Nhà sản xuất "Em và Trịnh" lên tiếng trước phản ứng của Khánh Ly

Khánh Ly viếng mộ Trịnh Công Sơn ở nghĩa trang Gò Dưa, Thủ Đức hôm 22/6. Ảnh:Cao Huy
Khánh Ly viếng mộ Trịnh Công Sơn ở nghĩa trang Gò Dưa, Thủ Đức hôm 22/6. Ảnh:Cao Huy
0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Đại diện "Em và Trịnh" khẳng định không bôi xấu Khánh Ly khi bị ca sĩ phản ứng xây dựng hình ảnh bà sai lệch trên phim.

Tính đến trưa 27/6, Em và Trịnh đã cán mốc 88,8 tỷ đồng, theo Box Offcice Việt Nam, đơn vị thống kê doanh thu độc lập. Không chỉ nóng ở phòng vé, Em và Trịnh cũng là bộ phim gây tranh cãi dữ dội trên truyền thông những ngày qua kể từ khi ra mắt truyền thông 8/6.

Phim khắc hoạ hình ảnh Trịnh Công Sơn và những bóng hồng từng đi qua cuộc đời ông, trong đó có ca sĩ Khánh Ly. Những ngày qua Khánh Ly cũng là người duy nhất lên tiếng về các tình tiết liên quan đến mình và nhạc sĩ họ Trịnh trên phim, và cho rằng nhiều chi tiết hay câu thoại là xúc phạm bà cũng như nhạc sĩ, hoàn toàn không đúng sự thật. Trong buổi gặp gỡ truyền thông khi về nước làm tour diễn kỷ niệm 60 năm ca hát, Khánh Ly cho biết sẽ không đi xem tác phẩm vì không hứng thú thưởng thức hình tượng hư cấu về Trịnh Công Sơn. Qua lời kể của bạn bè - những người đã xem phim, bà không hài lòng với các cảnh Khánh Ly đút sữa chua cho Trịnh Công Sơn, ôm vai nhạc sĩ tình tứ...

Khánh Ly cho biết cả đời kính nể Trịnh Công Sơn như cha, do đó không thể có những hành động ngang vai phải lứa. Theo danh ca, đại diện đoàn phim đã liên lạc, cho bà xem kịch bản những phân đoạn Khánh Ly trong phim, nhưng bà không đồng ý những cảnh đó. Tuy vậy, các cảnh bà phản đối vẫn được giữ lại khi lên phim.

Khánh Ly ngoài đời so với cảnh quay được khắc họa trong phim

Khánh Ly ngoài đời so với cảnh quay được khắc họa trong phim

Trưa 27/6, nhà sản xuất phim Em và Trịnh đã chính thức có phản hồi về những tình tiết gây tranh cãi trên phim. Ông Lương Công Hiếu - đại diện Galaxy EE, nhà làm phim Em và Trịnh - lên tiếng sau 10 ngày hình tượng nhân vật Khánh Ly (Bùi Lan Hương đóng) gây tranh cãi. Ông cho biết đoàn phim đã thực hiện với tấm lòng ngưỡng mộ và yêu quý các nhân vật, không có ý định bôi xấu cá nhân nào.

"Ca sĩ Khánh Ly trong Em và Trịnh có hành xử, lời nói, trang phục khác biệt với các bóng hồng khác trong phim, là ý đồ của nhà làm phim muốn làm nổi bật cá tính mạnh mẽ của nhân vật. Chúng tôi khẳng định hình tượng của nhân vật Khánh Ly trong phim rất đẹp, và được khắc họa với tấm lòng trân trọng", ông Hiếu nói. Nhà sản xuất cho rằng việc nhân vật Khánh Ly trong phim được một bộ phận khán giả yêu thích minh chứng cho ý tưởng của đoàn làm phim.

Theo đại diện phim, do tác phẩm có thời lượng khá dài - 136 phút, để giữ chân khán giả, đạo diễn buộc phải tạo cho mỗi nhân vật một nét riêng, cá tính khác biệt. Không chỉ Khánh Ly, nhiều nhân vật khác như danh ca Thanh Thúy, nhóm Tuyệt Tình Cốc - bạn thân của Trịnh Công Sơn... đều có những chi tiết sáng tạo.

Với các tình tiết hư cấu về cuộc sống Trịnh Công Sơn, ông Công Hiếu cho biết tác phẩm là phim lãng mạn, không phải phim tài liệu. Từ đầu phim, họ khẳng định điều đó bằng cách ghi rõ "lấy cảm hứng từ nhân vật có thật". Các tình tiết trong phim xoay quanh hai câu nói nổi tiếng của cố nhạc sĩ: "Có những ngày tuyệt vọng đến cùng cực, tôi và cuộc đời đã tha thứ cho nhau", "Khi bạn hát một bản tình ca là bạn đang muốn hát về cuộc tình của mình. Hãy hát đi đừng e ngại, dù hạnh phúc hay dở dang thì cuộc tình ấy cũng đã là một phần máu thịt bạn rồi".

Đoàn làm phim xin lỗi vì tác phẩm làm phiền lòng đến nhân vật có thật hay người thân của họ. "Chúng tôi ghi nhận, tiếp thu những đính chính khác biệt trên phim và ngoài đời. Chúng tôi cố gắng 'làm sống lại huyền thoại' Trịnh Công Sơn. Đây là điều khó khăn, vì vậy không tránh khỏi thiếu sót. Chỉ mong khán giả hãy đón nhận bộ phim theo cách mà chính cố nhạc sĩ từng nói: Tôi nghĩ trong nghệ thuật, điều quan trọng nhất là làm thế nào để mở ra một con đường ngắn nhất đi từ trái tim của mình đến trái tim của người mà không cần cắt nghĩa gì thêm", ông Hiếu cho biết.

