Nhà Thơ Đinh Ngọc Diệp và hành trình gọi nguồn

Tác giả bài viết và nhà thơ Đinh Ngọc Diệp (phải)
Tác giả bài viết và nhà thơ Đinh Ngọc Diệp (phải)
(PLVN) - “Toa tàu lắc ngang con tàu chạy dọc/ Người đứng ngồi bụi bặm toa đen/ Những ô cửa mở toang bản lề không có/ Mỗi ô một khoảng trời riêng...”, (Hành trình). Nhà thơ Đinh Ngọc Diệp mở đầu bài thơ “Hành trình” trong tập thơ “Hành trình 5”, NXB Hội Nhà văn năm 2018 như thế.

Đây cũng là tập thơ mới trong series “Hành trình” của anh cùng “Nàng Thơ”. Có lẽ thế hệ 7X trở về trước, có đi tàu hỏa mới biết về toa đen. Toa đen bây giờ không còn dùng để chở hành khách nữa, có điều “Toa tàu lắc ngang con tàu chạy dọc” như phát hiện của Đinh Ngọc Diệp thì mãi còn.

Đặc biệt hơn, ô cửa toa tàu, nơi có nhiều số phận nhìn qua đó, nhiều đôi mắt nhìn qua đó, mãi mãi là “một khoảng trời riêng”. Đọc câu thơ này, tôi bỗng nhớ nhà thơ Nga vĩ đại Ép-ghê-nhi Ép-tu-sen-cô khi ông đặt vi trí mỗi con người như một thế giới: “Mỗi số phận riêng dù rất nhỏ/ Chắc hành tinh nào đã sánh nổi đâu?”

Tôi thích tứ này của Đinh Ngọc Diệp.

Tôi biết Đinh Ngọc Diệp từ giữa những năm 90 của thế kỷ trước, khi anh xuất hiện trước mặt tôi với tư cách là một nhà báo “ngoài biên chế” nhưng chuyên viết điều tra và phóng sự - điều tra, thể tài báo chí vào loại “hóc” nhất, nhất là với mảng đề tài chống tiêu cực sau thời đổi mới chưa lâu.

Sau này tôi mới biết, Đinh Ngọc Diệp làm thơ khá sớm, từ những năm 80 của thế kỷ ấy anh đã có thơ đăng báo. Tôi đồ rằng, trong Đinh Ngọc Diệp có 2 con người phân thân rành rẽ: một Đinh Ngọc Diệp khảng khái, kiên cường với báo chí và một Đinh Ngọc Diệp lặng lẽ nhìn, lặng lẽ quan sát, đăm đắm với “Nàng Thơ”.

Rất lạ, Đinh Ngọc Diệp kiệm lời giữa đám đông, nhún nhường khi giao tiếp, ẩn dụ trong ngôn ngữ lại có thể bùng nổ khi cần.

Như vậy, cho đến nay Đinh Ngọc Diệp đã có 40 năm có lẻ “hành trình” cùng thơ, anh đã xuất bản 5 tập thơ là “Hành trình”, 2012; “Hành trình 2”, 2013; “Hành trình 3”, 2015; “Hành trình 4”, 2016; “Hành trình 5”, 2018. Với 5 tác phẩm thơ, Đinh Ngọc Diệp đã đạt 2 giải B (không có giải A) – Giải thưởng Lê Thánh Tông của UBND tỉnh Thanh Hóa năm 2013 cho tập “Hành trình” và năm 2017 cho “Hành trình 4” và giải Nhì (không có giải Nhất) năm 1986 cho bài thơ “Với quê hương”.

Đinh Ngọc Diệp vốn sinh ra nơi chân sóng. Quê anh là thị xã Sầm Sơn, Thanh Hóa, nhưng bây giờ Đinh Ngọc Diệp không còn là của riêng Thanh Hóa nữa, độc giả yêu thơ trong cả nước, nhiều người biết đến anh, mê phong cách và thơ Đinh Ngọc Diệp.

