Nhà thơ Phan Huyền Thư: Tro cốt tôi cũng là câu thơ

Nhà thơ Phan Huyền Thư: Tro cốt tôi cũng là câu thơ
(PLVN) - Lâu rồi tôi mới gặp lại nhà thơ, nhà biên kịch, đạo diễn điện ảnh Phan Huyền Thư. Huyền Thư với tôi là người cũ gặp lại. Chị từng viết “Nằm nghiêng” (thơ, NXB Hội Nhà văn, 2002); “Rỗng ngực” (thơ, NXB Lao Động, 2005); “Sẹo độc lập” (thơ, NXB Hội Nhà văn, 2014). Tên tập thơ như "cú ngã định mệnh”, chị bị vướng nghi án “đạo thơ”, người ta làm “ầm lên” có dụng ý. Người ta có cảm giác như Phan Huyền Thư lui vào “ẩn dật”. Kỳ thực không phải.

Tên đầy đủ của chị là Phan Thị Huyền Thư, sinh năm 1972 tại Hà Nội, là con “nhà nòi” trong một gia đình nghệ thuật, gốc Hà Nội, bố nhạc sĩ Phan Lạc Hoa và mẹ NSND Thanh Hoa. Sau khi tốt nghiệp Trường Âm nhạc Việt Nam 1989, Phan Huyền Thư học Văn khoa Đại học Tổng hợp Hà Nội. 

Sau khi ra trường, chị viết báo, phê bình nghệ thuật đến năm 1999 thì về đầu quân cho Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương. Phan Huyền Thư từng học đạo diễn phim tài liệu Aterlier varan, Cộng hòa Pháp và trở thành giảng viên điện ảnh trực tiếp tại Trung tâm Điện ảnh trẻ. Chị trở thành chuyên viên sáng tạo nghệ thuật và truyền thông từ năm 2011.

Tôi gặp Phan Huyền Thư lần đầu năm 2003, dẫu là khách hàng quen của Aladdin, thập niên 90. Lần gặp ấy, Phan Huyền Thư nắn nót đề tặng tôi tập thơ "Nằm nghiêng"- tập thơ đầu tay của chị. 

Từ thuở “ban đầu” ấy, đến nay thơ của Phan Huyền Thư đã có mặt trong hầu hết các tuyển tập giới thiệu thơ Việt Nam bằng nhiều thứ ngôn ngữ: Anh, Pháp, Đức, Tây Ban Nha,… Thơ của chị cũng đến với môi trường hàn lâm tại các trường đại học danh tiếng trên thế giới. 

Chị tâm sự “Phải sống dưới bóng của những người nổi tiếng nhiều khi là một sự đầy ải”. Thời thanh niên, ngang tàng và đôi khi ngỗ nghịch, Phan Huyền Thư không muốn nghe những câu nói đại loại như: con nhà nòi thì hát hay là chuyện đương nhiên hoặc con nhà nòi mà hát dở thế. Vậy nên, dù rất nuối tiếc, Huyền Thư quyết tâm rời xa chiếc micro, tạo dấu ấn riêng của mình.

Năm 1989 tiểu thư của nhạc sỹ Phan Lạc Hoa học Tổng hợp Văn như một sự khẳng định với gia đình cũng như người quen rằng, Phan Huyền Thư sẽ tiếp nối, bằng con đường riêng. Chị viết truyện ngắn. Huyền Thư thích lối viết trần trụi, gai góc của Phạm Thị Hoài, một số truyện ngắn của chị cũng được viết theo phong cách đó.

Thế nhưng, Phan Huyền Thư chỉ thật sự lột xác khi chị đến với thơ. Sự lãng mạn, khả năng cảm thụ âm nhạc, học vấn cũng như sự nổi loạn trong sáng tác, chị sớm trở thành một trong những nhà thơ gây ảnh hưởng lớn đến độc giả. Huyền Thư không đoạn tuyệt với thi ca truyền thống, nhưng chị muốn thơ không còn phải lệ thuộc vào niêm luật, về quy tắc như trước nữa. Chị quan niệm, thơ phải góp phần giải phóng năng lượng của con người.

