấu tứ liền lạc, với mối tình tuổi mới lớn của cô gà Mắt Tròn và anh trống choai Cánh Cam như sợi chỉ dẫn dắt sự tập trung của bạn đọc vào cộng đồng "cư dân" khu vườn trại.
Ở đó có bác chó Tai Dài vừa làm nhiệm vụ canh giữ sự an toàn được mọi người nể trọng; có bác ngựa Ô thông thái trải đời và cô bồ câu Áo Tím trong vai trò một chuyên gia tâm lý. Ngoài ra còn có những nhân vật phản diện như cha con nhà chuột Xám, hai mẹ con cáo Tia Chớp...
Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh đã khéo léo thiết kế một không gian sống của cộng đồng các con vật thật sinh động. Đằng sau những câu chuyện loài vật ấy chính là tâm tư tình cảm và cả những bài học của con người được ẩn dụ.
Và điểm độc đáo của khu vườn trại ấy là tinh thần từ ái nhân văn thấm đẫm trong từng con vật, lan rộng trong không gian sống giữa các loài khác nhau.
Phần dụng công kỹ lưỡng nhất có lẽ chính là tuyến truyện của bác chó Tai Dài. Chính tuyến truyện này đã chuyên chở được cả tinh thần trượng nghĩa vì lẽ phải và quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ, cộng với tính nhân văn sâu sắc trong khoảnh khắc lựa chọn có tính "quyết định sinh tử" của bác Tai Dài khi tha mạng cho Tia Chớp chỉ vì lý do: trong một ngày, không thể để xảy ra liên tiếp hai đứa trẻ bị mồ côi...
Chăm chút từ ngữ và ý hướng về nghề văn
Điểm thú vị của truyện dài Ra bờ suối ngắm hoa kèn hồng còn ở chỗ dường như tác giả đã có những phút xuất thần làm nên những câu từ rất đẹp. Đó là những hình ảnh, cấu tứ, câu chữ mà tác giả đã vượt qua ngưỡng dụng ngữ thông thường, xứng đáng trở thành văn liệu cho những bạn đọc đang tuổi học trò.
Chẳng hạn khi tả về nỗi buồn của con vịt Gì Cũng Biết, Nguyễn Nhật Ánh dùng hình ảnh "cỏ thơm quá, lẫn vào cả mùi hoa nguyệt quế nữa, nhưng lúc này các giác quan của con vịt đã bị nỗi buồn đóng lại rồi".
Và có lẽ do phần nào ám ảnh những mất mát đau thương diễn ra ngay lúc đang viết truyện này, Nguyễn Nhật Ánh có một chỗ cắt nghĩa về lẽ sống: "Người sống lâu nhất có lẽ là người tận hưởng vẻ đẹp của cuộc sống được nhiều nhất chứ không hẳn là người nằm xuống sau những người khác".
Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh cũng đề cập đến ý hướng nghề văn như những nét kẻ vạch tuy đơn sơ nhưng xác đáng, thông qua nhân vật con vịt Gì Cũng Biết với tác phẩm đầu tay viết về bác chó Tai Dài được giải thưởng quốc tế.
Thú vị hơn cả là Nguyễn Nhật Ánh còn khéo léo đưa ra một cắt nghĩa về niềm thao thức viết của nhà văn: "Những tác phẩm được tôn vinh bao giờ cũng được viết ra một cách tự nhiên nhất và chân thành nhất bởi những tác giả cả đời ăn nằm với câu chuyện của mình, bị câu chuyện của mình ám ảnh đến mức không thể nghĩ đến chuyện gì khác. Họ cần phải viết câu chuyện đó, là câu chuyện mà nếu họ không viết ra thì họ sẽ không thể tìm đọc ở bất cứ đâu".
Còn nhà văn Nguyễn Nhật Ánh qua chuyện này vẫn với nụ cười nhẹ nhàng, rằng với ông, viết về tuổi thơ chính là "quay về úp mặt vào dòng sông tuổi thơ để gột rửa bớt những bụi bặm của cuộc đời đã bám lên tôi".