Quê biển, nơi mà mỗi sáng tiếng sóng biển đã lôi cậu bé Đinh Ngọc Diệp ra khỏi giường và cho mãi đến bây giờ sóng biển vẫn vỗ và sẽ vỗ mãi trong trái tim nên hiển nhiên là Đinh Ngọc Diệp viết nhiều về biển. 

Biển đối với Đinh Ngọc Diệp, có thể đó là cuộc sống mưu sinh nhọc nhằn: “Những vực xoáy, con thuyền không trở lại/ Người đang yêu sẽ nói câu gì/ Người để lỡ tình yêu sẽ nói câu gì/ Những bà mẹ không sinh ra điều bất hạnh”. Có bà mẹ nào mà không mong muốn điều tốt đẹp cho con mình, ước mơ của người mẹ nào mà không thánh thiện? 

Biển với Đinh Ngọc Diệp có thể đó là hình ảnh người cha sau chuyến ra khơi trở về: “Tôi nghe rưng rưng mỗi bước cha về/ Bước chân thậm thịch nhịp chày giã gạo/ Em nhỏ cởi trần mải mê chơi đáo/ Mẹ đang thổi cơm chiều rá gạo dở trên tay/ Chỉ một mình cha đi vào mà lối ngõ cũng chật”, (Với biển).

Biển với Đinh Ngọc Diệp có thể đó là hòn Trống mái – danh thắng ở biển Sầm Sơn đã đi vào bài thơ “Trống Mái” của anh: “Ngự trên núi, nghe làng ru sóng/ Trống Mái gối lên mây trắng nủ lưng trời/ Mây dưới núi bồng bềnh hay nón trắng/ Nón mẹ già gánh cá đem phơi”. 

Bìa tập thơ “Hành trình 5” của nhà thơ Đinh Ngọc Diệp
Bìa tập thơ “Hành trình 5” của nhà thơ Đinh Ngọc Diệp

Tất nhiên, nói đến biển, viết về biển không thể thiếu “em” trong những bài thơ rưng rức tình cảm đôi lứa của Đinh Ngọc Diệp.

Đặc biệt, những ngày “nóng” trên vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam ở khu vực phía Nam Biển Đông không thể không nhắc đến bài thơ “Tổ quốc ở Trường Sa” của Đinh Ngọc Diệp:

Trên bản đồ như nắm tấm vung ra

Quần đảo Trường Sa chuỗi hạt ngoài xa tít

Lính giữ đảo giữ đất đai Tổ quốc

Đảo nơi quê: mình mẹ ngóng chờ

Ai theo đội Hoàng Sa ra đảo

Đảo gặp người thôi kiếp cơm rơi

Nay mẹ vẫn yêu con bằng gạo mới

Đảo long lanh kết ngọc ở chân trời!

Trong mắt Đinh Ngọc Diệp, quần đảo Trường Sa thân thương như “nắm tấm” mà người mẹ anh vẫn vung ra cho đàn gà mỗi sáng trước bình minh, đơn giản vậy thôi nhưng những hạt tấm li ti đó đã “kết ngọc” thành phần máu thịt thiêng liêng của người mẹ. Mẹ ở đây là Đất mẹ Việt Nam.

Nhà thơ Phạm Khang rất có lý khi nhận xét về thơ Đinh Ngọc Diệp: “Đinh Ngọc Diệp và những lát cắt của đời sống... Tôi nghĩ về một lát cắt phẳng, ở đó đã hội tụ đủ vô vàn ý niệm và những định lý, định đề, những va đập không thể cưỡng lại được của đời sống và sự nhầm lẫn, ngộ nhận của con người. Thơ anh không tránh khỏi sự mâu thuẫn bắt buộc này qua sự vật vã đau đớn”.

