Nhà văn Hoàng Quốc Hải là một trong ba gương mặt lớn của văn hóa Hà Nội, từng là học sinh Trường phổ thông cấp 3 Ngô Quyền (Hải Phòng) những năm 1957-1960. Hiện ông là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Nhân kỷ niệm 1000 năm Thăng Long-Hà Nội, ông vừa hoàn thành bộ tiểu thuyết đồ sộ Tám triều vua Lý với hơn 3000 trang. Sách do NXB Phụ nữ phối hợp cùng Nhà sách Vạn Niên ấn hành.
Bộ sách gồm 4 tập phản ánh gương mặt xã hội Đại Việt xuyên suốt tám triều vua Lý, từ khi mới hình thành với công cuộc dời đô từ Hoa Lư (Ninh Bình) ra thành Đại La đổi tên thành Thăng Long, cho tới khi suy tàn, kéo dài 215 năm với hàng vạn sự kiện, hàng vạn nhân vật... Trong tập 1 Thiền sư dựng nước, tác giả dẫn dắt người đọc vào không khí, bối cảnh nước Đại Việt đầu thế kỷ thứ 10, khẳng định sự ra đời của vương triều Lý nảy sinh từ khát vọng lâu đời của giới trí thức phật giáo, và người đạo diễn thiên tài lại chính là thiền sư Vạn Hạnh (trong hoàn cảnh lịch sử nước nhà vào giai đoạn ấy, ngoài giới trí thức phật giáo ra, chưa xuất lộ một tầng lớp nào đủ tư cách và trí tuệ dẫn dắt dân tộc ta đi vào con đường tự cường). Lý Công Uẩn đã tuyên cáo một đường lối chính trị hết sức công khai và minh bạch. Đó là: tam giáo đồng nguyên. Và nhà Lý chiết xuất ra ở mỗi dòng đạo những điều ưu việt nhất làm định hướng căn bản cho việc xây dựng xã hội. Đó là: xã hội Nho- tâm linh Phật- thiên nhiên Đạo.
Ở các tập tiếp theo Con ngựa nhà Phật, bình Bắc, dẹp Nam và Con đường định mệnh, nhà văn xây dựng xã hội và vương triều Lý với những chiến công hiển hách cùng những quyết sách trị nước, an dân, những cải cách gắn liền tên tuổi các vị vua anh minh, sáng láng như Lý Thái Tông, Lý Thánh Tông, nhiếp chính- nguyên phi Ỷ Lan... và những đại công thần kiệt xuất lưu danh muôn đời như Thái úy Lý Thường Kiệt, Thái sư Lý Đạo Thành... những cuộc chinh phạt bình Bắc, dẹp Nam, mở mang bờ cõi... Tất cả sự kiện, nhân vật gắn chặt với mọi mặt sinh hoạt trong đời sống, cho ta một bức tranh toàn cảnh về thời đại đó với các phong tục, lễ hội, văn hóa, trang phục, y phục từ cung đình tới dân gian...Có thể nói, bộ tiểu thuyết làm sống lại cả một thời đại huy hoàng của dân tộc, giúp ta hiểu sâu, rộng hơn về lịch sử cùng những điều ẩn khuất của lịch sử; đồng thời lần đầu đưa ra những kiến giải có sức thuyết phục về một số vấn đề còn đang tranh cãi của lịch sử. Bộ tiểu thuyết Tám triều vua Lý cho thấy sức sáng tạo thật dồi dào, phong phú cùng kiến thức uyên thâm của Hoàng Quốc Hải. Ông không bị các vấn đề, sự kiện của lịch sử chi phối ; mà trên cái nền lịch sử ấy là sự bay bổng của cảm xúc, cảm hứng sáng tạo và những trăn trở thời cuộc...Tuy vậy, tác giả cũng rất khiêm nhường: “Tôi chỉ xin khái lược đôi nét rút ra từ tinh thần tự cường dân tộc được thể hiện trong nội dung bộ tiểu thuyết lịch sử TÁM TRIỀU VUA LÝ mà tôi dốc cả tâm lực và trí tuệ ra viết gần hai chục năm trời; trước hết là để tri ân các bậc tiền nhân và sau đó là cống hiến cho hết thẩy quý vị độc giả mang dòng máu Việt tộc”.
Cũng trong dịp này, bộ tiểu thuyết lịch sử về triều nhà Trần cũng của nhà văn Hoàng Quốc Hải được tái bản và bổ sung hai tập nữa; sẽ nối liền các vết cắt từ bốn tập trước và bộ sách trở nên liên hoàn, từ khi nhà Trần ra đời tới khi kết thúc sứ mệnh lịch sử kéo dài 175 năm.
Vậy là lần đầu trong lịch sử văn học nước ta, nhà văn Hoàng Quốc Hải đã bỏ bao công sức và tâm huyết suốt gần 30 năm viết nên hai bộ tiểu thuyết lịch sử đồ sộ về triều đại nhà Lý, nhà Trần với suốt chiều dài lịch sử gần 400 năm. Hoàng Quốc Hải cũng là nhà văn đầu tiên trong lịch sử văn học Việt Nam đã văn chương hóa lịch sử dân tộc suốt chiều dài gần bốn thế kỷ.
Bài và ảnh Cao Minh