Trong báo cáo vừa công bố, Savills cho biết trong quý III năm nay, nguồn cung mặt bằng bán lẻ tại TPHCM duy trì ổn định theo quý và tăng 1% theo năm đạt hơn 1,5 triệu m2 sau khi một dự án trung tâm thương mại và một dự án khối đế tham gia vào thị trường.
Các dự án mới cung cấp gần 11.000 m2 tại Tân Phú và Bình Thạnh làm tăng nguồn cung khu vực ngoài trung tâm 1% theo năm. Các dự án dự kiến vào thị trường trong quý IV có thể bị trì hoãn do nhu cầu tăng chậm.
Đáng chú ý trong quý III, Savills cho biết các khách thuê đa số đều gặp khó khăn. Đặc biệt một số khách thuê vừa và nhỏ đã phải kết thúc hợp đồng sớm hoặc ngừng tái kí hợp đồng.
Theo Cục Thống Kê TPHCM, doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng tại TP đạt 4 tỷ USD, giảm 64% theo quý và 71% theo năm trong quý III. Tuy nhiên, công suất cho thuê tương đối ổn định theo quý ở mức cao 94% nhờ việc tiếp tục mở rộng của các thương hiệu quốc tế…
Savills cho biết, một số cửa hàng tại khu vực trung tâm đóng cửa trong quý III khiến công suất tại khu vực này giảm 2 điểm phần trăm và giá chào thuê giảm 2% theo quý.
Trước tình hình nêu trên, phản ứng của chủ cho thuê sẽ như thế nào? Trả lời câu hỏi này, đại diện đơn vị nghiên cứu thị trường kể trên cho biết hầu hết chủ cho thuê vẫn duy trì giá chào thuê. Giá thuê trung bình tương đối ổn định theo quý và theo năm đạt 49 USD/m2/tháng (hơn 1,12 triệu đồng/m2).
"Thay vì giảm trực tiếp trên giá chào thuê, hầu hết các chủ nhà sẽ áp dụng các chính sách ưu đãi như tăng thời gian thi công, miễn phí tiền thuê trong tháng đầu, không áp dụng chính sách tăng giá hằng năm hoặc giảm lên đến 50% trong ba đến sáu tháng đầu đối với các hợp đồng thuê tối thiểu từ 3-5 năm", Savills cho hay.
Nhấn mạnh việc nhà phố cho thuê vẫn chưa thể phục hồi khi tất cả buộc phải đóng cửa suốt quý III, trừ các cửa hàng tiện lợi, đơn vị này cho hay chủ nhà đã chấp nhận mức giảm giá chào thuê lên đến 50% với kì vọng cho thuê nhanh chóng.
Còn nhà phố tại các tuyến đường ở khu ngoài trung tâm có mức giảm giá thuê mạnh hơn so với khu trung tâm.
Nguyễn Mạnh