“Nằm nghiêng” là tên một bài thơ trong tập “Nằm nghiêng”, tập thơ đầu tay, Chị quan niệm về nằm nghiêng ra sao? 

“Nằm nghiêng ở trần thương kiếp nàng Bân/ngón tay rỉ máu. Nằm nghiêng/ khe cửa ùa ra một dòng ấm/ cô đơn. Nằm nghiêng/ cùng sương triền đê đôi bờ/ ỡm ờ nước lũ/ Nằm nghiêng lạnh/ hơi lạnh cũ. Ngoài đường khô tiếng ngáy/ Nằm nghiêng. Mùa đông/ nằm nghiêng trên thảm gió mùa. Nằm nghiêng/ nứt nẻ khóe môi/ đã lâu không vồ vập răng lưỡi/ Nằm nghiêng/ xứ sở bốn mùa nhiệt đới, tự dưng nhói đau/ sau lần áo lót có đệm mút dầy/ nằm nghiêng/ về đây”.

Cảm thụ về “Nằm nghiêng” của Phan Huyền Thư không dễ. “Nằm nghiêng” để lắng nghe, để phản vệ? Hay “nằm nghiêng” vì một số phận, một nghiệp vận? Cái thế phải nằm nghiêng của một số phận, của mẹ Âu cơ, của một dân tộc.

Phương pháp tư duy Phan Huyền Thư, cá tính Phan Huyền Thư...đã làm chị phải hứng chịu nhiều ý kiến trái chiều, thậm chí gay gắt và còn hơn thế nữa. Nhiều người lên án chị, cho rằng chị và những nhà thơ cùng thế hệ đang làm hỏng tiếng Việt, làm hỏng thơ Việt truyền thống. Nhiều lúc, Huyền Thư muốn gào thét để xả nỗi uất ức trong lòng. 

Những lúc như vậy, Huyền Thư không tránh khỏi trầm uất, mặc dù chị đã cố tập cho mình một khả năng bình tĩnh trước mọi thị phi vốn không xa lạ gì với chị và những người thân trong gia đình. 

Một lĩnh vực khác cũng giúp chị gặt hái được nhiều thành công là phim tài liệu. Khi làm việc ở Tạp chí Thế giới Điện ảnh, do đặc thù công việc mà Thư quen rồi thân với các nghệ sĩ điện ảnh tài liệu. Hồi đó, ở Hãng phim Tài liệu Khoa học Trung ương có một quan niệm về nghề rằng, thường với phim tài liệu, các đạo diễn nên xuất phát từ quay phim hoặc biên kịch. 

Xuất phát từ quay phim sẽ có lợi thế về tư duy hình, còn xuất phát từ biên kịch sẽ có lợi thế về câu chữ, cách lập ý, rồi lời bình. Chính vì thế, Phan Huyền Thư được các bậc cha chú, đàn anh mời về đầu quân cho Hãng. Tôi đã gặp Phan Huyền Thư ở đó. “Con bé này quá thông minh”, cứ nhớ mãi câu nói của đạo diễn Đào Thanh Tùng, sếp của Huyền Thư.

Phan Huyền Thư được người Pháp đào tạo chuyên nghiệp về đạo diễn điện ảnh hiện thực. Phim của chị đã được hàng chục giải thưởng và tuyển chọn chiếu tại nhiều liên hoan phim quốc tế và các trường đại học lớn trên thế giới.

Người xem tìm thấy trong phim của chị ngày càng đời hơn, sâu xa hơn. Đôi khi đó là thân phận của những đứa trẻ chưa kịp chào đời. Đôi khi đó là cuộc sống của những người có hoàn cảnh đặc biệt. Làm phim về những đề tài như thế này rất dễ sa đà vào việc tạo sự thương vay khóc mướn rồi gây cho người xem cảm giác khó chịu. May thay, Huyền Thư tránh được lối mòn ấy. Chị kể chuyện dung dị như chính cuộc sống. 