“Sự vật vã, đau đớn” theo cách nói của nhà thơ Phạm Khang, dễ nhìn ra qua các “hành trình” gần đây như “Hành trình 4”, “Hành trình 5”. Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo năm 2017 khi nhận được tập “Hành trình 4” không dấu được vui mừng khi nhận xét về Đinh Ngọc Diệp: “Thơ anh có nhiều thi ảnh lạ và cấu tứ chặt, gây bất ngờ cho người đọc. Không rậm lời. Tình nén lạnh. Và cái nhìn cuộc sống nhọn và sắc. Nhưng đôi khi những chi tiết bất ngờ lại gây nhiều xúc động”. 

Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo lúc còn sống nổi tiếng về sự tinh tế khi thẩm thơ và phát hiện cái mới trong trùng trùng thơ phú. Nhận xét của anh hoàn toàn thuộc về phạm trù trách nhiệm của thi sỹ đàn anh trước những người làm thơ lớp sau. Ông không ngần ngại gọi Đinh Ngọc Diệp là nhà thơ của đá và biển.

Đọc thơ tình Đinh Ngọc Diệp, dù là tình yêu quê hương đất nước hay tình yêu lứa đôi dẽ gặp những thi ảnh đẹp; đọc mảng thơ thế sự của anh người ra dễ gặp những hình ảnh nghệ thuật sắc lạnh, găm ngọt ngào vào trái tim người đọc. 

“Vạn niên thanh máu của tổ tiên chạy rần rần trong bọc nước/ ta nhìn cây với con mắt bão hòa ánh sáng/ không thấy gì trong đêm/ lại nhìn ban ngày với con mắt bão hòa bóng tối/ không thấy có ai đang chăm chút cho mình”, (Gọi nguồn). Tất nhiên, với mỗi con người trước hết phải biết chăm mình, yêu mình mới chăm được, yêu được đồng loại. Với mỗi dân tộc được hết phải tự biết bảo vệ mình. Đinh Ngọc Diệp vẫn sẽ “hành trình” cùng “Nàng Thơ”. Gõ vào tâm thức mỗi cá nhân, tâm thức người Việt theo cách riêng của mình, tôi gọi đó là “hành trình gọi nguồn” của Đinh Ngọc Diệp.

Có một chi tiết rất Đinh Ngọc Diệp: cả đời lầm lũi viết báo, làm thơ nhưng Đinh Ngọc Diệp chưa bao giờ thuộc biên chế hưởng lương một cơ quan nào. Anh vắt kiệt mình cho thơ cả nghĩa đen và nghĩa bóng. Đinh Ngọc Diệp rất nghèo, nhưng thơ anh không bao giờ nghèo thi ảnh, thậm chí rất đẹp và giàu tính tư tưởng.

Chắc chắn anh sẽ còn “hành trình” cùng “Nàng Thơ” và sáng tạo./.

Tin cùng chuyên mục

Điện ảnh Việt và nỗi lo tăng thuế

Điện ảnh Việt và nỗi lo tăng thuế

(PLVN) - Những năm qua, điện ảnh Việt Nam đã có những bước tiến, tăng trưởng hàng năm và có những tác phẩm “ăn khách”.Tuy nhiên, bên cạnh những thành tích đáng ghi nhận, ngành điện ảnh vẫn đang đối mặt với những khó khăn, rào cản về chi phí, đặc biệt vấn đề dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng - GTGT (sửa đổi) sắp tới.

Đọc thêm

'Ông vua chân dung' của nhiếp ảnh Việt Nam

Bức ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp ngồi bên nhạc sĩ Văn Cao vào ngày mùng 6 Tết Nhâm Thân 1992. (Ảnh: Nguyễn Đình Toán)
(PLVN) - Sở hữu tư liệu đồ sộ với hàng vạn bức ảnh quý giá chụp chân dung các văn nghệ sĩ, nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Đình Toán được người trong nghề gọi với cái tên thân thương là “ông vua chân dung”. Đây không chỉ là một nghệ danh, mà còn là sự ghi nhận cho những đóng góp không ngừng nghỉ của ông trong việc lưu giữ và tôn vinh vẻ đẹp nghệ thuật qua từng khuôn mặt, từng nhân vật mà ông đã có cơ hội ghi lại trong suốt mấy chục năm qua.

