Nhà Trắng lên kế hoạch đối phó với ngày tận thế ra sao?

0:00 / 0:00
0:00
Chính phủ Mỹ đã chuẩn bị phương án đối phó với thảm họa hạt nhân hoặc bất kỳ tình huống tận thế nào khác đe dọa đến an ninh quốc gia, có thể hủy diệt nước Mỹ hoặc phần lớn dân số thế giới. Đó là nội dung 500 trang tài liệu của Nhà Trắng được giải mật gần đây theo Đạo luật Tự do thông tin của Mỹ.

Theo trang slate.fr, Chính phủ Mỹ không chấp nhận bị chìm trong biển lửa nếu một tiểu hành tinh lớn đâm xuống Trái đất, bị người ngoài hành tinh xâm lược hay nổ ra một chiến tranh hạt nhân. Vì thế, ngay từ thập niên 1950, Nhà Trắng đã soạn thảo một bộ hướng dẫn cụ thể cho từng kịch bản ngày tận thế.

Bản hướng dẫn này được gọi là Tài liệu hành động khẩn cấp của tổng thống (PEAD). Mới đây, Trung tâm Tư pháp Brennan đã tiếp cận được khoảng 500 trong số 6.000 trang của PEAD thông qua Đạo luật Tự do thông tin.

Nhà Trắng từng lên kế hoạch đối phó với các tình huống khẩn cấp. Ảnh: Slate.fr
Nhà Trắng từng lên kế hoạch đối phó với các tình huống khẩn cấp. Ảnh: Slate.fr

Trung tâm Tư pháp Brennan cho biết, PEAD được tạo ra lần đầu tiên dưới thời Tổng thống Mỹ Dwight David Eisenhower nhiệm kỳ 1953-1961. PEAD được mô tả là các văn bản pháp lý thiết kế để thực hiện quyết định của tổng thống hoặc chuyển yêu cầu của tổng thống khi tình huống khẩn cấp làm gián đoạn các quy trình lập pháp hoặc hoạt động của chính phủ.

Nói cách khác, tổng thống-hoặc bất kỳ ai nắm quyền-sẽ ban hành một tập hợp các tuyên bố, mệnh lệnh hành pháp được định sẵn cho Quốc hội, trong tình huống một số sự kiện cấp bách làm gián đoạn hoạt động bình thường của chính phủ.

Cụ thể, Tổng thống có thể ban hành mệnh lệnh cho phép khám xét và bắt giữ người, tịch thu tài sản, xác định các khu vực quân sự, tuyên bố tình trạng chiến tranh, cho phép kiểm duyệt báo chí, hoặc cản trở việc đi lại quốc tế. Những hành động này nhằm duy trì sự kiểm soát đất nước ngay cả khi mọi thứ khác có khả năng bị phá hủy.

Theo Trung tâm Tư pháp Brennan, mỗi Tổng thống Mỹ đều viết lại một phần PEAD, khiến những hướng dẫn cụ thể trong bản hướng dẫn này được thay đổi theo từng thập kỷ.

Trong số 500 tài liệu được giải mật có một lá thư đề năm 1956 của Thư ký Nội các Nhà Trắng, trong đó đề cập đến các tình huống khẩn cấp được quy định trong PEAD. Bức thư viết: "Đối với các vấn đề đe dọa tới an ninh quốc gia, đòi hỏi tổng thống phải hành động hoặc thực hiện ngay lập tức".

Một tài liệu khác cũng cho biết, Sắc lệnh 20 sẽ được ban hành trong trường hợp Mỹ bị tấn công vũ trang, Washington bị phá hủy và công việc của chính quyền tiểu bang và địa phương bị tê liệt. Ngoài ra, Nhà Trắng đã chuẩn bị phương án dự phòng về "sự kiểm soát của kẻ thù ngoài hành tinh", song không rõ khi nào kịch bản này sẽ được kích hoạt.

Cũng theo các tài liệu được giải mật, biện pháp phản ứng của Nhà Trắng đối với cuộc tấn công hạt nhân là một trong những kịch bản được xây dựng kỹ lưỡng nhất trong PEAD trước sự kiện khủng bố ngày 11-9-2001. Một tài liệu viết năm 1959 còn nêu giả định Liên Xô tiến hành một cuộc chiến tranh hạt nhân và dự đoán chỉ còn khoảng 120 triệu người sống sót sau thảm họa này.

Tuy nhiên, kể từ nhiệm kỳ của Tổng thống George W.Bush và sau vụ tấn công ngày 11-9-2001, các tài liệu PEAD đã có những thay đổi đáng kể, trong đó chiến tranh hạt nhân không còn là mối quan tâm hàng đầu. PEAD bắt đầu cho phép chính phủ đóng cửa bất kỳ cơ sở hoặc trạm thông tin liên lạc nào, đồng thời phá hủy máy móc và thiết bị của nó. Một số tài liệu giải mật còn đề cập đến những thay đổi trong các biện pháp đối phó với tình trạng khẩn cấp giữa Tổng thống Barack Obama và Tổng thống Donald Trump.

“Mối quan tâm phát triển theo năm tháng và theo nhiệm vụ nhưng mục tiêu vẫn không đổi: Cho phép Chính phủ Mỹ giữ quyền lực bằng mọi giá, ngay cả trong trường hợp xảy ra thảm họa lớn”, Trung tâm Tư pháp Brennan nhấn mạnh.

PHƯƠNG VŨ

Đọc thêm

Nghề giáo bốn phương

Giải thưởng Nhà giáo Ghana 2024 là một trong những giải thưởng cao quý nhất để công nhận, tôn vinh những đóng góp của các giáo viên khắp cả nước này. (Ảnh: UNICEF)
(PLVN) - Giáo viên tại các quốc gia đang phát triển thường xuyên đối diện với nhiều thách thức lớn như nghèo đói, thiếu hụt nguồn lực, lớp học quá tải, điều kiện công nghệ hạn chế. Tuy nhiên, họ vẫn luôn kiên trì và tận tâm, không ngừng nỗ lực vượt qua mọi khó khăn để mang lại tri thức và hy vọng cho từng học sinh, dù cho điều đó đôi khi vượt xa trách nhiệm công việc của họ.

Nghề độc đáo ở Nhật Bản: Ra sức 'nhồi nhét' khách lên tàu, mỗi năm thu nhập trên 800 triệu đồng

 Số lượng người dân đi tàu điện ngầm ở Nhật Bản lúc nào cũng quá tải. (Ảnh: Japan Insider)
(PLVN) - Nhật Bản vốn nổi tiếng là đất nước sử dụng tàu điện ngầm là phương tiện giao thông chính và quan trọng, phục vụ hàng triệu người mỗi ngày. Với hệ thống tàu điện hiện đại, hiệu quả và có mặt khắp các thành phố lớn, việc sử dụng tàu điện là cách tốt nhất để di chuyển trong và ngoài thành phố.

Úc cấm trẻ em dưới 16 tuổi sử dụng mạng xã hội

Hình minh họa
(PLVN) - Chính phủ Úc vừa cam kết sẽ ban hành luật giới hạn độ tuổi sử dụng mạng xã hội là 16 tuổi, kèm theo hình phạt cho các nền tảng không tuân thủ. Tuy nhiên, vẫn chưa rõ làm thế nào để các ông lớn công nghệ như Facebook, Instagram, TikTok... có thể thực thi hiệu quả quy định này.