Bùi Lan Hương (trái) - vai Khánh Ly bên Avin Lu - Trịnh Công Sơn thời trẻ trong "Em và Trịnh". Ảnh: Thanh Huyền

Bùi Lan Hương (trái) - vai Khánh Ly bên Avin Lu - Trịnh Công Sơn thời trẻ trong "Em và Trịnh". Ảnh: Thanh Huyền

Ra rạp từ ngày 10/6, phim ghi điểm ở phần âm nhạc, hình ảnh song nhận nhiều lời chê trong khâu kịch bản. Tác phẩm cũng gây tranh cãi về hình tượng Trịnh Công Sơn, khi nhiều khán giả cho rằng phim phác thảo chân dung nhạc sĩ không như họ biết qua tư liệu, sách báo. Câu chuyện Trịnh Công Sơn bên các "nàng thơ" bị cho khắc họa không đúng đời thực, biến nhạc sĩ thành người hời hợt khi yêu. Mảng sáng tác của Trịnh Công Sơn cũng chưa được khai thác kỹ. Trong phim, trừ ca khúc Diễm Xưa được giới thiệu chi tiết hoàn cảnh sáng tác, các nhạc phẩm còn lại chỉ vang lên nhằm tăng hiệu ứng cảm xúc.

Khánh Ly tên thật là Nguyễn Thị Lệ Mai, sinh ngày 6/3/1945. Bà xuất hiện lần đầu tiên trên sân khấu năm 1959 và trở thành ca sĩ chuyên nghiệp năm 1962 khi ở tuổi 17. Khánh Ly gặp Trịnh Công Sơn lần đầu năm 1964, khi bà đang hát ở Đà Lạt. Năm 1967, hai người gặp lại ở Sài Gòn. Từ đây, họ bắt đầu một trong những sự hợp tác nghệ thuật nổi tiếng nhất trong lịch sử âm nhạc Việt Nam. Sau năm 1975, danh ca theo gia đình sang Mỹ định cư. Cuối tháng 9/2012 đến nay, bà thường về nước biểu diễn.

Hôm 25/6, bà tổ chức đêm nhạc Dấu chân địa đàng ở Đà Lạt, mở màn cho tour diễn Như một lời chia tay. Ngày 1/7, bà về TP HCM tổ chức đêm nhạc ở sân khấu Idecaf, quận 1, với khoảng 300 khách. Sau đó, bà có các đêm nhạc khác tại Hà Nội (8-9/7),TP HCM (16/7), Đà Nẵng (13/8)... Bà còn dự định về Nha Trang, Huế, Côn Đảo, Phú Quốc, Cần Thơ... Xuyên suốt tour, bà sẽ biểu diễn nhiều ca khúc Da Vàng nổi tiếng, gợi nhớ những ngày du ca cùng Trịnh Công Sơn.

Đọc thêm

Những “bóng hồng” tài năng trong phim “Lật mặt 7”

Những “bóng hồng” tài năng trong phim “Lật mặt 7”
(PLVN) - “Lật mặt 7: Một điều ước” của Lý Hải dù chưa ra rạp song đã nhận sự quan tâm khi quy tụ dàn diễn viên bậc nhất trong cả series, lên đến 50 người. Trong phần phim mới, có nhiều “bóng hồng” xinh đẹp, tài năng cùng góp mặt.

Nam tài tử đời đầu của màn ảnh Việt

Ông ghi dấu bằng vẻ ngoài đẹp trai, tài năng diễn xuất. (Nguồn: Cô Hai Kim Cương)
(PLVN) - Trước những năm 1975, La Thoại Tân cùng với Trần Quang, Lê Quỳnh, Hùng Cường, được mệnh danh là những nam diễn viên điện ảnh tài năng, phong độ nhất của mảnh đất Sài Gòn phồn hoa. Mười sáu năm sau khi La Thoại Tân mất (13/3/2008), người hâm mộ vẫn chưa bao giờ quên chàng nghệ sĩ lịch lãm, với những vai diễn để đời.

Gieo mầm chân - thiện - mỹ đến học đường thông qua nghệ thuật sân khấu

Sinh viên hào hứng với chương trình Sân khấu học đường. (Nguồn: NVH Sinh viên TP Hồ Chí Minh)
(PLVN) - Nhiều năm qua, không ít nhóm nghệ sĩ tâm huyết đã cố gắng đưa các vở diễn có giá trị nhân văn đến học đường biểu diễn cho các em học sinh. Những nỗ lực này nhằm giúp lan tỏa tinh thần yêu sân khấu đến với thế hệ trẻ, gìn giữ một bộ môn nghệ thuật di sản, đồng thời gieo mầm chân - thiện - mỹ đến học đường thông qua nghệ thuật sân khấu.

Vân Dung - bà mẹ dị trong "Người một nhà"

Vân Dung - bà mẹ dị trong "Người một nhà" (ảnh trong phim).
(PLVN) - Trong “Người một nhà”, nghệ sĩ Vân Dung vào vai người mẹ vừa lạ vừa dị. Người mẹ này đã bỏ hai anh em Tuệ để chạy theo cuộc sống riêng và đó cũng là một phần lý do tạo nên tính cách, hoàn cảnh và những xung đột trong cuộc sống của họ.