'Multiverse - Đa vũ trụ' - Khám phá một vũ trụ bên trong mỗi con người

"Multiverse - Đa vũ trụ” ẩn chứa những câu hỏi về bản chất con người (Ảnh: BTC)
(PLVN) - Album “Multiverse - Đa vũ trụ” của Tùng Dương có các ca khúc ẩn chứa những câu hỏi về bản chất con người, về sinh tồn và ý nghĩa cuộc sống, về khả năng vượt thoát khỏi không gian sống chật hẹp để vươn tới những vũ trụ xa xăm hoặc để trở về khám phá một vũ trụ bên trong mỗi con người…

Khát khao làm phim điện ảnh “bom tấn”

Bộ phim "Khóc hay cười" thu hút nhiều khán giả.
(PLVN) - “Chúng tôi cố gắng một năm sẽ làm 3 - 4 phim chiếu rạp. Chúng tôi mong muốn làm phim điện ảnh bom tấn, kiểu Hollywood ”. Đó là lời chia sẻ của Đạo diễn Phạm Đức Dũng tại họp báo ra mắt Hãng phim Bạch Mã ngày 13/11/2024 tại Hà Nội.

Huỳnh Thị Thanh Thủy- Tự hào nhan sắc Việt

Huỳnh Thị Thanh Thủy- Tự hào nhan sắc Việt
(PLVN) -  Xuất sắc vượt qua nhiều đại diện đến từ các quốc gia trên thế giới, Huỳnh Thị Thanh Thủy đã đăng quang ngôi vị cao nhất, mang về chiếc vương miện danh giá Hoa hậu Quốc tế đầu tiên cho Việt Nam, đây là sự kiện quan trọng, đánh dấu tên tuổi Việt Nam trên bản đồ nhan sắc thế giới.

'Giọng hát hay Hà Nội năm 2024' - khơi dậy tình yêu Hà Nội

Cuộc thi “Giọng hát hay Hà Nội năm 2024” chính thức trở lại, tiếp tục hành trình tìm kiếm và vinh danh những giọng ca trẻ đầy tài năng của Thủ đô. (ảnh Thùy Dương)
(PLVN) - Cuộc thi “Giọng hát hay Hà Nội năm 2024” không chỉ là sân chơi nghệ thuật, mà còn là dịp để các thí sinh cũng như người dân Hà Nội ôn lại những trang sử hào hùng và khơi dậy tình yêu, niềm tự hào về quê hương trong trái tim mỗi người.

Văn hóa kinh doanh là giải pháp quan trọng để phát triển đất nước

Các đại biểu thảo luận tọa đàm: "Doanh nghiệp thời 4.0: Chuyển đổi văn hóa số tạo nên sự khác biệt."(Ảnh: BTC).
(PLVN) -  “Trong giai đoạn hiện nay, trước các cơ hội và thách thức đặt ra, chúng ta đã xác định văn hóa là nguồn lực nội sinh quan trọng. Bảo vệ bản sắc văn hóa, phát huy tiềm năng sức mạnh văn hóa dân tộc trong xây dựng văn hóa doanh nghiệp, văn hóa kinh doanh là giải pháp quan trọng để phát triển đất nước”.

200 tác phẩm "Hiện Linh" khám phá thế giới của đất mẹ

200 tác phẩm "Hiện Linh" khám phá thế giới của đất mẹ (ảnh P.V)
(PLVN) - Triển lãm gốm "Hiện Linh" mang tới công chúng, những người yêu nghệ thuật gần 200 tác phẩm lần đầu được ra mắt của Giáo sư, họa sĩ Ngô Xuân Bính. Trong không gian đương đại tại Bảo tàng Hà Nội, các tác phẩm gốm ‘Hiện Linh’ sẽ dẫn dắt người xem bước vào thế giới vừa quen thuộc, vừa mới lạ của đất Mẹ.