Sáng ngày 27-10, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật Phòng, chống mua bán người. Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng tham gia thảo luận cùng với Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh Hòa Bình, Nam Định, Quảng Ngãi, Bình Dương.
Chủ trì thảo luận, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh đề nghị các vị đại biểu Quốc hội tập trung cho ý kiến những vấn đề cơ bản của dự thảo Luật như việc giải thích khái niệm thế nào là mua bán người; các biện pháp phòng ngừa mua bán người; việc phát hiện, xử lý hành vi mua bán người và các hành vi khác vi phạm pháp luật về phòng, chống mua bán người; các biện pháp bảo vệ nạn nhân; các chế độ hỗ trợ đối với nạn nhân; trách nhiệm của các bộ và chính quyền địa phương trong phòng, chống mua bán người,…
Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn cho rằng, các quy định của dự thảo luật chỉ mang tính chất “phòng” là chính, còn lĩnh vực “chống” không rõ lắm. Nhiều quy định của dự thảo luật không khả thi, không thực tế như quy định về hỗ trợ nhà ở trong khi hiện nay rất nhiều người không có nhà ở, hỗ trợ y tế, trợ cấp khó khăn ban đầu, hỗ trợ vay vốn… ĐB hình dung việc quy định các chế độ hỗ trợ đối với nạn nhân bị mua bán người giống như quy định về chế độ hỗ trợ đối với người có công với cách mạng, mà nếu làm được như quy định của dự thảo luật thì quá tốt đẹp.
Tuy nhiên, theo ĐB thì các quy định trong dự thảo luật mang tính chất hô hào, không thực tế, cần được xem xét. ĐB cho rằng, trong thực tế có trường hợp người mẹ đem con của mình đi bán thì xử lý người mẹ đó thế nào để phục vụ công tác đấu tranh phòng ngừa. Theo ĐB thì nguyên nhân sâu xa của vấn đề này là do đời sống quá khó khăn, quá nghèo nên người mẹ mới bán chính con của mình. Do đó, ĐB đề nghị cần xây dựng luật này theo hướng không nên nặng về chính sách, mà phải có tính khả thi.
Đồng tình với ĐB Huỳnh Ngọc Sơn, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Phạm Quý Tỵ (Bình Dương) đề nghị cần phải hết sức cân nhắc đối với một số quy định trong dự thảo luật, bảo đảm tính tương quan với các luật khác, nếu không sẽ không bảo đảm tính khả thi. Chẳng hạn như quy định về bố trí nơi ở, nơi làm việc, nơi học tập, rồi vấn đề giữ bí mật cho nạn nhân… Theo ĐB thì không thể giữ bí mật về nơi ở cho nạn nhân được vì còn có hàng xóm láng giềng, không thể đưa nạn nhân đến một chỗ nào đó rồi giấu được.
Về hỗ trợ học văn hóa, học nghề thì trong thực tế có rất nhiều đối tượng cần được hỗ trợ nhưng chúng ta đã hỗ trợ được đâu. ĐB cho rằng quy định tại khoản 3 Điều 6 là trái với Bộ luật Hình sự, khi quy định nạn nhân bị mua bán người “Được xem xét để có thể giảm nhẹ hoặc miễn truy cứu trách nhiệm hình sự, trách nhiệm hành chính đối với một số hành vi vi phạm cụ thể do mình thực hiện như là hậu quả trực tiếp của việc bị mua bán”, vì theo quy định tại Bộ luật Hình sự thì tội phạm và hành vi phải được quy định trong Bộ luật Hình sự, còn việc xem xét miễn giảm hay không cũng do Bộ luật Hình sự quy định. Nếu quy định như khoản 3 Điều 6 thì sẽ làm phá vỡ nguyên tắc của Bộ luật Hình sự. Do đó, ĐB đề nghị cần xem xét lại quy định này.
ĐB Nguyễn Bá Thanh (Đà Nẵng) cho rằng, việc để xảy ra tình trạng mua bán người là do công tác quản lý Nhà nước về an ninh trật tự làm chưa tốt. Do đó, chính quyền phải đứng ra giải quyết vấn đề này. Việc quy định Nhà nước hỗ trợ áo quần, tiền ăn, tiền đi đường cho nạn nhân trở về lại gia đình… là cần thiết, thể hiện trách nhiệm của Nhà nước đối với nhân dân. Dĩ nhiên có một số quy định chưa khả thi lắm như có vị đại biểu Quốc hội đã phát biểu nhưng cũng phải đưa vào luật nhằm bảo đảm phù hợp với Công ước Liên Hợp Quốc về chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia (TOC) và Nghị định thư về phòng ngừa, trấn áp và trừng trị hành vi buôn bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em, bổ sung cho Công ước.