Một số phim tài liệu của Phan Huyền Thư đã “xuất khẩu” được, như “Quyền được học” (năm 2006, Giải Báo chí), “Cha mẹ xin lỗi con” (năm 2007, Cánh Diều Bạc), …Các phim gần đây do Huyền Thư đạo diễn là “Biển của người Việt”, năm 2013, “Ba Mùa”, năm 2016. Năm 2013, chính Phan Huyền Thư là biên kịch của bộ phim “nặng ký”: “Lịch sử Chính phủ Việt Nam” gồm 03 tập.

Phan Huyền Thư cho rằng, đối với chị, việc một số bộ phim của chị được chọn chiếu trên BBC Worldwide trên 8 múi giờ quốc tế trong chuyên mục “My country” là một sự may mắn. Nếu nói đến nỗ lực cá nhân để tự thuyết phục mình trong việc làm phim tài liệu thì Phan Huyền Thư thấy đáng ghi nhận bản thân trong cuộc thi ASIAN PICHT năm 2008. Một mình Phan Huyền Thư “đấu” với 193 dự án và vào vòng trong với 13 nước. Rồi lại giành được một trong ba gói sản xuất cho phim của mình cùng với Trung Quốc và Ấn Độ. 

Thế hệ 7X nhưng Phan Huyền Thư đã có một sự nghiệp đủ để tự hào: 07 bộ phim chị biên kịch hoặc đạo diễn đạt Cánh Diều Bạc, 01 phim Cánh Diều Vàng (Chất Xám, năm 2008), một số phim đạt giải khác. 

Gần đây, khi tôi nhắc đến Phan Huyền Thư trên trang cá nhân, một bạn “phây” hỏi: “Tài năng như Phan Huyền Thư sao dính vào chuyện đạo thơ?” Thực sự đây là một dấu hỏi, một “án mờ” của văn chương. Tôi nhớ, khi xảy ra chuyện tưởng như “động trời” này, nhà thơ Trần Quang Quý tâm sự: “Không hiểu sao, con bé Phan Huyền Thư– anh âu yếm thế, lại xảy ra chuyện này?”. Trần Quang Quý là “huynh” cả ngoài đời lẫn văn chương của Phan Huyền Thư không khỏi thắc mắc. Và như lẽ thường của người hiểu nhau, anh không tin. Giữa ồn ào và thị phi, Phan Huyền Thư im lặng.

Phan Huyền Thư đã sống. đang sống và vẫn sống bằng viết và sản xuất các format chương trình truyền hình, điện ảnh, sân khấu và ca nhạc. Điều mừng là, Phan Huyền Thư trở lại với thơ, xuất bản tập thơ mang tên “Đạo thơ”. Được biết chị sắp công bố “Thạch sùng gỗ”, tập truyện ngắn, tuyển các tác phẩm chị đã từng viết trong quãng thời gian từ 1993 đến 2018.

“Tôi vẫn viết/dù bạn có ghét tôi đến đâu/ dù bạn có chê bai tôi thế nào/ dù bạn có dày vò đay nghiến tôi ra sao....”. Bởi với Phan Huyền Thư “tro cốt tôi cũng là câu thơ/ mộ chí tôi cũng là bài thơ/ tên tôi cũng là tứ thơ...” (Đạo thơ).

Tin cùng chuyên mục

Điện ảnh Việt và nỗi lo tăng thuế

Điện ảnh Việt và nỗi lo tăng thuế

(PLVN) - Những năm qua, điện ảnh Việt Nam đã có những bước tiến, tăng trưởng hàng năm và có những tác phẩm “ăn khách”.Tuy nhiên, bên cạnh những thành tích đáng ghi nhận, ngành điện ảnh vẫn đang đối mặt với những khó khăn, rào cản về chi phí, đặc biệt vấn đề dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng - GTGT (sửa đổi) sắp tới.

Đọc thêm

'Ông vua chân dung' của nhiếp ảnh Việt Nam

Bức ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp ngồi bên nhạc sĩ Văn Cao vào ngày mùng 6 Tết Nhâm Thân 1992. (Ảnh: Nguyễn Đình Toán)
(PLVN) - Sở hữu tư liệu đồ sộ với hàng vạn bức ảnh quý giá chụp chân dung các văn nghệ sĩ, nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Đình Toán được người trong nghề gọi với cái tên thân thương là “ông vua chân dung”. Đây không chỉ là một nghệ danh, mà còn là sự ghi nhận cho những đóng góp không ngừng nghỉ của ông trong việc lưu giữ và tôn vinh vẻ đẹp nghệ thuật qua từng khuôn mặt, từng nhân vật mà ông đã có cơ hội ghi lại trong suốt mấy chục năm qua.