Đồng tình với ĐB Nguyễn Bá Thanh, ĐB Nguyễn Đức Hiền (Quảng Ngãi) cho rằng, luật cần quy định các chế độ hỗ trợ đối với nạn nhân bị mua bán nhằm thể hiện trách nhiệm của Nhà nước đối với nhân dân. Theo ĐB, do đời sống của nhân dân ở một số vùng còn khó khăn nên mới xảy ra việc mua bán người. Đây là vấn đề liên quan đến quốc thể. Do đó, ĐB đề nghị cần có chính sách giảm nghèo, giải quyết khó khăn cho nhân dân, lồng ghép các chương trình mục tiêu quốc gia để phát triển kinh tế-xã hội...
Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng Huỳnh Nghĩa bày tỏ nhất trí với quan điểm của các vị đại biểu Quốc hội, thống nhất với tên gọi của dự án luật là “Luật Phòng, chống mua bán người” để bảo đảm sát thực tế hơn. Vì buôn bán chỉ là một dạng mua bán có tính chuyên nghiệp cao hơn và nhằm mục đích lợi nhuận. Do vậy, dự thảo luật này không nên chỉ điều chỉnh việc phòng, chống buôn bán người mà nên mở rộng phòng, chống mua bán người nói chung, bao gồm cả hành vi mua bán người có tính tổ chức, mang tính chuyên nghiệp (tức là buôn bán), lẫn hành vi mua bán người đơn lẻ hoặc đồng phạm đơn giản.
Có như vậy mới đáp ứng được yêu cầu đấu tranh phòng, chống mua bán người ở nước ta. ĐB đề nghị tách khoản 4 Điều 5 và khoản 10 Điều 7 để thiết kế bổ sung một chương riêng về khen thưởng và xử lý vi phạm người có thẩm quyền trong phòng chống mua bán người, vì đây là một lĩnh vực có những đặc thù riêng, nên cần động viên, khen thưởng và xử lý kịp thời hành vi vi phạm, không làm hết trách nhiệm đã được luật quy định, để bảo đảm việc phòng chống mua bán người đạt hiệu quả cao.
ĐB Huỳnh Nghĩa nhất trí với quan điểm của ĐB Phạm Quý Tỵ, cần xem xét lại quy định tại khoản 3 Điều 6 về vấn đề giảm nhẹ hoặc miễn truy cứu trách nhiệm hình sự cho nạn nhân, vì việc miễn truy cứu trách nhiệm hình sự đã được quy định tại Điều 25 Bộ luật Hình sự chủ yếu là do người phạm tội hoặc do hành vi phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa. Nạn nhân của tội mua bán người thực hiện hành vi phạm tội trong quá trình mua bán chỉ được coi là một tình tiết giảm nhẹ quy định tại điểm e khoản 1 Điều 46 Bộ luật Hình sự “Phạm tội vì hoàn cảnh đặc biệt khó khăn mà không phải do mình tự gây ra”.
Theo ĐB, Điều 23 quy định về xử lý vi phạm, phân ra 2 khoản: khoản 1 quy định về phạm tội mua bán người, khoản 2 quy định về hành vi liên quan đến mua bán người và các hành vi khác vi phạm pháp luật phòng chống mua bán người. Nhưng theo quy định tại Điều 119 Bộ luật Hình sự thì chỉ có quy định về tội mua bán người và trong điều này quy định rõ “người nào mua bán người…” chứ không có quy định về các hành vi liên quan đến việc mua bán người.
Như vậy sẽ không có điều khoản nào để điều chỉnh các hành vi liên quan đến mua bán người tại khoản 2 Điều 23. Do đó, ĐB đề nghị tại Điều 3 nên quy định rõ mua bán người bao gồm cả mua bán người (khoản 1) và các hành vi liên quan đến việc mua bán người (gồm cả khoản 2 và khoản 3) để phù hợp với xử lý vi phạm tại Điều 23 và cũng sẽ được điều chỉnh bởi tội “mua bán người” của Điều 119 Bộ luật Hình sự. Đồng thời, đề nghị tại Điều 23 cần quy định rõ mức độ vi phạm nào thì xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính và truy cứu trách nhiệm hình sự.
PHẠM HỮU HOA