'Multiverse - Đa vũ trụ' - Khám phá một vũ trụ bên trong mỗi con người

"Multiverse - Đa vũ trụ” ẩn chứa những câu hỏi về bản chất con người (Ảnh: BTC)
(PLVN) - Album “Multiverse - Đa vũ trụ” của Tùng Dương có các ca khúc ẩn chứa những câu hỏi về bản chất con người, về sinh tồn và ý nghĩa cuộc sống, về khả năng vượt thoát khỏi không gian sống chật hẹp để vươn tới những vũ trụ xa xăm hoặc để trở về khám phá một vũ trụ bên trong mỗi con người…

Khát khao làm phim điện ảnh “bom tấn”

Bộ phim "Khóc hay cười" thu hút nhiều khán giả.
(PLVN) - “Chúng tôi cố gắng một năm sẽ làm 3 - 4 phim chiếu rạp. Chúng tôi mong muốn làm phim điện ảnh bom tấn, kiểu Hollywood ”. Đó là lời chia sẻ của Đạo diễn Phạm Đức Dũng tại họp báo ra mắt Hãng phim Bạch Mã ngày 13/11/2024 tại Hà Nội.

Huỳnh Thị Thanh Thủy- Tự hào nhan sắc Việt

Huỳnh Thị Thanh Thủy- Tự hào nhan sắc Việt
(PLVN) -  Xuất sắc vượt qua nhiều đại diện đến từ các quốc gia trên thế giới, Huỳnh Thị Thanh Thủy đã đăng quang ngôi vị cao nhất, mang về chiếc vương miện danh giá Hoa hậu Quốc tế đầu tiên cho Việt Nam, đây là sự kiện quan trọng, đánh dấu tên tuổi Việt Nam trên bản đồ nhan sắc thế giới.

'Giọng hát hay Hà Nội năm 2024' - khơi dậy tình yêu Hà Nội

Cuộc thi “Giọng hát hay Hà Nội năm 2024” chính thức trở lại, tiếp tục hành trình tìm kiếm và vinh danh những giọng ca trẻ đầy tài năng của Thủ đô. (ảnh Thùy Dương)
(PLVN) - Cuộc thi “Giọng hát hay Hà Nội năm 2024” không chỉ là sân chơi nghệ thuật, mà còn là dịp để các thí sinh cũng như người dân Hà Nội ôn lại những trang sử hào hùng và khơi dậy tình yêu, niềm tự hào về quê hương trong trái tim mỗi người.

Văn hóa kinh doanh là giải pháp quan trọng để phát triển đất nước

Các đại biểu thảo luận tọa đàm: "Doanh nghiệp thời 4.0: Chuyển đổi văn hóa số tạo nên sự khác biệt."(Ảnh: BTC).
(PLVN) -  “Trong giai đoạn hiện nay, trước các cơ hội và thách thức đặt ra, chúng ta đã xác định văn hóa là nguồn lực nội sinh quan trọng. Bảo vệ bản sắc văn hóa, phát huy tiềm năng sức mạnh văn hóa dân tộc trong xây dựng văn hóa doanh nghiệp, văn hóa kinh doanh là giải pháp quan trọng để phát triển đất nước”.

200 tác phẩm "Hiện Linh" khám phá thế giới của đất mẹ

200 tác phẩm "Hiện Linh" khám phá thế giới của đất mẹ (ảnh P.V)
(PLVN) - Triển lãm gốm "Hiện Linh" mang tới công chúng, những người yêu nghệ thuật gần 200 tác phẩm lần đầu được ra mắt của Giáo sư, họa sĩ Ngô Xuân Bính. Trong không gian đương đại tại Bảo tàng Hà Nội, các tác phẩm gốm ‘Hiện Linh’ sẽ dẫn dắt người xem bước vào thế giới vừa quen thuộc, vừa mới lạ của đất Mẹ.